Ngày càng nhiều gia đình tìm được con sau hành trình chữa vô sinh hiếm muộn hàng chục năm trời
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vấn đề vô sinh đang dần trở thành mối quan tâm đặc biệt của rất nhiều người, kể cả nam giới và nữ giới. Nếu như trước kia chúng ta vẫn cho rằng những người vô sinh thường là người gặp khuyết tật ở cơ quan sinh dục hoặc là do bẩm sinh thì ngày nay nguyên nhân gây vô sinh đã mở rộng hơn rất nhiều.
Theo số liệu từ Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu như 10 năm trước trung tâm chỉ tiếp nhận 2 - 3 cặp vợ chồng mỗi ngày có các vấn đề về vô sinh, hiếm muộn thì năm 2015 con số này đã tăng lên gấp 20 lần.
Các gia đình đặc biệt giao lưu tại hội thảo
Tuy vậy, công cuộc điều trị vô sinh hiếm muộn giờ đây đang được rút ngắn lại. Có rất nhiều gia đình đã trải qua hành trình tìm con gian nan vất vả, có những nhà mất một vài năm, nhưng cũng có những nhà mất cả hàng chục năm trời, được chia sẻ tại Hội thảo kỷ niệm 6 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện chuyên khoa Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội, Tổng kết "Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2018 ").
Vào năm 2010, Dương Phương Linh và Nguyễn Tùng Anh hồi hộp chờ đợi đứa con đầu lòng. Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với đôi vợ chồng này thì thai nhi bị đình chỉ ở tuần 28 vì giãn tim, phù rau. Năm 2012, nỗi bất hạnh này tiếp tục xảy đến với Linh khi đang mang thai ở tuần 22. Đến lúc này, hai vợ chồng mới được bác sĩ cho biết, cả hai đều mang gen tan máu bẩm sinh. 5 năm sống trong sự thất vọng, không nghĩ mình có cơ hội có đứa con khỏe mạnh. Năm 2017, hai vợ chồng được mách đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, và đã chuyển phôi thành công ngay từ lần đầu tiên can thiệp.
Gia đình chị Dương Phương Linh mắc Thalassemia có được đứa con TTTON khoẻ mạnh nhờ kỹ thuật sàng lọc trước sinh.
Theo ThS Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc trung tâm xét nghiệm di truyền Gentis cho biết, thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, gây ra hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng.
Trong thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật sàng lọc di truyền tiền làm tổ được ứng dụng để chẩn đoán các bất thường nhiễm sắc thể hoặc các bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể trong đó có thalassemia. Kỹ thuật này đã được bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng thành công cho trường hợp mắc thalassemia (cả bố và mẹ) thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Với khả năng chọn lọc sâu, kỹ thuật này giúp loại bỏ những phôi thai bất thường ngay từ giai đoạn mới hình thành, chỉ giữ lại những phôi khoẻ mạnh.
Tại buổi lễ, nhiều câu chuyện xúc động về hành trình "bắt con" cũng được chia sẻ như gia đình anh Đào Phú Khánh – Vũ Thị Phương thành công nhờ kỹ thuật Micro TESE (đang mang thai 3), Phạm Thị Phượng – Lý Chí Thanh (sinh 1 con trai) nhờ Micro TESE. Bên cạnh đó, trường hợp gia đình anh Kiều Tiến Cử - Nguyễn Thanh Huyền thất bại nhiều lần, hơn 10 năm theo đuổi đến năm 2017 có hai bé gái cũng khiến những người có mặt tại hội thảo thực sự xúc động. Đây chỉ là một vài trường hợp trong vô số trường hợp được bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã điều trị thành công, minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện.
Đừng tuyệt vọng khi chữa vô sinh hiếm muộn vì ngày càng có nhiều kỹ thuật mới can thiệp hiệu quả
Một trong những kỹ thuật mới được thực hiện thường quy tại bệnh viện là sử dụng kỹ thuật micro TESE. Micro TESE là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Tinh trùng thu được từ micro TESE sẽ được dùng làm thụ tinh trong ống nghiệm và cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng trong tinh dịch. Micro TESE đã mở rộng chân trời điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô tinh có thể có con của chính mình - điều mà trước đây không thể thực hiện được.
Hạnh phúc của cặp vợ chồng có con nhờ TTTON
Ths. Nguyễn Minh Đức – Trưởng Labo của bệnh viện đã trình bày về kỹ thuật nuôi phôi và chuyển phôi cũng như sự khác nhau giữa nuôi phôi ngày 2, 3 và ngày 5. Hiện nay, các trung tâm hỗ trợ sinh sản đang thực hiện đồng thời kỹ thuật nuôi phôi ngày 2, 3,4,5 và 6. Hiện tại, bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đang có xu hướng nuôi phôi ngày 5, tức phôi nang vì nhận thấy hiệu quả vượt trội của nó so với việc nuôi phôi ngày 2 hoặc 3. Kỹ thuật nuôi phôi ngày 5 mang lại cơ hội có thai sau chuyển phôi cao, ít bị sảy thai do phôi được chọn lọc kỹ hơn. Chuyển phôi ngày 5 cũng giúp hạn chế khả năng đa thai vì mỗi lần chuyển phôi ngày 5, bác sĩ sẽ chỉ chuyển 1 -2 phôi. Nuôi phôi ngày 5 kết hợp sàng lọc di truyền tiền làm tổ giúp loại bỏ nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh, tăng cơ hội có con khỏe mạnh cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn.
Ths.Bs Đinh Hữu Việt (Bệnh viện Nam khoa và Hiếm muộn Hà Nội) trình bày thêm về chủ đề "Cập nhật các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam" (kỹ thuật micro TESE). Micro TESE là kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho những trường hợp vô tinh do hai tinh hoàn teo. Tinh trùng thu được từ micro TESE sẽ được dùng làm TTTON và cho kết quả có con tương đương với TTTON bằng tinh trùng trong tinh dịch. Micro TESE đã mở rộng chân trời điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô tinh có thể có con của chính mình - điều mà trước đây không thể thực hiện được.
BS. Nguyễn Khắc Lợi báo cáo tại hội thảo.
BS.CK.II Nguyễn Khắc Lợi cho biết: "Sự trưởng thành và ngày càng lớn mạnh của Khoa Hỗ trợ sinh sản bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội không chỉ là kết quả của sự đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại mà còn là nỗ lực nâng cao tay nghề và tâm huyết của đội ngũ y bác sỹ bệnh viện. Những ca khó tưởng chừng vô vọng nhưng cuối cùng vẫn có thể thành công là niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi. Hy vọng, trong tương lai, bệnh viện sẽ giúp ngày càng nhiều các cặp vợ chồng có được đứa con mơ ước dù hành trình này vốn khá cam go".
Hiện nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 31% ca có thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), 42% ca có thai trong chuyển phôi tươi, 63% ca chuyển phôi đông lạnh. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm với với tinh trùng của người đã mất, chồng bị liệt nửa người, bệnh nhân nữ có bất thường tử cung như tử cung đôi, bệnh nhân có chồng bị ung thư tinh hoàn, bệnh nhân 23 năm có thai lần đầu, bệnh nhân bị bất thường nhiễm sắc thể…