Nắm bắt thị trường vào dịp Tết, nhu cầu người tiêu dùng mua một số sản phẩm như giò, chả, thịt dăm bông hun khói... tăng cao, một cơ sở sản xuất đã thu mua thịt lợn trôi nổi, phụ gia không rõ nguồn gốc để bán kiếm lời.
Ngày 15/1, Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết, đã bàn giao hồ sơ vụ việc và quyết định xử phạt cơ sở sản xuất chế biến giò, chả, thịt dăm bông hun khói Thắng Hương, địa chỉ ở Khu tập thể Phùng Khắc Khoan, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho Đội QLTT số 19 (Chi Cục QLTT Hà Nội).
Sau khi nhận được một số thông tin của người dân phản ánh về chất lượng sản phẩm giò, thịt dăm bông hun khói của cơ sở Thắng Hương, Đội 2 phối hợp với Thanh Tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an thị xã Sơn Tây và Đội QLTT số 19 đã tiến hành kiểm tra cơ sở Thắng Hương do bà Nguyễn Thị Lan Hương (42 tuổi) làm chủ.
Chiều tối 14/1, làm việc với lực lượng chức năng bà Hương không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATVSTP... Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 118 kg thịt đông lạnh và 809 kg thịt dăm bông hun khói; chân giò muối (trong đó thịt dăm bông hun khói là mặt hàng chủ lực), đều được làm từ thịt trôi nổi ngoài thị trường và các phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: Bản thân kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ ở ngoài chợ, khi thấy mặt hàng giò, chả, thịt dăm bông hun khói... bán chạy vào dịp Tết. Theo đó, ngày 7/1, đã tự ý mở cơ sở sản xuất nêu trên, đồng thời thuê thêm 3 nhân công với mức tiền 120 nghìn/người/ngày.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng còn tịch thu hàng chục gói và chai nhựa các loại bên ngoài có ghi chữ Trung Quốc. Được tận mắt chứng kiến quy trình tạo nên sản phẩm thịt dăm bông hun khói (mặt hàng này được gói như giò), chúng tôi không khỏi kinh hoàng về các nguyên liệu được đưa vào sử dụng. Có phụ gia mùi rất hăng, có phụ gia không mùi nhưng màu đỏ lòe loẹt...
Theo Trung tá Nguyễn Xuân Quyến, nhìn bằng mắt thường không thể phân biệt được, mặt hàng này trông rất “ngon”, giá lại rẻ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bà Hương cho biết thêm để “tạo” nên mặt hàng này, đã mua một số nguyên liệu phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc về trộn với thịt theo một công thức nhất định. Sau đó, đóng gói bằng nilon đem luộc chín. Qua quá trình để nguội, nhân công sẽ gói lá chuối và bọc ngoài bằng giấy... và đưa ra thị trường bán với giá 100.000 đ/kg...
Ngoài ra, để đánh lừa người tiêu dùng, cơ sở này còn tự ý dán nhãn mác của một số cơ sở giò nổi tiếng như Giò Me (đặc sản Nghệ An), giò tai lưỡi... lên trên ruột do cơ sở Thắng Hương sản xuất. 22h ngày 14/1, lực lượng chức năng đã niêm phong gần 1 tấn sản phẩm, đồng thời yêu cầu bà Hương đóng cửa cơ sở sản xuất trên.
Xe khách vận chuyển 240 hộp phụ gia thực phẩm không rõ xuất xứ
Ngày 15/1, Đội Cảnh sát giao thông trung tâm, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong khi làm nhiệm vụ trên QL18A, đơn vị đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 14, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xe ôtô khách BKS 14LD-000.49 do Bùi Lâm Tùng, trú tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả điều khiển hướng Móng Cái-Hạ Long.
Kiểm tra đã phát hiện trên xe vận chuyển trái phép 240 hộp phụ gia thực phẩm hương vị gà (loại 500 gram/hộp) mang nhãn Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam. Lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh số phụ gia thực phẩm trên. Được biết, phụ gia này thường bán cho nhà hàng để làm nước lẩu gà hoặc tẩm ướp làm gà quay, gà rán, KFC…