Rôm sảy là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh, thường mọc rải rác ở đầu, cổ, ngực, lưng... Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát. Vì vậy, trẻ khi bị rôm sảy thường gãi ngứa dễ làm da bị lở do viêm nhiễm.
Mùa hè nóng nức rất dễ gây nên tình trạng rôm sảy ở trẻ.
Nguyên nhân gây rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi cũng do trẻ được cho mặc quần áo quá nóng. Trẻ bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng ấp cũng có thể bị nghẽn các tuyến mồ hôi; khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm; do vận động cơ thể (làm việc nặng, chơi đùa…) với cường độ cao; mặc quần áo, tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí; do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
Để trị rôm sảy nhanh và an toàn, mẹ có thể dùng một số loại lá nấu nước tắm cho bé từ các loại cây lá rất thân thuộc trong vườn nhà rất dễ dàng tìm được.
1. Mướp đắng
Mướp đắng tuy có vị đắng nhưng tính mát nên rất tốt để giải nhiệt cho làn da bé. Mùa hè, nếu mẹ đang chuẩn bị làm món canh mướp đắng thì hãy cất riêng mấy quả để tắm cho bé nhé. Mỗi lần tắm chỉ cần 2 quả nhỏ, đem xay hoặc giã nát rồi lọc lấy nước pha vào chậu tắm cho bé, da bé sẽ dịu và mát liền ngay sau tắm.
2. Lá kinh giới
Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay, tính ấm, có chứa tới 1% tinh dầu, trong đó có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng chữa bệnh. Theo Đông y, kinh giới có tác dụng tiêu độc, cầm máu… Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng sát khuẩn tốt, làm sạch da. Theo kinh nghiệm dân gian, lá kinh giới hái về để tươi, rửa sạch rồi đem giã nhỏ, vắt lấy nước pha vào nước đun sôi cho bé tắm ngày 2 lần có tác dụng làm sạch da, sát trùng, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh bám trên da.
3. Lá chè xanh
Theo các nghiên cứu đã cho thấy trong lá trà xanh có chứa hàm lượng rất cao hoạt chất epigallocatechin gallate (EGCG) có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn rất tốt. Do đó ông bà ta ngày xưa hay dùng lá chè xanh để chữa rôm sảy cho con.
Để làm nước tắm trà xanh khá đơn giản, rửa sạch lá trà xanh, vò nát và trộn chung với một chút muối hãm qua một lần nước ban đầu rồi bỏ nước đi. Sau đó, đổ lần nước thứ hai vào nồi và đun sôi. Đợi hỗn hợp nguội dần thì các mẹ dùng khăn mềm sạch tẩm với nước lần 2 này để lau nhẹ nhàng và rửa những chỗ bị rôm sảy, hoặc tắm trực tiếp cho bé.
4. Lá khế
Khế có vị chua, có tác dụng tán nhiệt giải độc, được dùng để chữa trị các loại mụn nhọt, mề đay, ngứa do dị ứng… Vì thế nên nhiều bà mẹ áp dụng mẹo trị rôm sảy cho bé bằng cách tắm nước lá khế.
Để làm một nồi tắm nước lá khế rất đơn giản, các mẹ có thể lấy một nắm lá khế, tách bỏ các phần gân xương thừa của lá sau đó rửa sạch và cho vào nồi đun sôi cùng một ít muối. Sau khi sôi khoảng 5 phút thì bỏ bã và chắt nước ra chậu lớn pha cùng với nước lạnh theo tỉ lệ vừa phải để nước đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho bé tắm. Với cách này, các mẹ thực hiện liên tục từ 3-4 này sẽ thấy được hiệu quả rõ rệt, làn da của em bé sẽ thoát khỏi những đốm mụn rôm chi chít đáng ghét.
5. Lá dâu tằm
Lá dâu tằm có tác dụng tản nhiệt, nên đối với các bé bị rôm sảy nó là một loại lá tắm rất tốt để trị bệnh, ít gây kích ứng da.
Lá dâu tằm sau khi đem về, các mẹ nên ngâm với nước muối rồi rửa sạch để loại bỏ những thành phần bụi bẩn. Tiếp đó, cho tất cả lá vào trong một túi vải lớn bỏ vào nồi đổ đầy nước. Đợi nước sôi thì tắt bếp để tầm 15 phút cho nước chuyển thành dạng ấm hoặc pha loãng với lạnh rồi tắm cho bé. Thực hiện liên tục từ 3-5 ngày, nó sẽ ngăn chặn các mụn rôm mới mọc lên và xóa đi cảm giác ngứa ngáy khó chịu cho bé thoải mái vui chơi.
6. Lá tía tô
Lá tía tô cũng là một loại lá có tác dụng giải nhiệt, làm mát rất tốt. Bạn có thể lấy lá tía tô rửa sạch, cho vào cối giã nát để lấy nước cốt chấm lên toàn bộ vùng lưng bị rôm sảy vài lần mỗi ngày. Để nước cốt lá tía tô trong khoảng 10-15 phút cho khô bề mặt rồi đi tắm hoặc lau lại bằng nước ấm cho con là ổn.
Lưu ý khi dùng lá tắm cho bé:
- Bố mẹ cần phải xác định được da bé thuộc loại da gì, có nên tắm lá hay không để có thể lựa chọn được loại lá tắm phù hợp.
- Dù dùng bất kì loại lá nào để tắm cho bé cha mẹ cũng phải đảm bảo phải ngâm rửa nước muối hoặc thuốc tím thật sạch trước khi xay, giã hoặc đun nấu. Bởi các loại lá này chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn gây hại, thậm chí là thuốc trừ sâu trên mặt lá. Hơn nữa, một số loại lá còn có lông tơ, có thể gây kích ứng da của con.
- Cần tắm cho bé bằng sữa tắm chuyên dụng trước vì các loại lá này không thể hòa tan chất nhờn trên da, chúng chỉ có thể làm mát hoặc cung cấp kháng sinh tự nhiên.
- Sau khi tắm xong, cha mẹ nên tráng lại bằng nước ấm cho con để rửa trôi lượng bột của lá có thể còn đọng lại trên da bé, gây nhiễm khuẩn..
- Không thêm quá nhiều muối hay chanh vào nước tắm của con, điều này có thể làm bé bị xót, dễ làm kích ứng da của con hơn. Cũng không được đun nước lá quá đặc vì lượng tinh bột của lá có thể đọng lại trên da con, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng.
- Không tắm nước lá cho con khi da con có dấu hiệu bị trầy xước, mưng mủ, sưng đỏ, viêm nặng. Bởi khi da đã trong tình trạng này thì da đã mất lớp màng bảo vệ, việc tắm lá dù đã qua đun nấu vẫn có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên và có thể gây những biến chứng không ngờ.