Kết luận trên được rút ra sau 2 nghiên cứu lớn gần đây, đều được đăng tải trên tạp chí Annals Of Internal Medicine.

Trong một nghiên cứu, các chuyên gia đến từ Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ đã kê cho hơn 1.700 người từ 50 tuổi trở lên, từng bị đau tim 6 tuần trước thử nghiệm sử dụng liều lượng lớn thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số này được cho dùng các viên thuốc bổ hàng ngày, chứa 28 thành phần khác nhau, trong khi nửa còn lại chỉ uống giả dược.

Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp dữ liệu về số trường hợp tử vong, bị đau tim lần tiếp theo, đột quỵ hoặc nhập viện vì viêm họng hay phẫu thuật. Sau 4 năm rưỡi, họ phát hiện không có bất kỳ khác biệt nào giữa 2 nhóm đối tượng nghiên cứu.

Dùng vitamin tổng hợp là lãng phí tiền bạc? 1
  Ảnh minh họa

Trong một thử nghiệm riêng rẽ, kéo dài 12 năm, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y, Đại học Havard (Mỹ) đã đề nghị gần 6.000 bác sĩ nam ở độ tuổi ít nhất 65, uống thuốc bổ hàng ngày hoặc giả dược. Nghiên cứu này nhằm kiểm tra quan điểm cho rằng, thuốc uống bổ sung vitamin tổng hợp và khóang chất tổng hợp có thể ngăn chặn việc thoái hóa trí não và các bệnh liên quan đến suy chức năng não do tuổi tác, chẳng hạn như mất trí nhớ.

Sau lần đánh giá chức năng não đầu tiên, những người tình nguyện được tiếp tục kiểm tra sau 2 năm, 4 năm và 10 năm tiếp theo. Kết quả cho thấy, chức năng não của nhóm người lớn tuổi đã uống thuốc bổ suốt 12 năm, không tốt hơn nhóm không dùng thuốc.

Theo các chuyên gia, thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất ra đời nhằm duy trì sức khỏe, thay vì kiểm soát hoặc giúp chống lại những căn bệnh đã có từ trước và thường được điều trị bằng biệt dược hoặc phẫu thuật. Họ khuyến cáo, hầu hết các loại thuốc bổ không ngăn chặn được bệnh mãn tính hoặc tử vong, trong khi tác dụng của chúng vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ, nên mọi người cần tránh việc uống chúng dài hạn để tránh lãng phí tiền bạc và các nguy cơ khác.