Bị bồ "đá", đành về với vợ
Hồi đầu khi bị vợ “hoạnh” về chuyện bao gái ở ngoài, Tân còn nổi cơn thịnh bộ, bảo vợ ghen tuông vớ vẩn, ngờ oan cho chồng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Thậm chí anh còn gọi cả hai bên nội ngoại đến họp, vò đầu kêu khổ, xin mọi người có ý kiến giúp đỡ vì trong khi anh bạc mặt làm ăn, lo nghĩ đến trắng cả đầu để vợ con có cuộc sống sung túc, thì chị Lam lại cứ ghen bóng ghen gió, khiến anh đã mệt mỏi lại càng phát phiền.
Tân bảo, nếu cứ thế này, anh làm sao cáng đáng nổi gia đình nữa. Hậu quả là chị Lam bị bố mẹ chồng “giáo dục” về cái đạo làm vợ, rằng nếu cứ nhàn cư vi bất thiện, nghi ngờ lung tung thì sao trở thành hậu phương vững chắc cho chồng được. Bố mẹ đẻ thì khuyên giải, thôi hãy cố gắng chu toàn việc nhà, gái có công chồng chẳng phụ.
Đến khi Lam đưa ra được chứng cớ về chuyện Tân ngoại tình thì bố mẹ chồng bảo chúng mày lớn rồi, có chuyện gì tự giải quyết với nhau. Bố mẹ đẻ chị gọi Tân sang trách móc, yêu cầu anh chấm dứt với cô kia. Tân giận lắm, nói thẳng với vợ rằng ừ tôi có bồ đấy, người ta mới đích thực là đàn bà, biết đàn ông muốn gì chứ đâu như cô, rằng chịu được thì chịu, không chịu thì bỏ.
Chị Lam đau đến chết ngất, nhưng vẫn không dám bỏ chồng. Vì con đã đành, cái chính là chị không cam lòng mất anh. Chị đành hy vọng một lúc nào đấy anh hiểu ra mà quay về.
Mọi người đều nghĩ hy vọng đó của Lam là hão huyền, không ngờ nó đến thật. Sau vài năm khủng hoảng kinh tế, công ty của Tân kiên cường chống chọi, nhưng rồi cuối cùng cũng không “đỡ” được. Thời gian đầu, dù nợ nần ngập cổ, thua lỗ liên miên, Tân vẫn phải giữ nếp đại gia để che mắt thiên hạ, cho đến khi không thể che được nữa.
Tuyệt vọng, chán ngán, anh chỉ còn cô bồ xinh đẹp “luôn hiểu đàn ông muốn gì” ấy làm nguồn an ủi. Nhưng khi hiểu ra “nhà bảo trợ” của mình đã tay trắng, cô ta đá bay anh bằng đôi chân dài thẳng tắp của mình, vội lao đi tìm nhà bảo trợ khác. Tân đành quay về với vợ.
Không hề tỏ ra hả hê, đắc ý, không nói những câu đắng cay, Lam đem lại cho chồng sự chăm sóc và nguồn an ủi lặng lẽ, khiến anh cảm động và biết ơn. Bản thân Lam lại cảm ơn trời, cảm ơn khủng hoảng kinh tế. Vì Tân có sa cơ lỡ vận thì mới hiểu được tấm lòng của vợ, hiểu được đâu mới là giá trị thật, hiểu được cái cô bồ “luôn biết đàn ông muốn gì ấy” thực ra muốn cái gì ở anh…
Bồ vẫn “yêu”, nhưng nuôi không nổi
Cũng bị thất bát trong kinh doanh nhưng tình hình công ty anh Thuận không “thảm” như anh Tân. Nghĩa là dù phải sa thải rất nhiều nhân viên, công ty vẫn hoạt động cầm chừng đủ để anh nuôi gia đình, dĩ nhiên là với mức thấp hơn trước rất nhiều.
Từ hồi khó khăn, cô bồ vẫn được anh bao, mua nhà cho ở cũng bị cắt đi rất nhiều trợ cấp và quà tặng. Rồi anh nói thẳng, anh chẳng có sức lo cho cô mức sống tương xứng với sắc đẹp của cô nữa, hãy cứ tự nhiên đi tìm người khác để nương nhờ.
Nhưng cô gái này cũng là người thức thời. Cô hiểu giữa cái thời đại gia phá sản hàng loạt này, rất nhiều chân dài như cô cũng theo đó mà “thất nghiệp”. Tìm được người khác bao mình đâu phải dễ, mà không ai bao thì cô biết làm gì để sống đây? Thôi cứ ở đây với Thuận, được anh nuôi cũng là tốt rồi, chờ khi anh “hoành tráng” trở lại hoặc khi cô kiếm được anh già nào hoành tráng hơn Thuận hẵng tính. Vì thế, cô nói mình sẵn lòng chia sẻ khó khăn với anh, mong cùng anh vượt qua cơn bĩ cực.
