Nấm linh chi có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, nâng đỡ và kiến tạo hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, nấm linh chi có tác dụng ổn định huyết áp, tăng cường tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, hỗ trợ thần kinh, chống đau đầu và tứ chi, điều hòa kinh nguyệt, chống dị ứng, chống bệnh béo phì, phòng chữa bệnh tiểu đường, bệnh về gan mật như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ...

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát và chứng minh tác dụng trị liệu của linh chi đối với các mặt bệnh như rối loạn lipid máu, thiếu máu cơ tim, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, huyết áp thấp, viêm phế quản mạn, hen phế quản, ho ra máu.

Ngoài ra, nấm linh chi còn có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan cấp và mạn tính, xơ gan, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu, đái tháo đường, các chứng xuất huyết, viêm mũi, viêm da, mụn nhọt, các bệnh ung thư phổi, dạ dày và cổ tử cung, hội chứng suy giảm bạch cầu do dùng hóa chất chống ung thư...

Ngoài ra, linh chi còn được dùng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bồi bổ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, đặc biệt đối với người cao tuổi. Với phụ nữ, linh chi được dùng để làm đẹp da, chống các nếp nhăn và các vết sắc tố.

Công nhận những tác dụng tốt của nấm linh chi, nhưng GS.TS, BSCKII Dương Trọng Hiếu, chuyên khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh Y học cổ truyền Trung ương, lưu ý những tác dụng này chỉ có được khi dùng đúng liều lượng.

Dùng theo cách này, nấm linh chi thành độc dược - Ảnh 1.

Nấm linh chi rất tốt cho sức khoẻ nhưng phải dùng đúng liều lượng và đúng đối tượng. Ảnh minh hoạ: Internet

 “Nấm linh chi được nhắc nhiều tới tác dụng "cải lão hoàn đồng", chống độc, chống lão hóa nhưng chúng phải được dùng với liều lượng đủ và uống đều. Nếu người dân chỉ nấu 10 gram linh cho  cả nhà cùng uống thì chắc chắn chẳng có tác dụng gì. 

Ngược lại, nếu đun khoảng 20 gram linh chi cô đặc trong 1-2 chén lại rất tốt. Ngoài ra, chúng ta cần phải kết hợp vị thuốc này với các loại dược liệu khác mới phát huy được tác dụng", GS Hiếu cho hay.

Theo ông, nấm linh chi có 5 màu khác nhau gồm vàng, đỏ, xanh, tím, đen. Mỗi loại sẽ tác động vào mỗi tạng khác nhau, do đó, khi dùng cần có sự hướng dẫn như các y bác sĩ y học cổ truyền. Nếu dùng đại trà, bừa bãi, linh chi có thể sẽ phản tác dụng.

Khi sử dụng, người dân nên dùng nấm linh chi theo cách truyền thống tức đun nhỏ lửa trong khoảng 20-60 phút trước khi thêm các thành phần thảo dược khác. Nếu chỉ đun linh chi trong 5 phút giống như đun trà thì lượng hoạt chất trong nấm không tan hết trong nước, vô tình gây lãng phí.

Lưu ý: Nấm linh chi nên dùng vào mỗi buổi sáng, lúc bụng đói. Uống nhiều nước làm tăng công hiệu thải độc của nấm. Khi sử dụng có biểu hiện đi tiểu nhiều lần chứng tỏ nấm tác dụng thanh lọc chất độc trong cơ thể.

Khi đun, hãm linh chi có thể kết hợp thêm cam thảo, táo tàu, atiso, hoặc cỏ ngọt để giảm bớt vị đắng, giúp dễ uống mà không làm ảnh hưởng đến dược tính. Nên kết hợp thêm vitamin C khi uống linh chi vì sẽ làm tăng hấp thu dược chất trong nấm.

Sau 2-3 ngày dùng linh chi đỏ, có thể xuất hiện những triệu chứng như táo bón, tiêu chảy, mẩn ngứa. Bệnh nhân ung thư, tiểu đường có cảm giác bệnh nặng lên. Đó là dấu hiệu bình thường, không đáng ngại. 

Bạn có thể giảm lượng dùng hoặc ngừng hẳn 4-5 ngày, sau đó sử dụng trở lại, triệu chứng trên sẽ không còn. Người bị huyết áp thấp có thể bị chóng mặt, vì vậy chỉ nên sử dụng nấm linh chi sau khi ăn no và không uống vào buổi tối.

Nấm linh chi có thể bảo quản tươi trong ngăn đá tủ lạnh hoặc phơi khô và để ở nơi thoáng mát.