- Công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024, đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

- A Lưới là huyện miền núi biên giới phía Tây Thừa Thiên - Huế, có đường biên giới với nước bạn Lào.

- A Lưới có tiềm năng du lịch nhưng chưa được khai thác tốt.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế thoát nghèo năm 2024, đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế ưu tiên, bố trí ngân sách địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện A Lưới để phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm tính bền vững.

Trước đó, A Lưới là một trong 74 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Qua rà soát hộ nghèo đa chiều, cuối năm 2021, toàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 49,98%; có 2.185 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 15,55%.

Được gọi là "Đà Lạt thứ hai", huyện biên giới không đủ homestay phục vụ du khách lúc cao điểm- Ảnh 1.

Huyện A Lưới vừa thoát nghèo, đây là huyện miền núi biên giới, giáp với nước bạn Lào.

Huyện này có 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 60%; có 02 xã từ 35 - dưới 60%; có 04 xã từ 10 đến dưới 30%; có 01 xã dưới 5%. Trong đó: Hộ nghèo người dân tộc thiểu số có 1.875 hộ, chiếm tỷ lệ 87.56%.

A Lưới là huyện miền núi biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 70 km, có đường biên giới dài hơn 80 km tiếp giáp với nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, có hai cửa khẩu (Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng).

Toàn huyện có 17 xã, 1 thị trấn, diện tích tự nhiên 1.148,5 km2, với tổng số hộ dân là 14.343 hộ/54.402 khẩu; có 28 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 77%, có 5 dân tộc chủ yếu gồm: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh.

Du lịch A Lưới mang vẻ đẹp riêng biệt

Theo Trang thông tin huyện A Lưới, người ta cứ hay ví "A Lưới là Đà Lạt thứ hai, là Tây Bắc của Huế"... nhưng nếu đi rồi, du khách sẽ thấy: Đây là A Lưới, nơi mang vẻ đẹp riêng biệt, sắc màu đặc trưng riêng.

Cũng theo bài viết nói về du lịch của huyện, để đến A Lưới, du khách sẽ đi qua quãng đường có những cung đèo khúc khuỷu, uốn lượn như đèo A Co huyền thoại - một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đường hiểm trở nhưng bù lại, khung cảnh trên đèo đẹp hoang sơ, hùng vĩ.

Bên cạnh thiên nhiên, A Lưới còn là mảnh đất anh hùng trong thời kỳ chiến tranh, hiện có 12 di tích đã được công nhận cấp quốc gia, cấp tỉnh; không khí trong lành, có nhiều thác suối đẹp; con người thân thiện hiếu khách.

Với tiềm năng lợi thế, A Lưới đã và đang khai thác phát triển tốt du lịch sinh thái gắn với du lịch lịch sử cách mạng và du lịch văn hoá cộng đồng, đồng thời mở rộng thêm loại hình du lịch trải nghiệm.

Được gọi là "Đà Lạt thứ hai", huyện biên giới không đủ homestay phục vụ du khách lúc cao điểm- Ảnh 3.

Huyện A Lưới sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên, các câu chuyện lịch sử và đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng lượt khách ước đạt 58.000 lượt khách. Trong đó, khách nội địa ước đạt 54.950, khách quốc tế ước trên 3.050 lượt. Khách lưu trú, ước đạt 6.700 lượt. Thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày. Ước doanh thu từ du lịch của huyện trong nửa đầu 2024 là 23,2 tỷ đồng.

Đến nay, du lịch A Lưới đã khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, các vùng lân cận, với quy mô có 5 làng du lịch cộng đồng, 24 điểm du lịch, 33 cơ sở lưu trú (9 nhà nghỉ, 24 homestay), sức chứa tối đa trên 800 khách/thời điểm.

Tuy nhiên hiện nay có 4 nhà nghỉ cơ sở đã xuống cấp và 1 homestay tạm ngưng hoạt động. Thời gian cao điểm mùa du lịch vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho du khách.

Dẫu có tiềm năng lớn nhưng lãnh đạo huyện cũng thừa nhận các sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, phong phú; chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao. Đồng thời, việc kết nối tour, tuyến du lịch chưa đạt được hiệu quả cao, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn để đầu tư phát triển du lịch.

Công tác quy hoạch tại các điểm du lịch chưa triển khai thực hiện. Một số di tích lịch sử cách mạng xuống cấp, chưa được đầu tư, tu bổ, chưa phát huy được tiềm năng của các điểm di tích lịch sử.