Nhưng đang mệt mỏi về chuyện làm ăn, Thuận không còn thiết tha gì đến gái gú nữa. Anh lấy cớ phải bán căn nhà cô bồ đang ở lấy tiền trả nợ để cho cô “giải tán”. Thuận quay về làm chồng tốt của người vợ thuở hàn vi, người mà anh biết là vẫn hết lòng với mình cho dù anh là đại gia hay kẻ cháy túi.
Tuy vẫn còn oán hận người chồng giàu sang quên vợ, nhưng bà xã của Thuận vẫn đón nhận anh và cho cả hai một cơ hội để hâm nóng lại tình cảm vợ chồng, giữ lấy gia đình.
Hết tiền nhậu, về ăn cơm vợ nấu
Không chỉ vợ các đại gia mới được hưởng lợi bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến cho chồng họ “cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Rất, rất nhiều phụ nữ có chồng là “người thường” cũng mừng rỡ thấy gia đình mình ấm lại bởi sự xuất hiện thường xuyên của đấng lang quân trong bữa cơm.
Chị Lan Anh, nhà ở phố Quan Nhân, Hà Nội, kể: “Bao nhiêu năm nay, vợ chồng mình toàn cãi vã, giận hờn vì cái thói ham nhậu của lão ấy. Cứ sểnh ra là nhậu. Đi làm về nhậu, ngày nghỉ ngày lễ nhậu, thậm chí đưa cái xe của vợ đi sửa cũng tranh thủ gọi bạn bè ngồi nhậu. Mình có khóc lóc, mắng nhiếc, nịnh nọt ỉ ôi kiểu gì cũng không xong. Ấy thế mà giờ chẳng phải bảo, lão tự nguyện tự giác về nhà ăn cơm tối, hỏi tại sao thì bảo là vì tình cảm với vợ con. Nhưng mình biết thừa, chẳng qua dạo này ai cũng hết tiền, chẳng có ai mời nhậu nữa, bản thân lão thì cũng chả đủ tiền mà nhậu thường xuyên được”.
Mặc dù bĩu môi với cái sự ngoan bất đắc dĩ của chồng nhưng Lan Anh vẫn rất vui. Chị cho biết từ dạo ấy, hai đứa con sung sướng hẳn lên vì được chơi với bố, điều mà trước đó là không tưởng. Thậm chí đôi khi, ông xã Lan Anh còn dạy con học. “Lão vẫn chả giúp mình được tí việc nhà nào. Nhưng không sao. Lão ở nhà cho mình hầu đã là may lắm rồi. Chỉ sợ nay mai, công ty lão lại ăn nên làm ra, lương thưởng ngon như trước, thì lão lại hư thân mất nết trở lại mất”.
Cùng cảnh, chị Hồng (khu Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) cho biết trước đây, tối nào chị cũng phải nhắn tin gọi điện giục chồng về ăn cơm, nhưng rồi thường mấy mẹ con vẫn phải ăn trước và phần cơm cho bố; 10 lần phần thì 9 lần hôm sau chị Hồng hâm lại để ăn sáng, bởi ông xã đã no nê ở ngoài rồi. Nhưng gần đây, anh chỉ nhậu chừng tuần một buổi, còn những ngày khác thì về nhà với vợ.
Chính ông xã của Hồng thừa nhận, anh ăn cơm vợ cũng vì không có tiền để nhậu triền miên như trước. Những lần bạn bè rủ nhau “làm một chén”, không ai bảo ai nhưng mọi người đều cố ý chọn những món rẻ tiền, và không gọi nhiều. Đã ít đồ ăn thì cũng không thể ngồi quá lâu được, thành ra ngay cả những hôm đã lai rai với bạn rồi, khi về nhà, anh vẫn giở lồng bàn ăn ngon lành những thứ vợ để phần, khiến chị Hồng vừa buồn cười vừa ưng ý.
“Đúng là có ăn cơm nhà mới biết chả ai nấu ngon bằng vợ”, chồng chị Hồng nịnh bà xã. Bản thân anh cũng cảm thấy, từ hồi hết tiền nhậu, tình cảm vợ chồng anh thắm thiết, vui vẻ hơn trước, gia đình tràn ngập tiếng cười. Hồng thì bảo: “Hóa ra khủng hoảng kinh tế cũng có mặt tốt. Cứ thế này, mình thừa sức chịu đựng cái sự khủng hoảng thêm một thời gian nữa. Hy vọng đến lúc nền kinh tế khá trở lại thì mình đã kịp huấn luyện ông chồng trở thành người thực sự không thể thiếu cơm nhà”.
Chỉ là không muốn thiên hạ dị nghị, người đời cười chê hay nghĩ mình không lấy được chồng