Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi và P.N tiếp tục với chủ đề mà chúng tôi thắc mắc nhất và cũng là mục đích chính của chuyến đi này, đó là P.N đã làm thế nào để hợp thức hóa các loại giấy tờ để đứa trẻ trong bụng thai phụ trở thành con đẻ hợp pháp của khách hàng.
Nếu như một vài độc giả còn đang thắc mắc rằng, việc P.N và những người như cô ta đang làm nếu thực sự cứu rỗi được sinh linh ra đời không mong muốn thì bản thân chúng ta, trong một phút tĩnh tâm hãy nghĩ lại một chút về câu hỏi này:
Việc P.N làm giả giấy tờ khai sinh, nguồn gốc của đứa bé sẽ gây ra hệ lụy gì sau này? Tại sao chúng ta lại phải nhận con nuôi theo sự quản lý của pháp luật, và liệu những người đến "mua" trẻ sơ sinh có thật sự cần một đứa con nuôi, hay họ mua về rồi đứa bé đi đến đâu?
Hãy đọc tiếp để thấy cái thật sự gọi là "chưa nhân đạo" trong cách hoạt động của họ.
Mua bán trẻ em sơ sinh (Phần 2)
Quy trình chuyển đổi mẹ đẻ
Để giữ khách và tin tưởng chất lượng làm ăn của mình hơn, P.N không ngần ngại trình bày tường tận từng đường đi nước bước của cô ta.
Theo đó, quá trình lách luật cũng như lợi dụng kẽ hở của các bệnh viện phụ sản, các cơ sở y tế được cấp phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ diễn ra vô cùng tinh vi và nhiều khả năng có sự tham gia của nhiều bên.
Thông tin tìm kiếm "khách hàng" do P.N đăng tải
Trước tiên, P.N yêu cầu người nhận nuôi cung cấp thẻ bảo hiểm y tế, sau đó yêu cầu mẹ bầu học thuộc thông tin cá nhân trên thẻ bảo hiểm y tế đã nhận được từ "khách". Từ chi tiết này, P.N có thể đưa thai phụ đi sinh dưới danh nghĩa người nhận nuôi bằng cách đưa đi cấp cứu nhưng "quên mang thẻ bảo hiểm". Thẻ bảo hiểm y tế không có ảnh chụp cũng như dấu giáp lai, vì thế nên trong trường hợp khẩn cấp, nhiều cơ sở y tế cũng phải bỏ qua bước xác minh để cứu người.
P.N mô tả quá trình lách luật đầy tinh vi của mình
Bản thân chính việc đưa thai phụ đi sinh theo hình thức cấp cứu cũng ẩn tàng nhiều rủi ro cho cả thai phụ và đứa trẻ trong bụng. Ai dám khẳng đinh trong quá trình chờ đợi đến lúc phải cấp cứu kia có biết bao nhiêu mối nguy chờ đón họ? Và trong trường hợp xấu nhất xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm?
Đến khi vào phòng cấp cứu và chờ đến lượt sinh, thai phụ sẽ đọc toàn bộ thông tin đã học thuộc của người nhận nuôi cho bệnh viện sản nhi, cơ sở y tế mình được đưa đến. Đương nhiên, họ không có quyền chọn địa điểm sinh con mà hoàn toàn dựa vào P.N toàn quyền quyết định. Việc của họ lúc này là "trả bài" thông tin bảo hiểm y tế mình đã học thuộc trước đó.
Cuối cùng, khi em bé đã ra đời, sau những ngày hậu sản tại bệnh viện, P.N làm nốt các công việc thủ tục còn lại là đem thẻ bảo hiểm y tế của người nhận nuôi đến làm giấy chứng sinh, lấy bừa một lý do nào đó như mất mát, sinh cấp cứu ở địa phương khác nên không mang theo giấy tờ tùy thân hòng qua mắt bộ phận hành chính rồi ngang nhiên hợp pháp hóa sự sinh đẻ của một đứa trẻ không cùng nòi giống.
P.N cũng vì thế luôn thay đổi địa điểm sinh. Bởi cùng một cách thức, cô ta không muốn gây ra sự nghi ngờ từ các cơ quan chức năng.
Quy trình giao hàng - nhận tiền của P.N
Đây cũng chính là kẽ hở đáng báo động của các bệnh viện sản nhi, các nhà hộ sinh hay cơ sở y tế được cấp phép dịch vụ sinh đẻ. Sự quản lý lỏng lẻo, tắc trách của những cơ quan này đã tạo điều kiện để gây ra những sự bất hợp lý, hỗn loạn trong việc quản lý nhân khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến thân phận, nguồn gốc của những đứa trẻ không xác định được danh tính thật sự. Cũng từ những lần "bỏ qua", "linh động" không đúng cách này, sẽ có rất nhiều những hệ lụy trong tương lai mà bản thân nhà nước không thể kiểm soát nổi.
Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn cho mẹ bầu sinh nở tại Hà Nội thay vì Quảng Ninh như đã bàn từ trước, thật bất ngờ khi P.N dõng dạc tuyên bố rằng "kể cả những bệnh viện tuyến lớn chị cũng làm được hết". Thậm chí, ở những bệnh viện cấp thành phố này, việc lách luật còn dễ thực hiện hơn cả các bệnh viện tuyến xã bởi mỗi ngày có quá nhiều ca sinh nở được tiếp nhận, dẫn đến việc quá tải trong khâu quản lý, quy trình.
Ngoài ra, P.N còn có cách thức khác có vẻ an toàn hơn và cũng được sử dụng nhiều nhất trong các ca buộc phải sinh đẻ ở tuyến bệnh viện lớn. Ở tình huống này, cô ta sẽ chuẩn bị sẵn ảnh của thai phụ khổ 2x3, dán đè lên chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước của người nhận nuôi để photocopy.
Điểm quan trọng nhất của cách thức này là phải có sự quen biết để xin một con dấu công chứng sao y bản chính lên tờ bản sao photo đó. Tuy nhiên, người đàn bà "quen biết rộng" này còn cho hay, thậm chí kể cả đó là bản sao giả, cô ta cũng có thể dễ dàng xin được dấu công chứng của địa phương nơi cô ta có quen biết.
Chúng tôi trộm nghĩ, không hiểu sự quen biết của P.N ghê gớm tới đâu mà đến giấy tờ cũng có thể làm giả?
Sự cắt đứt dã man
Vấn đề cuối cùng mà chúng tôi muốn làm sáng tỏ là sự khẳng định chắc nịch của "bà môi giới" về việc người cho con sẽ cắt đứt hoàn toàn với người nhận nuôi đứa trẻ.
Trả lời cho thắc mắc của chúng tôi, P.N đưa ra giải pháp.
Một, chọn thai phụ có địa điểm thường trú ở thật xa khách hàng, sau đó đưa đến địa điểm thứ ba không phải nơi ở của hai bên để thai phụ sinh con và quan trọng nhất – giao trẻ, nhận tiền. Người duy nhất biết thông tin của cả hai bên là P.N, vậy nên bản thân cô ta có thể đảm bảo người mẹ sẽ không thể đến đòi con. Ấy là P.N nói thế, còn chuyện tương lai, ai mà biết được. Lấy gì đảm bảo được P.N sẽ giữ đúng lời hứa. Lấy gì đảm bảo người mẹ bằng quyết tâm và trực giác của mình tìm được đứa con. Đương nhiên, "sự bảo hành" cho khâu cắt đứt quan hệ này chẳng có ai đứng ra dàn xếp.
Giao dịch hai bên luôn phải thông qua P.N
Thêm một chút tò mò, chúng tôi thử tâm sự nhiều hơn với người đàn bà này nhằm hiểu rõ về những ràng buộc, quyền lợi của việc bán con, cho máu giữa P.N và những thai phụ.
P.N cho biết, cô ta chỉ nhận số tiền 20 triệu gọi là "bồi dưỡng" sau sinh cho mẹ bầu. Còn với số tiền lớn hơn, hoặc giả sử mẹ của em bé yêu cầu được bồi dưỡng nhiều hơn, P.N sẽ không nhận chăm sóc với lý do "đòi nhiều như thế thì là bán con à?".
Sự khôn khéo của P.N nằm ở chính việc biết nắm bắt tâm lý của người cần con và cả người nhỡ nhàng có con nhưng không có điều kiện chăm sóc. Dưới cái mác "thương người", "thương các con", "thương các mẹ", mỗi tháng người đàn bà này có thể "giúp đỡ" không ít thì nhiều, cỡ khoảng 10 thai phụ. Chắc chắn sự giúp đỡ này không miễn phí, vậy nên thêm một lần nữa chúng tôi đặt dấu hỏi, P.N sẽ cầm bao nhiêu và thai phụ cho con sẽ được hưởng bao nhiêu tiền bồi dưỡng.
Với mối quan hệ được xây dựng khá chắc chắn từ trước, PN khá niềm nở và sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của chúng tôi. Thật may mắn, cô ta đồng ý cho nhóm chúng tôi tiếp cận với mẹ bầu ở Xuân Mai không chút do dự.
