Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) chia sẻ một ca bệnh gặp tai biến do làm đẹp trị nám bằng cách giã lá trầu không, đắp lên vùng da bị nám trong suốt 1 tháng. Kết quả là vết nám không biến mất, thay vào đó, da xuất hiện nhiều vết thâm loang lổ. Tai biến do dùng trầu không trị nám da này hiện đang khiến nhiều chị em ngã ngửa, nhất là những người tin tưởng cách chữa nám theo cách tự nhiên, rẻ tiền.
Có thể nói, ở độ tuổi trung niên, làn da của chị em phụ nữ thường xuất hiện rất nhiều nám. Hệ quả của những vết thâm mụn ở độ tuổi 30 là tiền đề cho làn da ngày càng xỉn màu, xuống sắc. Để chữa bệnh nhanh, lại rẻ tiền, nhiều chị em mách tai nhau cách sử dụng lá trầu không trị nám da.
Nhiều người sử dụng lá trầu không giã nát làm mặt nạ dưỡng da trong 20 phút, nhiều người thì tiến hành xông hơi bằng lá trầu không đều đặn hàng tuần... Những hành động này đều là những kiểu "bức tử" làn da, được giới chuyên gia đặc biệt lên tiếng cảnh báo.
Dùng lá trầu không trị nám da, chị em đừng mù quáng tin tưởng
Đứng ở góc độ Đông y, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng nhanh. Nếu lạm dụng lá trầu không trị nám da, người dùng có thể gặp triệu chứng giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố với biểu hiện da đen trắng từng chỗ.
"Việc sử dụng lá trầu không chữa nám có hiệu quả hay không cũng phải phù hợp cơ địa từng người chứ không hoàn toàn có tác dụng phổ cập. Khi sử dụng lá trầu không cũng cần hạn chế, không lạm dụng vì có thể khiến da mặt bị tổn thương", lương y Bùi Hồng Minh nói.
Vị chuyên gia này cũng không khuyến khích cách làm đẹp này vì chữa nám đòi hỏi nhiều thời gian và cũng phải biết tình trạng nám, loại nám mắc phải... và được bác sĩ da liễu điều trị theo liệu trình cụ thể.
Chia sẻ về vấn đề này, BS Hà Sỹ Hoàng Tùng (chuyên thẩm mỹ nội khoa tại Hà Nội) cho biết, dùng lá trầu không trị nám da đúng là giúp da trắng sáng nhanh nhưng sau khi dùng vài ngày, do cơ chế lột da, bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa da, đỏ, bong tróc rất khó chịu. Sau khoảng 1 tháng dùng trầu không trị nám da, bệnh nhân có thể bị tăng sắc tố gây đen da. Nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị chứng giảm sắc tố trên nền tăng sắc tố với biểu hiện cụ thể như da đen trắng từng chỗ, xuất hiện những đốm nhỏ loang lổ, trông rất mất thẩm mỹ.
"Khi dùng lá trầu không trị nám da, nếu da bị tăng sắc tố sau viêm ở thượng bì thì khả năng điều trị khỏi rất cao nhưng nếu bị tăng sắc tố ở trung bì, nghĩa là đã bị ăn sâu vào trong da, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi mất nhiều thời gian và phải thực sự rất kiên trì", chuyên gia nhận định.
Điều đáng nói, đây là phương pháp chưa hề được khoa học công nhận, chỉ là mẹo làm đẹp truyền miệng trong dân gian nên chị em cần hết sức lưu ý. "Nám là do tăng sắc tố mà chưa có khoa học nào chứng minh là lá trầu không có thể ức chế sắc tố cả, chưa kể dùng các phương pháp tự nhiên như vậy có thể tác động không tốt lên da, gây ra tổn thương hay nhiễm khuẩn trên da, gây ra những hậu quả không lường trước được", BS Hoàng Tùng cảnh báo.
Muốn trị nám da thành công, bệnh nhân cần có phác đồ điều trị, không nóng vội
Theo BS Đỗ Tuấn Anh (khu điều trị Laser, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), để đạt kết quả cao khi trị nám, ngoài việc lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý, bệnh nhân cũng chú ý lựa chọn cơ sở điều trị uy tín, hiệu quả. Trong quá trình điều trị nám, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ cũng như tuân thủ sử dụng các sản phẩm thuốc hỗ trợ do bác sĩ kê đơn để đạt hiệu quả tối đa.
"Tại nhà, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc da hợp lý. Sau khi kết thúc quá trình trị nám, bệnh nhân cần có biện pháp giữ gìn, bảo vệ da như chống nắng, tránh stress, luôn giữ tinh thần vui vẻ thoải mái, tránh thức khuya nhiều, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi", BS Tuấn Anh chia sẻ.
BS Đỗ Tuấn Anh khẳng định, điều trị nám da là một công cuộc lâu dài, đòi hỏi cả bệnh nhân lẫn bác sĩ có sự phối hợp tốt và thật kiên trì trong từng bước điều trị bệnh.
Nám da là một loại bệnh rất phổ biến với phụ nữ lứa tuổi trung niên hiện nay và có rất nhiều cách thức điều trị để cải thiện. Những phương pháp trị nám da rất phổ biến hiện nay là peel da, dùng thuốc uống, kem bôi, chăm sóc da hay sử dụng ánh sáng để điều trị. Tuy nhiên, mỗi phương pháp đều có những ưu – nhược điểm nhất định và tùy theo tình trạng nám, điều kiện về thời gian, tài chính của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cho phù hợp nhất.
"Với điều trị nám để đạt hiệu quả an toàn và tối ưu, thông thường phải sử dụng nhiều phương pháp, có thể kết hợp điều trị nội khoa với chăm sóc da, hoặc laser kết hợp điều trị nội khoa và chăm sóc da", chuyên gia nhấn mạnh.
Trị nám sai cách có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ở hậu quả tức thời, bệnh nhân có thể bị bỏng da tại chỗ, xuất hiện vết thương tại chỗ, gây các rối loạn chuyển hóa toàn thân. Ở hậu quả lâu dài, bệnh nhân có thể bị tổn thương da không hồi phục, thậm chí tăng nguy cơ ung thư da, gây bệnh hệ thống.
Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo, công cuộc điều trị nám là công việc đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Nên điều trị sớm và lựa chọn cơ sở cũng như phương pháp điều trị da phù hợp điều kiện của mình để nhanh chóng đạt được hiệu quả tối đa.
Nói chung, phụ nữ ngoài 30 tuổi, khi đến lứa tuổi trung niên nên thường xuyên đi thăm khám, chăm sóc da. Nếu phát hiện thấy bất thường cảnh báo nám da như da không đều màu, da xuất hiện đốm đen trên mặt, gò má, làn da tối dần và xỉn màu… cần đi thăm khám và điều trị kịp thời.