Có thể nói, trong khoảng 1 năm trở lại đây, hiện tượng đứt tuyến cáp quang biển quốc tế hay còn gọi là cáp quang AAG (Asia America Gateway) ở Việt Nam đã không còn là hiện tượng quá mới mẻ. Bởi với tần xuất đứt cáp như "cơm bữa" hiện nay, người dùng đã thôi phàn nàn về tình trạng đứt/nghẽn mạng mà chuyển sang cơ chế "sống chung với lũ".
Giải thích cho hiện tượng này, đã có rất nhiều lý do được đưa ra, người thì cho rằng đứt cáp là bởi chất lượng thi công có vấn đề, người thì lại quả quyết là bởi trái đất đang nóng dần lên dẫn tới hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường gây đứt cáp, hay thậm chí, theo nhiều người dùng vui tính thì thủ phạm gây ức chế chính là "cá mập"...
Trong khi các cơ quan chức năng cũng như đơn vị chủ quản tuyến cáp AAG đang phải đau đầu về tình trạng đứt cáp thường xuyên, thì mới đây, blogger Tim Hornyak của PCWorld đã lên tiếng bênh vực loài cá "không mấy thân thiện" cũng như bày tỏ quan điểm của mình.
Xin đừng hàm oan cho cá mập...
Như đã đề cập ở trên, phần lớn lưu lượng internet ra quốc tế tại khu vực Đông Nam Á đều phụ thuộc rất nhiều vào đường cáp quang AAG (Asia America Gateway) và sẽ thật tồi tệ nếu đường cáp này gặp phải sự cố không may. Thế nhưng, thực trạng là trong liền 1 năm, tại biển Đông đã xảy ra tới 4 lần đứt cáp liên tiếp. Câu hỏi đặt ra là với tần suất đứt cáp quang như vậy, chúng ta có nên tiếp tục đổ lỗi cho cá mập?
Nói về chất lượng của tuyến cáp AAG, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng tuyến cáp AAG là tuyến cáp cao cấp nhất đồng thời được bảo vệ tốt nhất từ trước tới nay bởi chỉ 1 sai sót nhỏ cũng có thể khiến 1 hoặc nhiều quốc gia rơi vào tình trạng mù thông tin hoặc bị "cô lập".
Tất nhiên, các nhà mạng cũng đều có những phương án dự phòng cho riêng mình, nhưng so với AAG thì dù đường mạng dự phòng có lớn tới đâu cũng không thể phục vụ đủ cho lưu lượng internet thường ngày.
Năm ngoái, khi vào thời điểm lần đầu tiên Việt Nam phải hứng chịu đợt đứt cáp "thảm họa", người ta đã đồn đoán rất nhiều vào 1 chú cá mập thích "cắn cáp". Ngay lập tức, 1 đoạn video trên YouTube, cho thấy một con cá mập cắn một cáp tàu ngầm đã được chia sẻ rất nhiều - nhằm chứng minh cho những giả định ở trên và khiến cộng đồng người dùng Việt phải "dậy sóng".
Thế nhưng, ít ai để ý rằng, video này đã được thực hiện vào thời điểm năm 2010 - cách đó 4 năm. Và sau sự cố cá mập cắn cáp được quay lại, Google đã trang bị ngay 1 lớp Kevlar - chất liệu thường trang bị trên áo chống đạn để bảo vệ khỏi sự tấn công của cá mập. Trong khi người ta luôn miệng nói về cá mập, thì ít ai tự đặt ra câu hỏi cho mình rằng, với 99% lưu lượng truy cập Internet vượt đại dương đang chảy qua dây cáp ngầm, thì liệu cá mập có phải là mối đe dọa?
Theo ngài Michael Costin - chủ tịch hiệp hội AAG Cable Consortium, phần lớn những thiệt hại liên quan tới cáp quan đều có thể được gây ra bởi việc neo tàu, câu cá:
"AAG chưa nhận được bất kì báo cáo nào về nguyên nhân của lỗi trên, nhưng chúng tôi tin chắc rằng nó không được gây ra bởi cá mập. Với kinh nghiệm trong quá khứ, AAG tin rằng những sự cố đứt cáp gần đây tại Đông Nam Á rất có thể là hậu quả từ việc neo tàu, câu cá - dựa theo những báo cáo trước đây trong cùng những trường hợp tương tự".
Vậy đâu là "nhân tố bí ẩn" thực sự?
