Huỳnh Chí Viễn là một cựu du học sinh, hiện là Giám đốc trung tâm Anh Ngữ BHV English. Vào năm 2017, anh xuất bản cuốn sách "Có một nước Mỹ rất khác" để kể về quãng thời gian nhiều thăng trầm của anh khi còn là du học sinh trên đất Mỹ. Những bài viết về vấn đề giáo dục, quan điểm, lối sống của giới trẻ hiện nay, đặc biệt là nuôi dạy con trên trang cá nhân của anh nhận được nhiều sự đồng tình và yêu thích.
Mới đây, anh Huỳnh Chí Viễn đã đưa ra quan điểm về một câu hỏi cũ nhưng vô cùng thú vị: Làm cha mẹ là làm gì? Câu trả lời của anh vô cùng đơn giản, nhưng để làm được thì không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi bố mẹ phải để ý tới từng lời ăn tiếng nói, hành động thái độ của mình hàng ngày, hàng giờ; phải luôn luôn nhớ bên cạnh mình có những ánh mắt dõi theo. Đó chính là: LÀM GƯƠNG.
Xin được chia sẻ lại quan điểm đang nhận được nhiều sự đồng tình này của anh:
Anh Trần Đình Dũng, tác giả của cuốn "Quà Của Bố", có lần hỏi tôi: "Theo em làm cha mẹ là làm gì?" Và không để tôi suy nghĩ quá lâu, anh trả lời luôn: "Là làm gương cho con cái". Phụ huynh Việt Nam có thể làm rất nhiều thứ vì con mình, nhưng rất hiếm người làm gương cho con bằng hành động thực tế mà phần lớn chỉ dạy con bằng giáo điều là chính.
Người Anh có câu thành ngữ "Monkey see, monkey do" ý muốn nói rằng trẻ con sẽ bắt chước theo những gì người lớn làm chứ không làm theo những gì chúng được bảo. Tất cả cách cư xử của cha mẹ dù là tích cực hay tiêu cực đều được con cái tiếp thu và vô thức bắt chước. Cha mẹ cư xử văn minh thì tính tình của con cái cũng sẽ lễ phép, hòa nhã. Cha mẹ hung dữ, nóng nảy thì con cái cũng sẽ dễ nổi cáu và thô lỗ. Cha mẹ ngăn nắp gọn gàng thì con cái cũng sẽ có ý thức giữ vệ sinh. Cha mẹ lười biếng bê tha thì con cái cũng sẽ học theo như vậy. Nói không ngoa, con cái chính là tấm gương phản chiếu lại tính cách cũng như cách giáo dục của cha mẹ.
Một đứa trẻ ngoan hay hư không phải là do bố mẹ có dữ đòn hay nuông chiều mà là do bố mẹ có làm gương được cho con hay không. Nếu muốn con trở thành một đứa trẻ ngoan, hãy tránh làm những điều này với con của bạn:
1. Bạo lực thể xác và tinh thần: Cần phải loại bỏ ngay trong đầu tư tưởng "Thương cho roi cho vọt" vốn đã quá lỗi thời và sai trái. Dạy dỗ con cái bằng bạo lực chẳng những không giúp con bạn hiểu được rằng chúng sai chỗ nào để sửa mà còn làm tổn thương sâu sắc lòng tự trọng của trẻ, khiến cho trẻ có khuynh hướng xa lánh và oán hận cha mẹ đồng thời sẽ khiến trẻ học cách nói dối tinh vi để che đậy sai trái của mình vì sợ bị trừng phạt bằng bạo lực. Những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực trong gia đình khi đi học sẽ thường rơi vào hai nhóm chính: những kẻ bắt nạt người khác (nếu chúng lớn hơn và khỏe hơn) và những kẻ bị bắt nạt (nếu chúng yếu hơn).
