Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam. Nhiễm trùng roi có thể bị các triệu chứng viêm nhiễm cấp tính nặng ở đường sinh dục: có khí hư màu vàng, loãng, có mùi hôi.

Nếu có bội nhiễm thì ngả sang màu xanh có bọt nặng mùi, bị rát bỏng, ngứa dữ dội vùng âm hộ âm đạo, tầng sinh môn đỏ, sưng nề, đái buốt, đau khi giao hợp, khi lau sạch khí hư  thấy âm đạo cổ tử cung có những chấm đỏ không đều, nếu bôi dung dịch lugol sẽ bắt màu rất rõ.

Những triệu chứng này không đặc hiệu. Sau đó chuyển sang thể mạn hay thể bán cấp không có triệu chứng rõ rệt. Có trường hợp nữ nhiễm trùng roi  không có triệu chứng.

Bệnh nặng kéo dài có thể gây viêm buồng trứng, vòi trứng hay bít cổ tử cung  gây vô sinh. Nếu xảy ra trong thai kỳ mà không điều trị thì sẽ bị vỡ ối sớm và bị viêm mô dưới da sau mổ cắt bỏ tử cung.

Nam nhiễm trùng roi rất ít khi có triệu chứng, chỉ có một ít viêm niệu đạo nhẹ, quy đầu bị  ngứa, có khi có tiết dịch, đái rắt, đái buốt...

Để điều trị trùng roi có thể dùng các thuốc sau

Metronidazol (klion, flagy, medazol,): Các thuốc này thuộc nhóm nitroimidazol có tác dụng diệt trùng roi. Tỷ lệ khỏi 90 - 95%. Có thể dùng trong mọi tình huống (ở các vùng địa  lý có chế độ ăn uống, sinh hoạt khác nhau, kể cả đối với người bị nhiễm HIV) mà không  có sự khác nhau về mặt đáp ứng.

Qua các báo cáo lâm sàng thấy có hiện tượng T. vaginalis kháng metronidazol xảy ra trên toàn cầu, song chưa có nghiên cứu về  tần suất kháng, trong khi đó theo nghiên cứu của Mỹ, tần suất kháng < 1%. (Schmid G-2001).

Có thể dùng metronidazol theo phác đồ dài ngày (5 - 7 ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 500mg, kèm với đặt một viên trứng 500mg vào âm đạo); hay  theo phác đồ ngắn ngày (uống một liều duy nhất 2g).

Khi bệnh dai dẳng có thể dùng phác đồ dài ngày hơn song không quá 14 - 20 ngày hoặc có thể dùng phác đồ ngắn ngày với liều cao hơn, một lần duy nhất 4g.

 Theo một số nghiên cứu thì hai phác đồ có hiệu quả như nhau, nhưng theo một số tác giả thì cần nghiên cứu thêm nữa mới xác nhận chắc chắn điều này.

Dùng phác đồ liều duy nhất có thuận lợi, rẻ tiền song do dùng liều cao, thuốc tác dụng mạnh, gây mệt, nên chỉ dùng phác đồ này cho người khỏe mạnh, không dùng cho người có thai.

Metronidazol có một số tác dụng phụ: khoảng 5 - 25% người dùng thường bị rối loạn tiêu hóa (chán ăn, khô miệng, buồn nôn hay nôn, gây mùi kim loại nặng rất khó chịu, gây đau bụng, đau vùng thượng vị, tiêu chảy, táo bón, nước tiểu có màu sẫm).


Ngoài ra còn gây dị ứng da (mẩn ngứa), giảm bạch cầu trung tính, đau dây thần kinh ngoại biên, nhức đầu, đặc biệt gây mất điều hòa vận động, chóng mặt, lú lẫn, làm nặng thêm các triệu chứng thần kinh ở người vốn có chứng thần kinh ở ngoại biên hay trung tâm, hiếm khi gây sốc phản vệ.

Trong trường hợp có các biểu hiện thần kinh nên ngừng thuốc. Nếu bị suy gan nặng, có thể dùng song phải giảm liều. Cần thận trọng với người vốn có bệnh thần kinh hay có rối loạn công thức máu.

Tinidazol: Thuốc này thuộc nhóm nitroimidazol. Một vài nghiên cứu gần đây cho biết, tinidazol có hiệu quả tốt hơn metronidazol nhưng không chắc chắn. Trong thực tế, khi metronidazol đáp ứng kém thì thường thay bằng tinidazol  hay ngược lại.

Thuốc có một số tác dụng phụ nhẹ như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, biếng ăn, ngứa, tiêu chảy, nổi mày đay, nhức đầu, chóng mặt.

Khi dùng liều cao nếu xảy ra rối loạn về thần kinh (u ám, chóng mặt, khó phối hợp động tác, mất điều hòa vận động) thì phải ngừng thuốc. Hết sức thận trọng với người loạn thể tạng máu  hay có bất thường trong công thức máu.

Metronidazol, tinidazol đều đi qua rau thai, không dùng cho người  3 tháng đầu thai kỳ; không dùng cho người cho con bú; không được uống rượu trong và sau khi ngừng dùng thuốc trong vòng  2 - 3 ngày,

Atricam: Thuộc nhóm thiazol có tác dụng diệt trùng roi. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây cảm giác buồn nôn, nặng bụng, ăn không ngon và nhuộm vàng khi tiếp xúc.

Không dùng cho người suy gan, người có thai, cho con bú. Trước khi dùng cần kiểm tra bạch cầu trong các trường  hợp có tiền sử rối loạn máu, tránh dùng khi có rối loạn này. Không được uống rượu khi dùng thuốc.

Paromomycin: Thuộc nhóm kháng sinh aminozid được dùng khi người bệnh không đáp ứng với metronidazol.  Dùng thuốc trứng tại chỗ trong 2 tuần. Thuốc có thể gây tiêu chảy do làm mất cân bằng khuẩn ở đường ruột.

Không dùng cho người suy thận, người có thay đổi niêm mạc tiêu hóa, người tổn thương ốc tiền đình. Tránh dùng khi có thai nhất là cuối thai kỳ vì có thể gây độc cho tiền đình  thai.

Thuốc phối hợp ternidazol  tergynan: Thành phần có ternidazol (diệt trùng roi), neomycin sulfat (kháng khuẩn), nystatin (kháng nấm), prednisolon (chống dị ứng). Với thuốc neotergynan sau này không có prednisolon.

Ưu điểm có thể dùng khi thấy viêm âm đạo mà chưa cần xét nghiệm phân biệt. Dùng 10 ngày liền, trường hợp nhiễm nấm có thể dùng 20 ngày liền.

Cách dùng: Làm ẩm viên ( nhưng không làm rã) và đặt vào âm đạo trước khi ngủ. Thuốc khá đắt, nếu khi có điều kiện làm xét nghiệm phân biệt thì nên dùng các loại  thuốc đơn đặc hiệu trên (đúng bệnh  rẻ tiền hơn).

Theo KHĐS