Địa điểm hẹn gặp mẹ bầu ở Xuân Mai
Ngày hôm sau, vẫn là một ngày nóng đến muốn điên người, chúng tôi đón P.N tại bến xe Mỹ Đình để cùng đi gặp thai phụ ở Xuân Mai.
Trời nóng, ai cũng mệt, chỉ P.N vẫn tỏ ra hào hứng suốt chuyến đi. Người phụ nữ này gần như không giấu giếm bất cứ thông tin gì, kể cả những "thành tích" mà cô ta đạt được sau vài năm hành nghề. Duy chỉ con số cụ thể sau cái gọi là "vài năm" ấy thì P.N không nói.
P.N cho biết trước kia cô ta còn có một "đồng nghiệp" ở Bắc Giang, "đồng nghiệp" này được cô ta nhận xét là ghê gớm và làm việc cẩn thận, chặt chẽ hơn mình rất nhiều. Không bao giờ có chuyện chúng tôi được gặp gỡ với thai phụ hay nói chuyện linh tinh nếu như vẫn còn nhân vật ấy làm việc trong đường dây. Tất cả công đoạn chỉ gói gọn tiền trao – cháo múc. Hạn chế hết mức sự phiền toái, bao gồm việc hai bên thương lượng ngã giá với nhau.
Trên đoạn đường đến Xuân Mai, P.N hé lộ đôi chút với chúng tôi về việc còn có những khách hàng từ Trung Quốc "order" trẻ với cô ta, mức giá lên đến 50 triệu đồng cho một đứa trẻ. Nói vu vơ thế thôi, chứ khi được hỏi kỹ thì P.N cười trừ không tiết lộ. Chúng tôi cũng chẳng thu hoạch được thêm về các giao dịch trẻ em sang nước ngoài mà người đàn bà này từng dàn xếp.
Khoảng tầm giữa trưa, chúng tôi có mặt tại Xuân Mai. Địa điểm hẹn gặp là giữa ngã tư đường và quyết định chọn một quán nước vắng vẻ để tiện trò chuyện kín đáo.
Cô gái mà chúng tôi muốn gặp có dáng dấp nhỏ bé. Nếu không phải đã được biết từ trước đây chính là thai phụ cho con, chắc chúng tôi cũng chẳng thể ngờ nổi. Bụng cô này chỉ nhô một chút lên dù đã ở tam cá nguyệt cuối của thai kỳ. Cô gái tỏ ra khá dè dặt, không nói chuyện chia sẻ gì mấy. P.N tiếp tục công việc thường trực là an ủi, hứa hẹn với cô gái sẽ đón về chăm sóc khi cô đến sát ngày sinh nở.
Khi chỉ còn 3 người phụ nữ với nhau, P.N bắt đầu "công tác tư tưởng" với những lời nói mang đầy tính nhân đạo êm tai: "Em mà xác định là cho con đi rồi, nếu thương con thì tuyệt đối không được liên hệ với con nữa để tránh cho em bé bị ảnh hưởng tâm lý".
P.N khôn khéo thuyết phục thai phụ trẻ tuổi cắt đứt quan hệ với đứa con của mình
Thai phụ này còn rất trẻ, mới chỉ 21 tuổi. Cô gái cho biết không thể nuôi con vì đã có một bé lớn, hiện đang nhờ ông bà ngoại vốn đã không mấy khá giả nuôi, hai vợ chồng đã ly hôn nên việc lo đủ kinh tế để nuôi dưỡng 2 đứa trẻ là điều không thể.
P.N yêu cầu thai phụ phải ký vào bản cam kết từ bỏ mọi mối liên hệ với đứa con đang mang trong bụng. Dù đã được biết trước quy trình, tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy thoáng đâu đó cô gái này liên tục lấy tay dụi mắt. Cô nói đường bụi, nhưng trong giọng đã có sự nghẹn ngào.
Chúng tôi đề nghị sẽ giúp đỡ thai phụ nếu như cô này có yêu cầu gì đặc biệt, kể cả nơi sinh nở theo như cô mong muốn thì ngay lập tức, P.N cắt ngang, cho rằng chúng tôi không đủ khả năng tự đưa sản phụ đi sinh, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh mọi liên hệ và quy trình buộc phải thông qua cô ta.
Kết thúc buổi gặp mặt, dường như để củng cố hơn về chất lượng cuộc giao dịch, P.N hỏi lại chúng tôi – những người đang vào vai khách đặt hàng về việc có ưng ý hay không với "sản phẩm" này để tiện còn "chốt" đơn. Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn vì mẹ bầu nhỏ bé quá, sợ sinh con sẽ không được khỏe mạnh cao lớn, P.N lập tức cung cấp thêm một vài hình ảnh các thai phụ khác để chúng tôi tiếp tục cân nhắc, lựa chọn.
