Không ít ông bố luôn tìm mọi lý do để bào chữa cho việc hút thuốc lá của mình khi nói đến tác hại của khói thuốc đối với người nhà. Nhiều bố cứ nghĩ rằng chỉ cần mình ra ngoài hút thuốc, không hút trong nhà, trước mặt vợ con thì chắc chắn sẽ không gây hại gì cả. Nhưng sự thật thì ngược lại, dù khói thuốc đã tan đi và không còn nhìn thấy bằng mắt thường nữa thì hơi, khói thuốc còn vương lại trong miệng người hút và trong không khí vẫn có tác hại kinh khủng đến người khác.

Mới đây, câu chuyện của chị Minh An (Hà Nội) khi chia sẻ về việc cậu con trai 2 tuổi của chị vì bị hút thuốc thụ động mà gây nguy hiểm đến tính mạng thêm một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho không biết bao nhiêu ông bố, bà mẹ tại Việt Nam.

Đừng tưởng ra ngoài hút thuốc là xong, bố vẫn hại con chỉ bằng hơi thuốc còn vương trong miệng - Ảnh 1.

Câu chuyện của chị Minh An hiện đã thu hút hàng chục nghìn lượt chia sẻ.

Theo lời kể của chị Minh An, con trai chị bị ho và trở nặng rất nhanh. Chỉ trong vòng đúng 1 ngày, cơn ho kéo dài, sâu và chuyển nhanh thành hen phế quản, phổi nghe có tiếng rít. Gia đình phải đưa bé vào viện cấp cứu vì bé lên cơn khó thở do co thắt phế quản, nồng độ oxy trong máu quá thấp. Các bác sỹ đã nhanh chóng cho thở khí dung thì bé mới có thể thở lại bình thường.

Bác sỹ nói để con chịu khổ vì những cơn khó thở sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Sau 3 ngày, con đỡ nhiều nhưng khi tái khám, bác sỹ kiểm tra và kết luận rằng phổi của con vẫn còn chưa ổn, phải tiếp tục dùng kháng sinh để trị dứt điểm”, chị Minh An chia sẻ thêm về tình trạng hiện tại của con trai.

Nhưng ngạc nhiên hơn cả, khi bàn đến nguyên nhân sự nguy hiểm tính mạng của con trai chị, bác sỹ lại giải thích rằng: “Thời tiết và môi trường bây giờ khắc nghiệt nên con dễ ốm hơn, nhưng có 1 nguyên nhân sâu xa hơn cả chính là khói thuốc lá. Với một đứa trẻ sức đề kháng đã kém, đã từng bị viêm tiểu phế quản như con trai chị thì hơi, khói thuốc chính là nguyên nhân kinh khủng nhất.”

Không may, điều này lại đúng khi trong nhà chị Minh An có bố và ông trẻ vẫn thường hay hút thuốc. Chị Minh An đã lầm tưởng rằng việc này không có hại vì con trai chị ít khi tiếp xúc với khói thuốc lá, mọi người đều tránh xa bé, ra ngoài hút xong mới vào. Tuy nhiên, lời khẳng định của bác sỹ đã khiến chị ngớ người: “Người hút thuốc họ hít sâu hơi thuốc ấy vào trong phổi của họ, khói thuốc bay lên và tan đi là cái mà chúng ta vẫn nhìn thấy. Còn hơi thuốc nồng đậm phả dần ra qua hơi thở của người hút thuốc cực kỳ nguy hiểm. Trẻ hấp thu hơi/khói thuốc thụ động có nguy cơ mắc bệnh phổi cao hơn nhiều lần người hút thuốc.”

Đừng tưởng ra ngoài hút thuốc là xong, bố vẫn hại con chỉ bằng hơi thuốc còn vương trong miệng - Ảnh 2.

Hút thuốc lá không chỉ là bạn đang tự hại chính mình mà còn là một hành động giết người không dao.

