Côn trùng đốt – Hiện tượng thường gặp vào mùa nồm ẩm

Vào thời điểm hiện tại, khi tiết trời trong tình trạng nồm ẩm, nắng nóng, chúng ta rất dễ phải đối mặt với việc bị côn trùng đốt. Điều này có thể dẫn đến những bệnh về da không mong muốn.

Theo TS Lê Hữu Doanh (Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương), hầu hết những trường hợp bị côn trùng đốt chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng nề đỏ, ngứa và đau ở nơi bị đốt và thường thì có thể tự biến mất.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vết đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng toàn thân như nổi mề đay, sưng phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, nặng hơn có thể bị sốc phản vệ, đe dọa tính mạng rất nguy hiểm.

Xử lý khi bị côn trùng đốt đúng cách, tránh biến chứng đe dọa tính mạng - Ảnh 1.

Vào thời điểm hiện tại, khi tiết trời trong tình trạng nồm ẩm, nắng nóng, chúng ta rất dễ phải đối mặt với việc bị côn trùng đốt.

BS Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, côn trùng có thể có độc hoặc không gây độc khi đốt. Trong khi côn trùng không độc chỉ gây ngứa hay ngứa dữ dội, vết cắn xuất hiện màu đỏ, có thể là nốt bỏng giộp thì côn trùng gây độc lại tiêm chất độc tố qua vòi, gây đau đớn và truyền bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết. Nếu không điều trị kịp thời rất có thể gây nên những vấn đề nguy hiểm cho tính mạng.

Chưa hết, vị chuyên gia này nhận định rất nhiều người tự ý chữa côn trùng đốt theo mẹo dân gian truyền miệng, khiến tình trạng vết thương càng trở nên nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện sơ cứu ban đầu đúng cách, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt xác định đúng loại côn trùng đốt để ứng xử tiếp theo chuẩn xác, tránh ảnh hưởng tính mạng.

Xử lý khi bị côn trùng đốt đúng cách, tránh biến chứng đe dọa tính mạng - Ảnh 2.

Côn trùng có thể có độc hoặc không gây độc khi đốt.

Trong số các loại côn trùng, một số côn trùng đốt gây bệnh thường gặp là kiến ba khoang, kiến lửa, ong vò vẽ, ong đất, ấu trùng bướm, sâu róm, bọ chét như rận, ve chó. Do đó cần hết sức cảnh giác với những loại côn trùng này.

Sơ cứu đúng cách khi bị côn trùng đốt, tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng

Theo giới chuyên gia, để sơ cứu đúng cách khi bị côn trùng đốt, bạn cần thực hiện đúng theo các bước dưới đây:

- Bĩnh tĩnh, nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra nếu côn trùng đốt có ngòi cắm vào bằng nhíp hoặc kim.

- Rửa vết thương do côn trùng đốt bằng nước sạch để giảm nồng độ độc tố, giảm nồng độ chất tiết của côn trùng. Thông thường khi bị côn trùng đốt, chúng thường để lại chất thải trên da. Do đó cần nhanh chóng rửa vết thương do côn trùng đốt càng sớm càng tốt, rửa thật nhẹ nhàng với nước sạch.

Xử lý khi bị côn trùng đốt đúng cách, tránh biến chứng đe dọa tính mạng - Ảnh 3.

Bĩnh tĩnh, nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra nếu côn trùng đốt có ngòi cắm vào bằng nhíp hoặc kim.

- Sử dụng chất khử khuẩn lên vết thương, sau đó lau sạch và băng vết thương lại bằng băng và gạc sạch.

- Nếu vết thương bị sưng nề thì có thể chườm lạnh để giảm đau và sưng nề. Sau đó bôi tại chỗ kem steroid hoặc dung dịch calamine nhiều lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng giảm dần. Có thể dùng thêm thuốc kháng histamin đường uống để tình trạng đau sưng giảm nhanh hơn.

- Trong trường hợp côn trùng đốt dẫn đến hiện tượng dị ứng toàn thân phù môi, mắt, nổi mày đay, co thắt phế quản, sốt… hay sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Do đó, sau khi rửa vết thương bằng nước sạch và băng lại, bạn cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Không nên kéo dài tình trạng này vì để quá 6h sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người bị chứng suy giảm miễn dịch.

Xử lý khi bị côn trùng đốt đúng cách, tránh biến chứng đe dọa tính mạng - Ảnh 4.

Nếu vết thương bị sưng nề thì có thể chườm lạnh để giảm đau và sưng nề, bôi tại chỗ kem steroid hoặc dung dịch calamine nhiều lần trong ngày.

Để ngăn chặn côn trùng đốt, vào mùa côn trùng hoành hành như hiện nay, bạn cần chú ý hạn chế tối đa việc dùng nước hoa, mặc quần áo sáng màu để giảm nguy cơ bị ong đốt. Ngăn chặn mùi hôi, ô nhiễm môi trường để tránh thu hút côn trùng kéo đến.

Dọn sạch những ổ nước đọng xung quanh nơi ở và làm việc để tránh thu hút muỗi. Khi đến vùng có nguy cơ cao bị côn trùng đốt, mỗi người cần trang bị đầy đủ quần áo, nón, tất và găng tay. Với thú cưng cần thường xuyên kiểm tra và tiêu diệt bọ chét.

Sử dụng thêm chất xua côn trùng có sẵn trên thị trường là một trong những biện pháp hữu hiệu mà bất cứ gia đình nào cũng nên trang bị.

Xử lý khi bị côn trùng đốt đúng cách, tránh biến chứng đe dọa tính mạng - Ảnh 5.

Ngoài ra, chúng ta cần duy trì chế độ ăn giàu protein, đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…) để giúp cơ thể sản xuất ra các kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh như ngứa ngáy, dị ứng, đồng thời, bổ sung cho cơ thể một số loại vitamin (vitamin A, E…) và khoáng chất tốt như là kẽm, selen, có nhiều trong cam chanh, quýt, thịt gà, thịt bò, gan, trứng, rau xanh, củ quả màu đỏ, vàng…