Sáng nay, đông đảo người dân Thủ đô quan tâm đến một bài báo viết về hiện tượng lạ xuất hiện tại tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, theo đó đường sắt không ở trên một mặt phẳng mà được thiết kế khá uốn lượn. Bài báo cũng cho biết, việc đường sắt uốn lượn xảy ra tại các ga của tuyến đường sắt này khiến rất nhiều người tranh luận nảy lửa về điều này.
Ngay sau khi sự việc trên gây tranh cãi trong dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dương - Phó Tổng GĐ Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, ông Dương cho biết, để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc.
Do đó, theo ông Dương thì việc thiết kế theo nguyên tắc "vào ga lên dốc, ra khỏi ga xuống dốc" đã khiến nhiều người dân quan sát thấy tuyến đường sắt uốn lượn như bài báo đã phản ánh.
Lý giải sâu hơn về điều này, ông Dương cho biết thêm: "Khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế; do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng".
Tuyến đường sắt đô thị số 3 Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 13,5 km, được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1,435 m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2015, tuyến đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội phải cơ bản xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử để đến tháng 3/2016 dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. |