Đó là trường hợp của cô gái tên Thảo (19 tuổi, quê Hà Tĩnh, tên đã thay đổi).
Thảo kể cách đây ít lâu có đi làm nhà hàng tiệc cưới và quen một phụ nữ chuyên bán mỹ phẩm tên D. Ban đầu cô không quan tâm những lời chào mời của người bán. Tuy nhiên thấy bạn bè xung quanh mua kem về bôi và đều đẹp lên trông thấy, Thảo bắt đầu chú ý.
Cô gái 19 tuổi trước khi sử dụng "mỹ phẩm dân tộc"
Biết cô gái có nhu cầu muốn trị mụn và "lột xác", D. quảng cáo rằng loại kem mà mọi người đang sử dụng là mỹ phẩm 100% tự nhiên, làm từ thảo mộc dân tộc, thoa vào sẽ nhanh chóng hết mụn và đẹp lên. Vì người bán là chị của bạn làm chung nên Thảo tin tưởng ngay.
Hai lọ mỹ phẩm mà cô gái mua với mong muốn nhanh chóng "lột xác".
Loại mỹ phẩm này ở dạng dung dịch lỏng như "rượu thuốc".
"Chị ấy bán cho em 2 lọ kem, 1 lọ dùng trị mụn với giá 350 ngàn đồng và 1 lọ thoa dưỡng giá 180 ngàn đồng, dặn bôi ngày 2 lần trong vòng 1 tháng. 10 ngày đầu em không thấy có gì thay đổi nên tưởng kem không tác dụng với mình.
Nhưng đến ngày thứ 12 thì da mặt em bắt đầu ngứa, càng gãi càng sưng vù lên và mắt híp lại đến nỗi không mở ra được. Qua ngày thứ 13 thì tình trạng sưng mỗi lúc một tăng lên" – Thảo kể.
Sau khi sử dụng không lâu, mắt cô gái híp lại và sưng vù.
Lúc này, cô gái báo cho người bán thì được trấn an rằng việc sưng mặt là phản ứng hoàn toàn bình thường, chỉ cần ngưng xứt kem 2-3 ngày sẽ hết và cam đoan sản phẩm của mình hoàn toàn an toàn.
Bệnh nhân được chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng.
"Chị ấy nói có thể do em rửa mặt không đúng cách hoặc dùng quá nhiều mỹ phẩm rồi nên khi bôi kem này vào độc tố thải ra nhiều hơn một chút. Nhưng trước giờ em chỉ dùng sữa rửa mặt thôi. Đến ngày thứ 14, mặt em vẫn không hết ngứa mà còn sưng lên rất lớn, tối không thể nào ngủ được nên em quyết định đến BV khám" – Thảo nói tiếp.
Từ một khuôn mặt dễ nhìn, dung nhan Thảo bị biến dạng nặng nề.
Tại Bệnh viện (BV) Da Liễu TP.HCM, sau khi thăm khám và nhìn 2 lọ kem mà bệnh nhân đem đến, các BS chẩn đoán ngay Thảo bị Viêm da tiếp xúc dị ứng. Cô gái được kê thuốc uống trong một tuần và cảnh báo dừng sử dụng ngay loại kem "lạ" không đảm bảo chất lượng.
Bệnh nhân cho biết dù đã uống thuốc nhưng mặt cô vẫn chưa hết sưng.
Theo quan sát của phóng viên, hai loại mỹ phẩm mà bệnh nhân 19 tuổi mua được quảng cáo trên bao bì là "Mỹ phẩm dân tộc", "Thảo mộc người Dao" với công dụng trị mụn trứng cá, se khít lỗ chân lông, làm trắng hồng tự nhiên, chống nhờn da, mờ sẹo và thâm nám.
Ở bên trong là dung dịch lỏng màu nâu đục, thể tích mỗi chai là 100ml. Các loại mỹ phẩm này đều có khuyến cáo "Tránh xa tầm tay trẻ em".
Đây không phải là lần đầu tiên có nạn nhân bị biến dạng khuôn mặt vì sử dụng các sản phẩm làm đẹp trôi nổi dưới mác "thảo mộc", "thuốc Đông y".
Quảng cáo hấp dẫn mà người bán dành cho đối tượng nam giới. (Ảnh: Facebook)
Vào năm 2017, một cô gái 23 tuổi, quê Đồng Nai vì mong muốn đẹp cấp tốc đã đi lột da bằng loại thuốc được quảng cáo là Đông y với giá 2 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi thực hiện, mặt bệnh nhân bị bỏng nặng, phồng rộp và xuất hiện nhiều vết lở. Khi đến BV cầu cứu, bệnh nhân được xác định bỏng sâu độ 2.
Ths.BS chuyên khoa Da liễu Phạm Thị Bích Na cho biết, các loại thuốc Đông y, mỹ phẩm gia truyền, kem sâm hay kem ốc sên thực chất là biến tướng của kem trộn, được bán với giá khá rẻ. Dù tên gọi khác nhau nhưng chung quy lại, tất cả đều là hóa chất lột tẩy.
Cùng với những chiêu quảng cáo hấp dẫn như làm đẹp siêu tốc, cam kết hoàn lại tiền nếu không đẹp, theo cho tới khi nào đẹp mới thôi đã chiếm được lòng tin của chị em phụ nữ. Điều này khiến các BS rất đau đầu trong cuộc chiến chống lại kem trộn.
"Các thành phần trong kem trộn, chất lột da chủ yếu là axit. Dù nồng độ axit loãng hay nhiều, biểu hiện nhanh hay chậm thì con đường cuối cùng vẫn là bào mòn, viêm da kích ứng, nhiễm trùng và suy yếu da. Trong trường hợp đã bị tổn thương da vì kem trộn, bệnh nhân cần điều trị càng sớm càng tốt, bởi nếu để axit ngấm sâu vào trong thì hậu quả sẽ lớn và càng khó chữa hơn" – BS Na phân tích.
Bác sĩ Phạm Thị Bích Na khẳng định các quảng cáo làm đẹp da, bôi kem trộn trắng da siêu tốc, trị nám siêu tốc mà vẫn bảo đảm an toàn là không đúng
BS cũng chỉ ra sai lầm trong cách điều trị "ai chỉ gì làm đó" của bệnh nhân. Cụ thể, có người sau khi bị rộp da vì kem trộn còn bôi nghệ tươi, đắp nha đam hay thậm chí lăn kim lên vùng da tổn thương khiến tình trạng tệ hơn rất nhiều.
BS Na khuyến cáo chị em nên cân nhắc kỹ càng, tỉnh táo khi sử dụng các sản phẩm bôi trên da, tìm cho mình những cơ sở làm đẹp uy tín, được cấp phép. Khi da có những dấu hiệu như ngứa ngáy, châm chích, rát bỏng, đau nhức hoặc có cảm giác nóng bừng, phải lập tức dừng bôi loại mỹ phẩm đang sử dụng và đến BV ngay.
"Nền da luôn tuân theo một chu trình tái tạo. Một người muốn thay đổi nền da của mình phải mất rất nhiều tháng, thậm chí tính bằng năm. Các quảng cáo làm đẹp da, bôi kem trộn trắng da siêu tốc, trị nám siêu tốc mà vẫn bảo đảm an toàn là không đúng" – BS Na khẳng định.