Chị Cherry Vũ là Tiến sĩ (TS) về Chính sách Công, Đại học Victoria Wellington, Thạc sĩ Quản lý Công ĐH Potsdam, CHLB Đức và có 3 bằng cử nhân ở Việt Nam. Chị cũng là tác giả cuốn "Con mình chẳng lẽ lại vứt"; "Thế bây giờ mẹ muốn cái giề?" và những cuốn sách về quản lý cấp tiến được đánh giá cao. Nhiều bài viết về vấn đề dạy con của chị trên trang cá nhân đều nhận được sự yêu thích của các bậc phụ huynh.

TS cho biết, nhiều người khi đọc những bài con chị viết từ hồi lớp 5, đã hỏi: Làm thế nào để dạy con cách viết khúc chiết, có chính kiến, có lập luận và phân tích thấu đáo các vấn đề như vậy? Bí quyết được TS Cherry Vũ "bật mí", chính là: Thay vì dạy con thuộc lòng, chị dạy con cách tư duy.

Chị cho biết, hệ thống giáo dục của chúng ta thiên về việc dạy trẻ học thuộc lòng, ghi nhớ công thức, ghi nhớ sự kiện hơn là dạy trẻ cách tư duy. Ở những nền giáo dục tiên tiến, các trường học không làm như vậy.

Ở New Zealand hầu hết trẻ không biết tính nhẩm, không học bảng cửu chương, cũng không cần nhớ những công thức phức tạp. Xem bài thi của các con, chị đã rất ngạc nhiên khi thấy trong đó, công thức được viết sẵn ra nhưng cách mà họ kiểm tra là khả năng tư duy của trẻ khi giải quyết các vấn đề.

Đừng dạy con học thuộc lòng, nữ Tiến sĩ nổi tiếng chỉ ra 1 cách học giúp những đứa trẻ trở nên giỏi giang thực sự - Ảnh 1.

TS Cherry Vũ

Ví dụ khi học Lịch sử, học sinh không phải nhớ ngày tháng và chi tiết các sự kiện diễn ra như thế nào (nếu nhớ được thì tốt) nhưng chúng cần tìm hiểu ý nghĩa của những sự kiện lịch sử đó và phân tích chúng ở nhiều khía cạnh (và đương nhiên cũng không có công thức).

"Khi con nhà tôi học lớp 5, học về văn hoá của các nước khác nhau, mỗi học sinh chọn một quốc gia mà mình yêu thích và tìm kiếm tranh ảnh, tem, tiền... hoặc bất kỳ thứ gì liên quan đến nước đó mang đến lớp. Mỗi trò sẽ thuyết trình về những gì mình tìm hiểu được theo những khía cạnh mà trò đó thấy thú vị. Cách học như vậy thực sự gây hứng thú làm cho trẻ ham tìm hiểu, khám phá và phát huy được khả năng tư duy của mình.

Khi dạy con tôi không chỉ bảo con phải làm gì mà luôn đặt câu hỏi để con động não. Nói cho con biết mình muốn kết quả trông như thế nào và để con tự tìm cách tạo ra kết quả. Ví dụ khi dạy con viết tôi sẽ nói với con một bài viết tốt sẽ cần những yếu tố gì và để con tự phát triển các ý tưởng. Sau đó cùng con xem lại bài viết, chỉ ra những gì tốt, chưa tốt giúp con cải thiện cách tư duy.

Tương tự như vậy, khi tư vấn cho các tổ chức tôi ít nói đến các công thức, mô hình, công cụ mà giúp họ thay đổi tư duy về quản lý, về cách làm việc. Suy cho cùng nếu không có tư duy tốt và đúng đắn, chẳng có công cụ nào giúp được bạn quản lý tốt cả", TS chia sẻ.

Các vị phụ huynh hay bị áp lực về việc con không học thuộc bài nên nghĩ lại, chắc chắn chúng ta không muốn con trở thành những chiếc máy photocopy để thi xem máy nào copy nét hơn, chúng ta không muốn con thành những chú vẹt để thi xem đứa nào học thuộc nhanh hơn. Có quá nhiều người được điểm cao trong các cuộc thi và được xem là "học giỏi" nhưng không phải ai cũng có tư duy tốt và thành công trong cuộc sống.

Trong phim Peyton Place có cảnh về cuộc gặp giữa ông Hiệu trưởng mới của một trường trung học và một cô giáo lớn tuổi.

Cô giáo hỏi: "Tôi đoán là ông có rất nhiều ý tưởng mới cấp tiến?". Ông hiệu trưởng trả lời: "Không, thực tế là tôi tư duy khá truyền thống. Tôi chỉ có hai quy tắc: Đầu tiên, tôi muốn ngôi trường này dạy sự thật. Tôi không muốn bất kỳ giáo viên nào vẽ ra một cuộc sống xa vời, ảo tưởng cho học sinh. Quy tắc thứ hai: Dạy tối thiểu facts và tối đa các ý tưởng. Công việc chính của chúng ta là dạy trẻ em làm thế nào để suy nghĩ chứ không phải để ghi nhớ".

"Tóm lại, mọi công thức chúng ta cần trên đời đều có thể Google trong vài giây. Vì vậy hãy dạy con để dành não để tư duy, không phải để học thuộc lòng", TS chia sẻ.