 Và khi được bác sỹ dẫn đi thăm một bé khác khi nằm điều trị viêm phổi cấp đã 2 tuần chưa được ra viện, phổi chuyển màu xanh vì hít hơi thuốc thụ động từ ông nội, chị Minh An mới vỡ lẽ ra mọi chuyện. Người nhà em bé này khi hút thuốc cũng đều tránh xa bé, ra sân hút xong mới vào, nhưng cuối cùng hậu quả để lại vẫn cực kỳ đáng ngại.

Sau cú sốc lớn tại bệnh viện với con trai, chị Minh An đã chia sẻ lại tất cả những gì mình được biết và được giải thích để mong muốn sẽ bớt đi những em bé phải chịu đau đớn vì bị hút thuốc thụ động như thế. Chị muốn nhắn nhủ rằng, những đứa trẻ hoàn toàn vô tội, yếu ớt và không có khả năng bảo vệ chính mình, nên những ai đang hút thuốc thì hãy thôi ích kỷ mà nghĩ nhiều hơn cho những đứa trẻ.

Tác hại của khói thuốc đối với trẻ

Trẻ em sống chung nhà với người hút thuốc sẽ có tỉ lệ nhiễm các loại bệnh về đường hô hấp cao hơn bình thường. Tác động của khói thuốc thụ động sẽ tồi tệ hơn trong khoảng 5 năm đầu đời, khi bé dành hầu hết thời gian bên cha mẹ.

Điều đáng nói là theo một nghiên cứu mới đây tại Đại học bang San Diego, khói thuốc lá lưu lại trong nhà bạn đến tận 6 tháng. Ngay cả khi bạn bỏ thuốc lá, chất gây ung thư từ khói thuốc vẫn còn tồn tại trên ghế sofa, tường, thảm, rất lâu sau đó. "Người hút thuốc thụ động phải hít những chất độc hại đó trong môi trường gia đình và dù cho một người trong gia đình đã bỏ thuốc, những người còn lại vẫn phải chịu tác hại của chúng", Georg Matt - tác giả cuộc nghiên cứu đồng thời là giáo sư tại trường San Diego phát biểu.

Đừng tưởng ra ngoài hút thuốc là xong, bố vẫn hại con chỉ bằng hơi thuốc còn vương trong miệng - Ảnh 3.

Tác hại đáng sợ khi trẻ con trở thành người hút thuốc thụ động (Ảnh: Internet).

Trẻ em đặc biệt dễ bị phơi nhiễm khói thuốc lá một phần vì chúng không thể kiểm soát lượng khói chúng hít vào và thể chất trẻ đặc biệt nhạy cảm với những ảnh hưởng của khói thuốc lá. Nhưng ảnh hưởng của việc hút thuốc thụ động lên trẻ rất khó để bố mẹ nhận ra khi chúng còn nhỏ. Tiến sĩ Annie Lintzenich Andrews - nhà nghiên cứu chuyên khoa Nhi tại trường Đại học Y khoa South Carolina cho biết. "Những hậu quả tiêu cực con nhận được khi là người hút thuốc thụ động không xuất hiện ngay lập tức. Nên phụ huynh không hề đề cao nhận thức về vấn đề này".

Càng có nhiều người trong nhà hút thuốc hoặc người đó hút thuốc càng nhiều, triệu chứng bệnh của trẻ sẽ càng trầm trọng hơn. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm đối với những trẻ bị bệnh hen suyễn. Trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc sẽ tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn, phải thường xuyên đến phòng cấp cứu cũng như gia tăng số lần phải nhập viện. Sau đây là một số hậu quả do khói thuốc thụ động gây ra:

Nhiễm trùng tai; chảy dịch và tắc nghẽn tai trong; ho hoặc viêm phế quản; viêm bạch hầu thanh quản hoặc viêm thanh quản; thở khò khè hoặc viêm tiểu phế quản; lên cơn hen suyễn; viêm phổi; cúm; cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên; nhiễm trùng xoang; viêm họng; kích ứng mắt; nguy cơ mắc phải đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Muốn bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc thụ động, chỉ có cách duy nhất là cách ly trẻ hoàn toàn khỏi môi trường với những người đang hút thuốc.

Nguồn: Tổng hợp