Được biết, trong cả 4 lần đứt cáp, vị trí xảy ra sự cố thường cách 117 km so với vùng ngoài khơi Vũng Tàu - thuộc khu vực phía nam của đất nước. Cũng theo ngài Michael Costin, khi có thông tin về sự cố đứt cáp, Hiệp hội đã nhanh chóng làm việc với lực lượng bảo vệ bờ biển của Việt Nam để bảo vệ cáp AAG. Tuy nhiên, để tuyến cáp sớm có thể ổn định trở lại, nỗ lực chỉ từ phía Hiệp hội là không đủ.
Dẫn lời của Ủy ban Quốc tế Bảo vệ cáp biển (ICPC), ông Michael Costin đã chỉ ra rằng:
"Dù có được trang bị kĩ lưỡng tới đâu, bảo vệ bằng chất liệu gì, thì có tới 65-75% nguyên nhân của các vụ đứt, gãy cáp là do neo tàu và đánh bắt cá. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, từ năm 2008 - 2013, trường hợp đứt cáp do cá mập gây ra vẫn chưa được bất kì tổ chức nào ghi nhận. Còn trong khoảng 5 năm trước nữa, số trường hợp cá mập tấn công cáp là 11 vụ."
Theo ICPC, với những công nghệ hiện đại ngày nay, cáp biển được thiết kế cũng như bảo vệ khá chặt chẽ, do đó, những tác nhân như cá mập hay bất kì 1 loài vật biển nào là rất khó có thể xảy ra. Bởi lẽ, sợi quang được bao bọc bởi rất nhiều lớp vỏ bao gồm: một ống nhôm hoặc đồng ở bên ngoài, thêm 1 lớp thủy tinh hoặc vỏ nhựa ở phía trong.
Ngoài ra, với những đoạn cáp được đặt ở gần các ngư trường, các đơn vị quản lý sẽ còn lắp đặt thêm một lớp lá chắn bằng thép và chôn sâu dưới biển nhằm loại bỏ những va chạm không cần thiết.
Tiếp lời ông Shota Masuda, một đại diện cấp cao trong tập đoàn viễn thông quốc tế Submarine NetWork Division NEC:
"Cá mập cắn cáp ư? Với ngành công nghệ viễn thông hiện đại như ngày nay, đây quả thực là 1 trò đùa. Mặc dù gần đây, chính Google đã đưa ra 1 giả thuyết rằng cá mập cũng thích cáp quang, nhưng trên thực tế, điều này là phi lý."
Thêm nữa, theo tổ chức NEC, thông thường, ngoài những lớp vỏ chắc chắn, các tuyến cáp quốc tế sẽ được đặt ở độ sâu khoảng 8km dưới lòng đại dương. Do đó, việc cá mập tấn công tuyến cáp AAG tại Đông Nam Á, ở 1 độ sâu mà ít loài cá mập nào sẽ chạm tới là rất khó xảy ra.
Thuyết "cá mập yêu cáp biển" có thành sự thật?
Bên cạnh những phủ nhận thẳng thừng từ các tổ chức viễn thông uy tín trên thế giới, cũng xuất hiện những ý kiến cho rằng cá mập cũng thích cáp biển. Thật vậy, nghiên cứu mới đây của giáo sư Kazuhiro Nakaya - một nhà khoa học và là giảng viên danh dự tại Đại học biển Hokkaido cho hay:
"Những sự cố đứt cáp biển gần đây rất có thể gây ra bởi cá mập. Nghe có vẻ giống 1 trò đùa, bởi trên thực tế, cá mập không thể xuống tới độ sâu 8.000m nhưng ở độ sâu 5.000m là hoàn toàn có thể."
Theo ông này, cá mập bị thu hút bởi từ trường - được cảm nhận từ phần đầu và mõm của chúng. Điều này giải thích tại sao chú cá mập trong video Youtube từ năm 2010 lại bơi dọc xung quanh sợi cáp quang như vậy. Thêm nữa, dù hàm của cá mập tương đối yếu nhưng răng của chúng lại lớn và có hình răng cưa. Trong đó, mỗi cú cắn của cá mập như 1 mũi khoan sâu vào cơ thể của con mồi.
Thế nhưng, trong cùng 1 năm, xảy ra 4 lần, tại cùng 1 vùng biển, cá mập cắn đứt cáp là điều phi lý. Vậy nên, người dùng Việt hãy thôi đổ tội cho cá mập, thay vì đó, họ nên đặt ra câu hỏi với các nhà quản lý - người trực tiếp chịu trách nhiệm về tình trạng đứt cáp biển hiện nay.