Người dân đã có khoảng thời gian khá dài phải hạn chế ra đường, các cửa hàng, trung tâm mua sắm, nhà hàng ăn uống đều không mở cửa. Khi mọi thứ dần trở lại bình thường, tâm lý muốn vung tiền để bù đắp những tháng ngày không được mua sắm là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng bạn hãy nhớ nằm lòng những nguyên tắc dưới đây để mua sắm được vui vẻ mà vẫn tiết kiệm tiền nhé!
1. Tránh xa tâm lý “chi tiêu trả thù”
Sự thôi thúc muốn chi tiêu nhiều hơn sau dịch bệnh được gọi là chi tiêu trả thù (revenge spending). Mọi người có thể phải kìm hãm nhu cầu mua sắm trong một thời gian khá dài và muốn sắm cho mình nhiều món đồ mới bổ sung.
Chi tiêu trả thù ở đây còn bao hàm cả trường hợp nhiều người muốn dùng việc mua sắm để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, do họ phải chịu đựng trong thời gian dịch bệnh.
Tuy nhiên tâm lý này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn tác động cả đến chỉ số hạnh phúc của bạn. Theo nghiên cứu của cuốn sách “Happy Money: The Science of Happier Spending”, những người chi tiêu ít hơn số tiền họ kiếm được có mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn 17% so với nhóm chi tiêu nhiều hơn thu nhập. Và nhóm người ấy còn có mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn 14% năm so với những người chi tiêu tương đương với thu nhập.
Nếu bạn chi tiêu nhiều hơn thu nhập, chẳng những bạn không “trả thù” được dịch bệnh mà còn khiến bản thân phải rơi vào cảm xúc tồi tệ hơn.
2. Hãy phân tích
Trước khi vung tiền mua sắm, bạn hãy phân tích kỹ giao dịch mua của mình. Bạn nên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Bạn đã có món đồ tương tự ở nhà hay chưa?
- Tần suất bạn sử dụng đến món đồ ấy là bao nhiêu?
- Bạn đã định giá nó chính xác chưa, để biết được những đồng tiền mình chi ra là xứng đáng?
- Nó có ảnh hưởng đến thời gian của bạn, khiến bạn tốn thêm thời gian vì những phiền phức không đáng có?
Sau khi trả lời được chính xác những câu hỏi trên, bạn sẽ có các quyết định mua hàng khôn ngoan hơn.
3. Dè chừng với “giờ nghỉ mua sắm”
Nhiều người có thói quen mua sắm vào giờ nghỉ giải lao khi làm việc, như một phương thức giải trí hoặc phần thưởng cho bản thân. Tuy nhiên thói quen này sẽ khiến ví tiền của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì vậy hãy đứng dậy khỏi máy tính và rời xa chiếc điện thoại, rồi làm một điều gì đó khác để giải tỏa cảm xúc thay vì mua sắm trên mạng.
4. Đừng quên theo dõi chi tiêu của bạn
Khi mua sắm, bạn hãy nhớ thống kê những món đồ mình đã mua và giá của chúng. Hiện nay với các công cụ, ứng dụng trên điện thoại, thật dễ dàng và nhanh chóng để bạn làm điều đó.
Việc theo dõi, kiểm kê chi tiêu sẽ cho bạn thấy thực trạng chi tiêu của mình. Ví dụ như số ngày bạn mua sắm nhiều nhất, các tình huống thúc đẩy bạn chi tiền hay những trang web mà bạn đã dành nhiều thời gian.
Sau khi ghi chép, hãy tổng kết chi tiêu vào cuối mỗi tuần. Rồi bạn sẽ thấy việc làm ấy có tác động đáng kinh ngạc đến việc giảm ham muốn mua sắm của mình thế nào.
5. Chi tiêu cho những trải nghiệm là lựa chọn khôn ngoan
Không có gì sai khi đối xử tốt với bản thân, miễn là bạn phải thông minh. Chi tiêu cho những trải nghiệm chính là một cách tiêu tiền khôn ngoan như thế.
Chúng ta đã phải ở nhà trong thời gian dài. Khi cuộc sống bình thường trở lại với các trải nghiệm thú vị, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Miễn là bạn luôn chủ động về tài chính cho kỳ nghỉ hay chuyến đi trải nghiệm đó thì nó chính là một khoản chi tiêu sau dịch bệnh vô cùng xứng đáng.
Theo: CNBC