“Chúng ta chỉ mất một vài năm để có thể học nói, nhưng lại mất cả đời để học được những điều không nên nói”. Chân thành, thẳng thắn là những đức tính tốt và nhiều người trong số chúng ta đã và đang trau dồi cũng như hướng bản thân đến những đức tính này.
Tuy nhiên, cuộc sống vốn muôn màu, đa sắc và đôi khi hai phạm trù trắng đen nhập nhằng, nhất là những thị phi thường gặp trong công việc. Cho nên, có những lời dù hay cách mấy, dù đã là chân lý nhưng tốt nhất vẫn không nên nói ra vì có thể gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.
Phải trải qua va vấp và rất nhiều lần “phạm khẩu”, chúng ta mới có thể dần dà đúc rút ra cho bản thân mình những kinh nghiệm quý báu xoay quanh câu chuyện lời nói và giao tiếp. Và người thông minh, biết tiếp thu và ứng xử sẽ tránh nói ra 4 dạng lời này:
Lời phàn nàn
Khi bản thân mình mắc sai lầm, đừng chỉ cười trừ hoặc im lặng mà nên chủ động nhận lỗi và biết cách khắc phục hậu quả. Còn trong trường hợp người khác mắc sai lầm, đừng đứng đó mà phàn nàn, cũng như đừng hậm hực; thay vào đó, hãy biết cách bao dung.
Thi thoảng, những lời than phiền dễ thương đóng vai trò như một muỗng gia vị, nêm thêm vào “nồi canh” cảm xúc cho đủ hương, nhiều mùi. Tuy nhiên, chẳng ai có thể chịu đựng được một cá nhân suốt ngày chỉ biết than thân, trách phận, cảm thán số trời bạc bẽo.
Để rồi đến cuối cùng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, phàn nàn vốn chẳng thể thay ta giải quyết được vấn đề. Chỉ ngồi một chỗ phàn nàn thay vì nỗ lực làm việc chăm chỉ thì có lẽ thành công sẽ ngày càng xa tầm với của chúng ta. Biến những lời ủy mị, than vãn và sự bất mãn trong tâm trí trở thành sức mạnh, động lực mới là cách làm của người thông minh.
Lời vô nghĩa
Lời đã nói ra cần sự rõ ràng, tường tận, minh bạch và dễ hiểu. Lời nói vô nghĩa dễ khiến người đối diện cảm thấy mờ mịt, chán chường; đồng thời khiến bản thân chúng ta trở nên tầm thường trong mắt họ.
Đặc thù một số người dễ buồn phiền, trằn trọc khi đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn; từ đó, dẫn đến việc suy nghĩ nhiều và buộc miệng nói những lời vô nghĩa. Về sau, chính những chuyện tưởng chừng như cỏn con, vô nghĩa ấy sẽ làm khó chúng ta. Ngay cả đối với những người tiếp nhận, lời nói vô nghĩa cũng gây nên những tác động tiêu cực rất lớn.
Cho nên, thay vì cứ ngồi đó mà nói những lời vô nghĩa, tốn phí thời gian và thử thách sự kiên nhẫn của người khác, hãy vào thẳng vào vấn đề, chia sẻ câu chuyện một cách rõ ràng, rành mạch.
Tin đồn
Tung ra những thứ tin đồn thất thiệt còn tệ hơn làm một điều sai trái. Bởi tin đồn có thể khiến nhiều người “nhiễm độc”, hoặc là cùng phẫn nộ, hoặc là cùng hoang mang với những điều đồn đại ấy.
Tin đồn còn xuất phát từ lòng đố kỵ, ghen ghét của người tung tin. Khi chứng kiến những người xung quanh ngày một thành công hơn, họ bắt đầu cảm thấy bực bội, khó chịu và dựng lên những câu chuyện không có thật nhằm hạ thấp uy tín của đối phương.
Đương nhiên, những người suốt ngày đi tung tin đồn sẽ không thể tập trung vào sự nghiệp và cuộc sống của bản thân. Thay vào đó, họ dồn sức lực và sự chú ý vào người khác, thậm chí xét nét đến từng chân tơ, kẽ tóc, những động thái dù là rất nhỏ. Nhưng họ lại quên mất một điều rằng, cuối cùng thì người chịu tổn thương nhiều nhất lại chính là bản thân họ mà thôi.
Lời kiêu căng
Đứng trên đỉnh cao của thành công, con người ta dễ ngủ quên trên chính thắng và đánh mất chính mình. Có thể bạn rất tài năng ở vài lĩnh vực nào đó nhưng cũng chẳng nên đánh mất mình vì những lời tâng bốc, tự mãn về bản thân.
“Núi cao còn có núi cao hơn”, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, trên đời làm gì có người bất bại, không đối thủ. Người biết tất cả thường im lặng. Người thông minh thì học cách lĩnh hội, chứ không phải khoe mẽ bản thân.
Như ông bà ta xưa cũng đã có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” như một cung cách để răng dạy con cháu trong giao tiếp, ứng xử đời thường hàng ngày. Dù có giỏi giang đến đâu, thành công cách mấy thì cũng cần học cách giao tiếp, ứng xử sao cho hợp hoàn cảnh.
Lời nói thể hiện khí chất của bản thân, do vậy đừng bao giờ tuỳ tiện trong lời nói, bởi vì chỉ cần vài đôi ba câu cũng có thể kéo chúng ta xuống, đánh mất đi hình tượng mà bản thân bấy lâu cố công xây dựng.