2. Cãi nhau trước mặt con cái: Không có điều gì đáng sợ hơn với con cái là chứng kiến cảnh cha và mẹ, hai người mình yêu thương và kính trọng nhất lớn tiếng cãi vã hoặc thậm chí là đánh nhau trước mặt mình. Nên nhớ hai vợ chồng bạn nếu có vấn đề gì với nhau thì con cái đều vô can và chúng đều không đáng chịu cảnh bố mẹ lớn tiếng với nhau. Điều này gây tổn thương cho con cái cũng không kém gì việc dùng bạo lực dạy con vì đứa trẻ bất đắc dĩ sẽ phải chứng kiến những gì tồi tệ nhất mà cha mẹ chúng dành cho nhau trước mặt chúng.
3. Nói xấu cha hoặc mẹ với con cái: Nếu mỗi lần cãi nhau xong với vợ hoặc chồng của mình, bạn thường hay kể tội của người kia cho con nghe và bắt con phải làm người phân xử bất đắc dĩ rằng ai đúng ai sai hoặc tỏ ra đáng tội nghiệp để con cái đứng về phía mình thì bạn nên dừng ngay việc làm nói trên lại. Bạn đang làm hại con mình.
Trước hết, con cái không có quyền phán xử cha mẹ và cũng không có nghĩa vụ làm người phán xử khi chúng chưa đủ trưởng thành và hiểu biết. Thứ hai, lôi kéo con cái về phía mình và khiến chúng căm ghét người kia sẽ làm cho con bạn xem thường cả hai nếu như cả hai phe đều nói xấu nhau với con sau lưng người còn lại. Đừng nghĩ các con bạn sẽ chỉ tin vào những gì bạn nói mà không có cách nhìn nhận riêng của chúng. Ai đúng ai sai, đôi khi con bạn biết rõ hơn bạn nghĩ, chỉ có điều là chúng không dám nói lên sự thật mà thôi.
4. Nói dối với con cái: Nhiều bậc cha mẹ nghiêm cấm con nói dối mình nhưng ngược lại không hề ngại ngần khi nói dối với con cái hoặc thậm chí dạy con nói dối với người khác. Điều này sẽ khiến cho con bạn hiểu rằng nói dối không phải là một điều xấu mà chỉ đơn giản là bé không được quyền nói dối vì bé chưa đủ lớn và chưa có đủ "quyền" để nói đối. Hơn nữa, qua cách bạn nói dối người khác, bé sẽ gián tiếp học cách nói dối tinh vi của người lớn để có thể qua mặt bạn.
5. Thất hứa với con cái: Nếu bạn hứa điều gì với con bạn dù lớn dù nhỏ, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ thực hiện điều đó. Đừng vì muốn bé làm theo lời bạn hoặc nhân lúc cao hứng mà hứa cho qua chuyện. Tôi đã thấy nhiều phụ huynh khi vui miệng hứa với con những điều không hợp lý và khi bé đòi thì lại nổi giận và la mắng thậm chí đánh con bảo rằng con hư, bày đặt đòi hỏi. Người sai là bạn chứ không phải là bé vì bé không tự đòi mà là do bạn hứa.
6. Thực hiện những hành động xấu trước mặt con cái: Ở các nước tiến bộ, người chưa đủ 21 tuổi sẽ không được tự mình đi mua rượu hoặc thuốc lá. Còn ở Việt Nam, không hiếm các ông bố sai con đi mua rượu, bia, thuốc lá về cho mình như một điều hết sức bình thường. Nhiều người cảm thấy hãnh diện khi khoe lên trang facebook cá nhân những đứa con còn rất nhỏ của mình cầm lon bia "nhậu" cùng với chú bác trong nhà hoặc xòe bài rất điệu nghệ. Một đứa trẻ sống trong một môi trường mà những người lớn xung quanh hàng ngày hút thuốc, rượu chè, cờ bạc, gây gổ, đánh nhau hoặc chửi thề sẽ khó có thể thành một đứa trẻ tốt vì những điều xấu chúng chứng kiến hàng ngày sẽ dần dần tiêm nhiễm vào đầu chúng một cách vô thức như một phản xạ. Bạn không có quyền đòi hỏi con bạn trở thành một người tốt khi chính bạn lại là người làm gương xấu cho con.