Luật nuôi con nuôi số 52/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010, Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10. Quốc hội ban hành Luật nuôi con nuôi, ở điều 11 đã quy định rõ về việc bảo đảm được biết nguồn gốc như sau: "Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình".
Nếu vậy, P.N có vi phạm luật pháp hay không khi đưa ra một bản cam kết dã man, ép buộc gia đình gốc của đứa trẻ phải từ bỏ quyền thăm nuôi, quyền được tìm hiểu về cuộc sống của con em họ, đồng thời cũng tước đi quyền được biết về nguồn gốc của một đứa trẻ? Mà chưa bàn đến luật, tính về tình thì người đàn bà này cũng không được cái lý nào hết.
Tiếp cận trong vai sinh viên mang bầu cần giúp đỡ
Trong một tình huống khác, lại bằng một tài khoản facebook ảo, chúng tôi đăng thông tin trên "Nhóm cho và nhận con nuôi – Ươm mầm cây sống". Lần này nội dung là những sinh viên trót mang thai ngoài ý muốn, cần sự trợ giúp.
15 phút sau, 3 "nhà môi giới" lần lượt tiếp cận chúng tôi. Đặc biệt theo sát đường dây của P.N, chúng tôi chủ động nhắn tin riêng cho cô ta để xin sự giúp đỡ. PN ngay lập tức chấp nhận tin nhắn và hỏi thăm "mẹ bầu" vô cùng tận tình chu đáo.
Những cuộc gọi dồn dập của P.N đến nguồn hàng mới
Giống như những lần trước, P.N rất thận trọng khi yêu cầu trao đổi thông qua việc gọi Video Call. Khi nhân vật của chúng tôi chưa trả lời, cô ta liên tục gọi đến hơn 10 cuộc, thể hiện sự sát sao với "nguồn hàng" mới.
Thế nhưng, khi biết "thai phụ" này mới mang thai ở tháng thứ 2 thì cô ta từ chối tiếp nhận giúp đỡ, chỉ xin giữ liên lạc cho đến kỳ sinh nở.
Không chỉ một đường dây
Không chỉ mình P.N, còn rất nhiều đường dây giao dịch trẻ sơ sinh núp bóng việc cho và nhận nuôi trẻ cơ nhỡ. Chúng tôi từng có một cuộc video call với tài khoản facebook khác có tên T.N.P. Người này mang chất giọng miền Nam, cho biết cô ta có khả năng làm giấy chứng sinh giả cho trẻ sơ sinh nhưng hoàn toàn có khả năng quy đổi thành giấy khai sinh chính thức, hợp lý hóa sự tồn tại của một đứa trẻ trong gia đình nhận nuôi chúng.
Một đường dây môi giới trẻ em khác
Quy trình cũng không khác mấy so với P.N. Chỉ cần cung cấp CMND hoặc thẻ căn cước, cô ta sẽ chuyển giấy tờ hoàn chỉnh đến tận cửa nhà cho khách hàng có nhu cầu.
Không chỉ cung cấp giấy tờ khai sinh, T.N.P cũng có sẵn nhiều mối tìm con cho người có nhu cầu. Tuy nhiên về "tiền bồi dưỡng", phía bên cô này có vẻ cao hơn so với con số mà P.N từng yêu cầu, rơi vào khoảng 35 triệu đồng. Chỉ khác, mọi thủ tục cô này sẽ lo nhanh chóng, dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ đơn giản là người có nhu cầu cho con cung cấp CMND, việc còn lại, cô này lo từ A-Z. Tất nhiên, thông tin vẫn sẽ là giả.
T.N.P ngoài việc làm giả được giấy tờ cũng sẵn sàng môi giới em bé khi khách hàng có nhu cầu
Khiến cho chúng tôi bất ngờ nhất phải là tài khoản fb có tên A.T ngụ tại tỉnh Quảng Ngãi. Đường dây của nhân vật này có thể coi như là chuyên nghiệp nhất so với những kẻ môi giới khác mà chúng tôi từng tiếp cận. Khi có khách hàng, chị ta nhiệt tình tư vấn, thậm chí gửi cả đoạn video quay lại các mẹ bầu mà chị ta có sẵn. Nhân vật A.T này thậm chí còn lập sẵn một bảng giá trọn gói với mức tiền lên đến 50 triệu đồng. Nhìn vào cái bảng giá chi tiết từng mục với từng mức giá, quả nhiên là rất chuyên nghiệp.
