Chiều 4/4, TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên án phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm. Theo HĐXX, bà Nguyễn Phương Hằng, 53 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, không kháng cáo nhưng đã thể hiện ăn năn, hối cải về hành vi của mình, đã nộp toàn bộ số tiền bồi thường... nên tuyên giảm án tù giam từ 3 năm xuống còn 2 năm 9 tháng tù.

Được giảm 3 tháng tù, bà Nguyễn Phương Hằng còn phải thụ án bao lâu? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại phiên tòa. Ảnh: báo Tiền phong

Theo Luật sư Diệp Năng Bình - trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022, tính đến ngày 05/4/2024 được 2 năm 11 ngày. Ngày 4/4/2024, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên giảm án 3 tháng tù cho bị cáo, xuống còn 2 năm 9 tháng tù.

Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tù có thời hạn, thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 1 ngày tù.

Như vậy, thời gian chấp hành án phạt tù của bà Nguyễn Phương Hằng là 8 tháng 19 ngày. Tức là bà Hằng còn phải chấp hành bản án trên đến ngày 24/12/2024.

Bên cạnh đó, luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết thêm, theo khoản 1 Điều 6 và khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì phạm nhân có đủ các điều kiện sau đây thì được đề nghị giảm thời gian chấp hành án phạt tù: Đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống; có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau: Phạm nhân bị phạt tù ba năm trở xuống phải có ít nhất một quý gần nhất được xếp loại từ khá trở lên.

Mỗi phạm nhân có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần (mỗi lần được giảm từ 01 tháng đén 03 năm). Mỗi năm một phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù một lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là một năm.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 66 Bộ luật Hình sự quy định về tha tù trước thời hạn và khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tích số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC,

Người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây: Phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn...

Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người bị kết án. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù.

Như vậy, theo những quy định trên, bị cáo Nguyễn Phương Hằng có thể được xét tha tù trước thời hạn hoặc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mỗi năm một lần từ 1 tháng đến 3 năm tùy thuộc vào quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án.

Trước đó, phiên xét xử phúc thẩm diễn ra ngày 4/4/2024 theo đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Anh Quân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân.

Cùng với Nguyễn Phương Hằng, các bị cáo đã phạm vào tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, HĐXX đã giảm án cho bị cáo Nguyễn Phương Hằng từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù; bị cáo Đặng Anh Quân từ 2 năm 6 tháng tù còn 2 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, bà Lê Thị Thu Hà, ông Huỳnh Công Tân từ 1 năm 6 tháng tù còn 1 năm tù.