Ở đời có mấy mẹ chồng thương con dâu được như con đẻ, Hân nghĩ vậy cũng chẳng lấy làm để bụng. Sau buổi ra mắt không mấy vui vẻ, cô vì người yêu mà tiếp tục chịu đựng rồi tiến tới hôn nhân mà không biết rằng mình đã rơi vào một cái hố đau thương được sắp xếp sẵn.
Chuyện tình của Hân cũng như bao người con gái khác, ngoài 20 gặp gỡ, lưng chừng 20 có ý định kết hôn. Những mối tình thời son trẻ trước đây cũng không thể so sánh với tình yêu đích thực, muốn gắn bó cả đời. Hân gặp được Minh, một người khiến cô ưng ý thế nên sau 2 năm yêu nhau, anh ngỏ lời tiến tới hôn nhân, cô gật đầu đồng ý.
Ai cũng bảo, người xinh đẹp, giỏi giang và gia đình bề thế như Hân kiếm đâu chẳng được chồng. Thế mà cô lại đi yêu một anh chàng nhà quê, gia cảnh chẳng khá giả, phải bươn trải thành phố để làm thuê kiếm sống. Bố mẹ Hân sợ con gái khổ, từ khi biết cô và Minh yêu nhau, họ cấm tiệt con gái bước chân ra ngoài. Ngày hôm ấy cô đã vừa khóc vừa nói với bố mẹ: "Anh ấy là người con yêu, dẫu nghèo mà sống có lòng, chân chất, thật thà còn hơn lấy một người giàu mà họ chẳng yêu vợ thương con".
Tuy nhiên câu nói này không thuyết phục được bố mẹ khiến cô tìm cách đối phó cứng rắn hơn. Minh nảy sinh ý định dùng cách "gạo đã nấu thành cơm". Hân băn khoăn một hồi rồi cũng đồng ý, trong đầu cô khi ấy là duy nhất một suy nghĩ: "Nếu bố mẹ không thương con gái, không tác thành cuộc hôn nhân này thì chỉ cần sinh em bé, bố mẹ nỡ lòng nào không nhận cháu của mình".
Ảnh minh họa
Tất cả đều xảy ra như dự tính, Hân có bầu. Cô quỳ dưới nhà cả ngày ròng cùng người yêu chỉ để bố mẹ chấp thuận cuộc hôn nhân. Dù tức giận và thất vọng về con gái nhưng rồi họ chỉ nói được một câu: "Hôn nhân của con con tự quyết định, sướng khổ gì con cũng đừng oán ai".
Ngỡ tưởng như thế là thành công, Hân về ra mắt nhà Minh cô còn khổ đủ đường. Mẹ chồng tương lai của Hân hết hoạnh họe việc bếp núc, mẹ anh lại giáo huấn việc giữ mình. Cứ như kiểu chính Hân là người dụ dỗ con trai bà làm chuyện đó chứ anh không hề muốn vậy. Vì yêu Minh, vì mọi sự đã rồi nên Hân chấp nhận để mẹ anh nói sao cũng được. Cô hiểu rằng, người sống với mình cả đời là chồng chứ không phải mẹ chồng.
Thế rồi cũng đến ngày họ kết hôn, có cả lời chúc phúc và bàn tán xì xèo. Nhưng lạ thay, nhân vật mà người ta nói tới không phải Hân - nàng dâu mới mà chính là mẹ chồng cô. Người hàng xóm ghé tai Hân: "Về làm dâu nhà đấy rồi khổ cả đời thôi cháu ạ".
Hân nghe qua loa nhưng cũng không mấy bận tâm. Cô nghĩ hàng xóm không ưng nhau nên đặt điều là chuyện bình thường. Mẹ chồng Hân tuy có hơi khắt khe, cổ hủ nhưng cũng không phải người ác độc hay xấu xa gì.
Thấm thoắt thời gian trôi đi, mẹ chồng Hân tuy có hơi ác khẩu nhưng chăm lo cô rất chu đáo, không để con dâu thiếu thốn gì. Nhưng rồi vừa sinh con trai xong, mẹ chồng Hân thay đổi hẳn thái độ. Bà đưa ra một yêu cầu rất vô lý: "Nhìn cô là biết không chăm trẻ được rồi, để đấy tôi nuôi. Cô lo mà tìm việc rồi đi làm đi".
Ảnh minh họa
Nhìn con bé bỏng trong vòng tay mẹ chồng, Hân xót xa cực độ. Tới hôm cô về nhà ngoại thăm mẹ bị ốm, vừa trở về thì cô bàng hoàng khi nghe trọn vẹn từng câu từng chữ của mẹ chồng: "Bây giờ con Hân nó về nhà ngoại, con lựa khéo khéo để nó ở lại đấy luôn đi. Từ trước ngày con lấy vợ mẹ cũng đã nói rõ quan điểm của mẹ rồi, mẹ chỉ cần đứa cháu đích tôn này, chứ thứ con dâu như nó mẹ không muốn nhìn mặt. Mang tiếng gái thành phố mà lấy chồng chẳng có mấy của hồn môn giá trị gì".
Vừa nghe dứt lời, Hân không sợ sệt hay ngại ngùng mà bước vào nhà nói thẳng với người phụ nữ bấy lâu cô gọi bằng mẹ: "Nhân đây con cũng nói thẳng, con con đẻ ra không ai có quyền mang nó đi hay sở hữu nó dù là bố đẻ hay bà nội. Con không phải đàn bà đẻ thuê. Còn số nữ trang mà con được bố mẹ đẻ cho khi đi lấy chồng con đã từng gửi mẹ, mẹ cho con xin lại vì nó vốn không phải của mẹ. Bắt đầu từ giờ phút này mẹ cũng không phải miễn cưỡng nhìn mặt con nữa đâu ạ. Chúc mẹ sớm có được cháu đích tôn trước khi nhắm mắt xuôi tay".
Hân lạnh lùng thu xếp đồ đạc rồi gọi xe để hai mẹ con về ngoại, cô không quên nhắn nhủ lại với chồng: "Hẹn gặp anh ở tòa án. Tôi cũng không tiếc gì nữa cuộc hôn nhân này đâu".