7. Dạy con cái xem thường người khác: Nhiều phụ huynh sẽ giãy nảy lên và nói rằng tôi đâu bao giờ dạy con coi thường người khác. Đúng là bạn không hề dạy trực tiếp nhưng cách bạn cư xử với những người có địa vị xã hội hoặc thu nhập thấp hơn bạn trước mặt con có thể gián tiếp dạy bé cách xem thường người khác nếu bạn cư xử thiếu tôn trọng với những người đó. Những câu nói kiểu: "Con không học hành đàng hoàng lớn lên sẽ đi ăn xin/lượm rác/móc bọc/đạp xích lô…" hoặc cách đối xử thiếu tôn trọng với những người buông gánh bán bưng, giữ xe… vô tình dạy cho trẻ biết rằng những người đó không đáng được coi trọng hoặc thậm chí là đáng bị xa lánh và coi thường. Đừng dùng những từ ngữ khiếm nhã như "thằng", "con", "mụ" đứng trước những danh từ chỉ người khi nói chuyện với con bạn. Đừng tỏ ra hả hê hay phụ họa khi con bạn có thái độ khinh ghét hoặc trêu chọc bạn bè yếu kém trong trường mà hãy nghiêm khắc nhắc nhở bé khi điều đó xảy ra.
8. Khen thưởng hoặc trách phạt tùy hứng: Muốn việc khen thưởng và trách phạt con mang lại hiệu quả cao, hãy luôn nhớ rằng hai hành động này phải dựa trên nguyên tắc và sự nhất quán chứ không thể tùy hứng. Cùng một lỗi sai của bé, bạn không thể phạt bé nặng hơn nếu hôm đó tâm trạng bạn không vui hoặc bỏ qua những lỗi lầm của con nếu hôm đó bạn đang vui vẻ. Tương tự, việc khen thưởng cho con cũng vậy. Đừng thưởng cho con quá nhiều hoặc bằng những phần thưởng quá đắt tiền chỉ vì bạn cao hứng. Việc thưởng phạt tùy hứng sẽ khiến cho trẻ hiểu sai về giá trị của phần thưởng hoặc hình phạt và sẽ có khuynh hướng là làm những việc để lấy lòng cha mẹ hoặc nhìn sắc mặt cha mẹ mà hành xử hơn là làm những việc đúng đắn.
9. Đổ lỗi cho người khác: Để con bạn nên người, hãy tập cho bé chịu trách nhiệm về những việc mình làm tùy theo độ tuổi. Đừng dạy bé đổ thừa cho mặt đất hay cái ghế, cái bàn nếu bé lỡ vấp té. Nếu bé đang bị một người lớn khác trong gia đình phạt vì một lỗi nào đó bé đã làm, đừng tìm cách chạy vào can ngăn hoặc nói đỡ cho bé trừ trường hợp người kia sử dụng bạo lực. Đừng tìm cách khắc phục hậu quả những việc mà con bạn lỡ tay làm hư hỏng mà thay vào đó hãy nhân dịp này dạy cho con dọn dẹp hậu quả của mình. Một đứa trẻ không biết nhận trách nhiệm khi còn bé sau này sẽ trở nên vô trách nhiệm và ích kỷ khi trưởng thành.
10. Bất kính với ông bà: Ở một xã hội mà chữ hiếu được xem chuẩn mực đạo đức hàng đầu như Việt Nam, cha mẹ luôn bắt buộc con cái hiếu thảo và lễ phép với mình từ lời ăn tiếng nói cho tới cách cư xử. Tuy nhiên, nhiều người lại đối xử bất kính với cha mẹ ruột của mình và điều đó vô hình trung đã làm gương xấu cho con cái.
Nếu bạn nói chuyện lớn tiếng hoặc vô lễ với cha mẹ bạn, bạn sẽ khó bắt con bạn lễ phép với mình. Nếu bạn xem thường hoặc nói xấu cha mẹ bạn, sau này con bạn cũng sẽ đối xử với bạn như thế. Bạn bỏ bê không chăm sóc cha mẹ mình, đừng bất ngờ hay đau khổ nếu sau này con cái cũng sẽ bỏ mặc bạn không chăm sóc. Có người sẽ cho rằng đó là quả báo, nhưng tôi thì nói rằng đơn giản là con bạn đã học theo cách hành xử của bạn mà thôi.