Bảng giá chi tiết của A.T
Khi được biết chúng tôi ở Hà Nội cách rất xa địa bàn của chị ta, A.T hào hứng nói rằng hoàn toàn có thể vận chuyển em bé ra tận nơi nếu khách hàng không thể vào đón được. Dịch vụ quả nhiên đầy đủ, phục vụ tất cả các nhu cầu của khách hàng trong một cuộc giao dịch buôn bán trẻ em. Thậm chí, để khách hàng thêm phần tin tưởng và lựa chọn dịch vụ của mình, A.T còn cho biết thêm "mấy gia đình hiếm muộn toàn giả vờ có bầu rồi nhận con bên mình".
Đặc điểm chung giữa P.N, T.N.P hay A.T là đến khi chúng tôi thắc mắc rằng nếu như người nhận nuôi đứa trẻ thực chất không phải gia đình hiếm muộn, mà có mục đích xấu khác như bán đi như hình thức buôn người thì họ tính sao; cái chúng tôi nhận lại là họ im lặng, hoặc vu vơ vài câu chuyện khác lảng đi cho qua chuyện.
Hình ảnh những mẹ bầu có sẵn tại trại nuôi của A.T
Khách hàng cũng tha hồ lựa chọn em bé, không ưng ý có thể… đổi trả. Vậy, bản chất của sự cho – nhận nay chính là một cuộc giao dịch bất hợp pháp. Và đã là khách, ai cũng mong muốn được "món hàng" chất lượng tốt nhất thì các em bé không may mắn rồi sẽ ra sao? Số phận của những em bé trót không được khỏe mạnh, lành lặn như những em bé khác thì sao? Cuộc sống của sản phụ đó và những em bé bất hạnh đó sẽ đi đến đâu?
Cái này chỉ P.N biết, T.N.P biết, A.T biết và những nhà môi giới khác biết.
Kết
Thời đại mà giá thành thì liên tục tăng thì nhân tính lại sụt giá đến bất ngờ. Một sinh linh có thể quy đổi bằng tiền bất chấp hệ lụy hậu quả về sau. Hai mươi đến năm mươi triệu đồng cho một đứa trẻ, chỉ bằng việc bạn đi mua một chiếc xe máy, hay tệ hơn, là mua một bạn thú cưng đầy đủ giấy tờ. Thế nhưng những nhà môi giới này vẫn tự tin họ đang làm việc thiện nguyện.
Trường hợp của tài khoản fb có tên H.T.T đăng tải trên nhóm "Hội cho và nhận con nuôi do hiếm muộn vô sinh" có chị gái trong lúc tâm lý hoảng loạn, chưa ý thức được trách nhiệm và hành động sai lầm của mình đã giấu gia đình đi cho con một gia đình hiếm muộn. Cùng cách thức hoán đổi mẹ đẻ giống đường dây của P.N, trên giấy chứng sinh mẹ đẻ của em bé đã là tên của một người phụ nữ khác.
Đăng tải mong muốn tìm lại em bé của một tài khoản lên nhóm hội
Đến khi gia đình H.T.T muốn nhận lại em bé, mọi thông tin về đứa trẻ và gia đình nhận nuôi đều không còn, họ gần như tuyệt vọng trong hành trình tìm lại máu mủ ruột già.
Có rất nhiều bạn trẻ, chưa ý thức được hành động và trách nhiệm của mình, trong lúc hoảng loạn dễ dàng đưa ra những quyết định sai lầm. Còn họ - những kẻ môi giới buôn bán trẻ em kia lại đẩy những con người tội nghiệp này vào con đường không thể sửa chữa sai lầm.
Hay câu chuyện về người bố suýt mất con sau khi cho một gia đình không rõ lai lịch
Bất kỳ người mẹ nào cho đi đứa con của mình đều không hề vui vẻ hạnh phúc. Trong thâm tâm, họ chắc hẳn mong muốn 5 năm, 10 năm nữa có thể tìm lại đứa con mình mang nặng đẻ đau. Thậm chí ngay khi trao đứa trẻ đi, họ đã hối hận, thế nhưng dưới sự nhẫn tâm của P.N, A.T hay những đường dây môi giới buôn bán trẻ em khác nữa vẫn âm thầm hoạt động dưới danh nghĩa làm việc thiện nguyện thì những đứa trẻ này vĩnh viễn không bao giờ có cơ hội được biết về cha mẹ ruột của mình, được biết về nguồn gốc thật sự của mình.
Những người mẹ, người cha thì vĩnh viễn không bao giờ biết được máu thịt của họ đã trôi về nơi đâu.