Nhà tâm lý học V. Keler đã chỉ ra một số biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 3: Bướng bỉnh, ngang ngạnh, ngoan cố, thích nói ngược, làm ngược, tự tiện, vô lễ... Đương nhiên, với hàng loạt thay đổi theo chiều hướng không mấy tích cực của trẻ thì cha mẹ nào chẳng... hãi hùng. 

Tại sao trẻ trở nên ương bướng tuổi lên 3?

Không phải tất cả mọi đứa trẻ đều đúng 3 tuổi là bắt đầu thay tính đổi nết. Tùy thuộc vào sự phát triển cơ thể và nhận thức khác nhau mà giai đoạn khủng hoảng này cũng sẽ đến sớm hay muộn. Và việc trẻ "nổi loạn" cũng có thể ít nhiều tùy tính cách từng bé.

TS Đinh Thị Kim Thoa, chuyên gia tâm lý trường Mầm non Hoàng Gia cho rằng: Những biến đổi về tâm lý của trẻ khi bắt đầu vào trường mẫu giáo về khoa học người ta gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Hơn nữa, sự thay đổi môi trường, không được thỏa mãn một số điều ở trường nên khi về nhà cháu sẽ “bùng phát” và đòi được đáp ứng nhưng chính trẻ lại rất mơ hồ về mong muốn của mình. Chính vì thế người lớn đưa cho gì cũng lắc đầu và cách duy nhất mà nhiều trẻ làm đó là khóc ăn vạ...

Tại sao khi trẻ lên 3, cha mẹ bắt đầu rơi vào “khủng hoảng”? - Ảnh 1.

Trẻ em độ tuổi lên 3 ương bướng, ngang ngạnh và hay khóc lóc, ăn vạ (Ảnh minh họa).

Xét chung nguyên nhân khiến trẻ "khủng hoảng tuổi lên 3" có thể giải thích bởi 3 lý do sau:

1. Tăng nhận thức về thế giới xung quanh

Ở độ tuổi lên 3, thế giới quan của trẻ phát triển mạnh mẽ nên các bé luôn muốn thể hiện sự độc lập, khẳng định cái tôi của mình. Tuy nhiên, do chưa nhận thức được đầy đủ về hậu quả nên trẻ khăng khăng hành động theo ý mình, thậm chí bố mẹ càng ngăn cản con càng muốn làm bất kể đúng - sai, tốt - xấu. Và cũng bởi lẽ đó, các bậc phụ huynh hầu hết cảm thấy "khủng hoảng" khi các con bước sang tuổi lên 3.

Tại sao khi trẻ lên 3, cha mẹ bắt đầu rơi vào “khủng hoảng”? - Ảnh 3.

2. Sự phát triển của thể chất

Khi 3 tuổi, trẻ cũng bắt đầu hoàn thiện dần chức năng của các cơ tay, ngón tay trở nên khéo léo, bước đi vững vàng, tăng cường một số kỹ năng vận động nên khả năng tự phục vụ mình rất tốt. Trẻ thích được khám phá, mày mò và tự làm mọi việc từ đi tất, mặc quần áo, xách đồ... Đặc biệt, trẻ sẽ so sánh mình với người lớn, muốn được làm mọi việc như người lớn. Tuy nhiên, với khả năng của mình, các bé chưa thể tự làm được mọi việc hoặc bị bố mẹ ngăn cấm nên nảy sinh xung đột.

Tại sao khi trẻ lên 3, cha mẹ bắt đầu rơi vào “khủng hoảng”? - Ảnh 4.

3. Kỹ năng ngôn ngữ chưa hoàn thiện

Ở tuổi này, do khả năng ngôn ngữ chưa phát triển hoàn thiện khiến các bé chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn dẫn đến bố mẹ không hiểu ý. Ngược lại, trẻ cũng chưa hiểu hết lời giảng dạy, khuyên can của người lớn nên cứ khăng khăng làm theo ý mình. Chính sự phát triển chưa đầy đủ về mặt ngôn ngữ là rào cản giữa cha mẹ và các bé độ tuổi lên 3, khiến các con càng dễ cáu bẳn và nổi khùng.

Tại sao khi trẻ lên 3, cha mẹ bắt đầu rơi vào “khủng hoảng”? - Ảnh 5.

Cha mẹ nên làm gì trong giai đoạn con khủng hoảng?

Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên trường ĐH Sư phạm TP. HCM khẳng định: “Trẻ lên 3 bắt đầu ý thức về cái tôi và có khuynh hướng muốn được hành động theo ý thích của mình. 

Vì vậy, nếu cháu có ý muốn thỏa đáng thì cha mẹ nên đồng tình và cho trẻ thực hiện. Trong trường hợp trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết không đáp ứng sau khi giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ.

Nếu trẻ vẫn tiếp tục làm, người lớn có thể giả vờ không quan tâm tới (trẻ con dễ quên và dễ bị phân tâm bởi những điều mới lạ khác). Khi cần xử phạt có thể sử dụng cách không được đi chơi bên ngoài với ba mẹ hoặc không được đọc truyện, kể chuyện cho nghe thay cho hình thức đánh đòn sẽ phản tác dụng khiến trẻ trở nên ương bướng hơn”.

Đừng than trời vì sự thay tính đổi nết của con độ tuổi lên 3, cha mẹ nên hiểu nguyên nhân sâu xa này để đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp - Ảnh 7.