Được mệnh danh là Pando, quần thể cây dương độc đáo mọc ở tiểu bang Utah của Hoa Kỳ được mệnh danh là sinh vật có khối lượng và tuổi đời lâu nhất trên Trái đất. Bởi vì nó không phải là một cá thể cây dương vàng duy nhất, mà nó được nhân bản từ một bộ rễ lên thành cả một khu rừng.

Nó lần đầu tiên bị nghi ngờ là “một thứ gì đó khác thường” vào giữa những năm 1970. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm di truyền trong những năm sau đó và phát hiện mỗi cây trong khu rừng rộng 40,5 ha này hóa ra là các dòng vô tính của nhau. Có nghĩa là chúng có thể có chung một hệ thống rễ khổng lồ dưới lòng đất.

Sinh vật sống lớn nhất thế giới có dấu hiệu ‘tan vỡ’ - Ảnh 1.

Cả khu rừng này thực ra là một cây dương với hệ thống rễ khổng lồ.

Việc phát hiện các nhóm cây vô tính của cùng một loài không phải là hiếm, nhưng quy mô và độ tuổi ấn tượng của Pando khiến nó trở thành một trong những sinh vật độc nhất trên hành tinh. Trong khi các cây riêng lẻ của nó (được gọi là thân cây) thường chỉ sống được khoảng 100 năm, thì hệ thống rễ tổng thể của Pando đã được ước tính là khoảng 10.000 năm tuổi.

Pando hiện được nhiều người coi là sinh vật sống lớn nhất thế giới về tổng sinh khối. Người ta ước tính nó nặng khoảng 6.000 tấn. Tuy nhiên về diện tích, thì nó lại thua một sinh vật sống lớn nhất thế giới được phát hiện gần đây là một cánh đồng cỏ biển khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển Australia.

Sinh vật sống lớn nhất thế giới có dấu hiệu ‘tan vỡ’ - Ảnh 2.

Quy mô của Pando nhìn từ trên cao.

Tuy nhiên, một nhà sinh thái học từ Đại học Bang Utah đang đưa ra cảnh báo rằng Pando đang đứng trước nguy cơ bị chia cắt thành nhiều phần riêng biệt. Đây cũng là sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử lâu dài của nó, và nguyên nhân có thể bắt nguồn từ chính con người.

Nhà sinh thái học tên là Paul Rogers đã nghiên cứu Pando trong nhiều năm. Năm 2017, ông là đồng tác giả của một nghiên cứu điều tra tác động của các quy trình quản lý rừng hiện đại đối với sinh vật. Vào thời điểm đó, Rogers cho rằng Pando có thể bị đe dọa vì sự xâm lấn của con người và động vật, điều ảnh hưởng tới khả năng tạo ra thân cây mới của nó.

Một nghiên cứu tiếp theo vào năm 2018 cho thấy các hàng rào được dựng lên ở một số khu vực nhất định có thể là một cách hiệu quả để bảo tồn khả năng tái sinh của Pando. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới, Rogers gợi ý rằng hàng rào có thể không đủ để cứu Pando vì hệ thống rễ khổng lồ đang có dấu hiệu chia thành ba hệ thống nhỏ hơn.

Sinh vật sống lớn nhất thế giới có dấu hiệu ‘tan vỡ’ - Ảnh 3.

Sự tác động của con người và các loài động vật đang khiến Pando dần biến đổi.

Theo chuyên gia này, vấn đề chính mà Pando phải đối mặt là hươu và các loại gia súc đang ăn những thân cây mới của nó trước khi chúng có cơ hội trưởng thành. Vấn đề này ban đầu xảy ra bởi vì con người trong hàng thế kỷ qua đã làm giảm số lượng động vật ăn thịt trong khu vực, bao gồm chó sói và gấu.

Vì vậy, trong khi hệ thống hàng rào dường như là một giải pháp tốt được xây dựng cách đây vài năm, một vấn đề đã xảy ra là hàng rào ban đầu chỉ bao phủ khoảng 50% hệ thống rễ của nó. Do đó, giờ đây sinh vật này đang có dấu hiệu phát triển theo ba quỹ đạo sinh thái riêng biệt và nó có thể chia tách thành một bộ ba hệ thống khác nhau.

“Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cố gắng cứu sinh vật này bằng hàng rào, chúng ta sẽ thấy mình đang cố gắng tạo ra thứ gì đó giống như một sở thú trong tự nhiên”, Rogers giải thích. “Mặc dù chiến lược ban đầu có chủ đích tốt, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ cần phải giải quyết việc có quá nhiều hươu và gia súc kiếm ăn ở khu vực này.”

Rogers nói rằng bảo vệ Pando là một vấn đề tương đối nhỏ từ góc độ bảo tồn. Nhưng câu chuyện về Pando và sự suy tàn của nó là một mô hình thu nhỏ hữu ích về những cách mà sự xâm phạm của con người có thể gây ra những thay đổi hệ sinh thái, từ đó dẫn đến những vấn đề lớn hơn.

“Pando là một nghịch lý: sinh vật lớn nhất của trái đất, đang trở nên nhỏ bé khi việc bảo tồn diễn ra”, Rogers viết trong một nghiên cứu mới. “Bài học từ Pando có thể được áp dụng cho các hệ thống cây dương khác, hoặc các loài đang đối mặt với những thách thức tương tự trên toàn cầu”.

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Khoa học và Thực hành Bảo tồn