Ông Đinh không có con ruột. Năm 2003, ông mua một ngôi nhà bên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải (Trung Quốc), và là người duy nhất đứng tên trên giấy chứng nhận tài sản. Năm 2004, ông kết hôn với bà Ngũ (góa chồng).
Sau khi kết hôn, bà Ngũ đưa con gái, họ Tạng, đến sống trong ngôi nhà do ông Đinh mua. Ông Đinh đã có ý định chuyển nhượng ngôi nhà cho Tạng trước khi chết, và có một đoạn ghi âm làm bằng chứng.
Tháng 9/2019, ông Đinh qua đời vì bạo bệnh. Mùa hè năm 2020, Tạng đến trung tâm đăng ký nhà đất để thay đổi quyền sở hữu ngôi nhà, cô được thông báo rằng ông Đinh còn có một người con riêng là Cát. Do đó, nếu Tạng muốn chuyển ngôi nhà sang tên của mình thì phải có mặt của Cát tại văn phòng công chứng.
Thì ra, năm 1988, ông Đinh từng có một đời vợ, nhưng hai người không có con. Trong khi đó, vợ trước lại có một đứa con trai riêng, là Cát. Cả ba cùng chung sống dưới một mái nhà. Năm 1996, ông Đinh ly hôn, Cát sống với mẹ. Từ đó đến nay, Cát và ông Đinh không còn liên lạc.
Tạng đã tìm thấy số điện thoại của Cát trong danh bạ của ông Đinh. Khi liên lạc, Cát nói rằng anh sẽ không giúp chuyển nhượng tài sản.
Không còn cách nào khác, Tạng chỉ đành kiện lên tòa án, để qua đó hoàn thành quyền chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên, phán quyết đã gây bất ngờ cho cô.
Tháng 6/2021, vụ tranh chấp di sản giữa Tạng và Cát đã được đệ trình lên tòa án. Tòa án phán quyết rằng bà Ngũ, vợ trên giấy tờ của ông Đinh, được hưởng 65% quyền sở hữu tài sản và Cát thừa kế 35%.
Cát có được quyền thừa kế tài sản của ông Đinh không?
Tòa án cho rằng ông Đinh đã hình thành mối quan hệ nuôi dưỡng với Cát. Do đó, Cát có quyền thừa kế di sản của ông Đinh với tư cách là người thừa kế hợp pháp hàng thứ nhất.
Về tư cách là người thừa kế của Tạng, tòa án cho rằng khi bà Ngũ kết hôn với ông Đinh, Tạng đã trưởng thành và không cần phải được nuôi dưỡng bởi ông Đinh. Do đó, đôi bên không thể hình thành mối quan hệ nuôi dưỡng.
Tạng không hài lòng và kháng cáo. Bản án sơ thẩm được giữ nguyên trong phiên tòa sơ thẩm. Tạng đã mời một luật sư và nộp đơn lên Tòa án Nhân dân Tối cao Thượng Hải để xét xử lại.
Ngày 30/6/2023, Tòa án Nhân dân Tối cao Thượng Hải đã yêu cầu Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 Thượng Hải xét xử lại vụ án.
Theo tòa án, luật thừa kế quy định cha mẹ kế và con riêng có thể hình thành quan hệ nuôi dưỡng và trở thành những người thừa kế hợp pháp hàng thứ nhất. Do đó, Cát và ông Đinh là cha dượng và con trai đã hình thành mối quan hệ nuôi dưỡng, và Cát có quyền hợp pháp để thừa kế tài sản của ông Đinh.
Luật thừa kế cũng quy định nếu người thừa kế có khả năng, điều kiện cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì sẽ không được hưởng hoặc chỉ hưởng một phần nhỏ khi chia tài sản.
Trong trường hợp này, Cát biết ông Đinh bị bệnh nhưng không bao giờ đến thăm hoặc chăm sóc, vì vậy Cát đã không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cần thiết cho ông Đinh. Do đó, tòa sơ thẩm đã điều chỉnh các tình tiết của vụ tranh chấp cho Cát thừa kế 10% quyền tài sản của ngôi nhà và bà Ngũ được thừa kế 90%.
Tòa sơ thẩm cũng không chấp nhận yêu cầu của Tạng rằng cô đã thực hiện nhiều nghĩa vụ cấp dưỡng hơn đối với ông Đinh, và thấy rằng Tạng không đáp ứng các điều kiện để được chia di sản hợp pháp ngoài những người thừa kế.
Nguồn: The Paper