Vài năm trở lại đây, Mai Châu không còn xa lạ với những người yêu du lịch. Chỉ cách Hà Nội chưa đầy 140km về phía Tây Bắc với quốc lộ 6 ngày càng được mở rộng và hiện đại hóa, Mai Châu đã trở thành một điểm đến thân thuộc với nhiều người, nhiều gia đình mỗi dịp cuối tuần.
Nhưng chưa bao giờ Mai Châu mất đi vẻ quyến rũ của mình.
1. Mai Châu có nhiều khách sạn ở trung tâm thị trấn, nhưng đa số khách đến đây, nhất là khách tây balô, dân phượt, dân du lịch bụi và những du khách ưa khám phá, thường thích ở "homestay" với dân bản hơn. Trong đó bản Lác và Poom Coọng là hai điểm đến thường xuyên của du khách.
Hai bản nằm không xa nhau, đi bộ chừng 10-15 phút là thông từ bản nọ sang bản kia, nhưng mỗi nơi vẫn có một không gian riêng để khách lựa chọn.
Bản Lác nổi tiếng và làm du lịch từ lâu, với nhiều nhà hàng, quán ăn, nhiều dịch vụ phục vụ khách nên ồn ào và đông đúc hơn, vì vậy là lựa chọn hàng đầu của những người ham vui, của sinh viên, của khách du lịch đi theo đoàn đông.
Còn bản Poom Coọng mới làm du lịch vài năm trở lại đây nên dịch vụ không nhiều, vì vậy yên tĩnh, thanh bình và phù hợp với những ai ưa sự tĩnh lặng.
Không ít người đến Mai Châu thường chọn nghỉ ngơi ở Poom Coọng, còn ăn chơi thì sang bản Lác. Như vậy là chẳng sợ bỏ sót điều gì.
2. Homestay ở Mai Châu, dù ở bản Lác hay Poom Coọng đều là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Bởi khác hoàn toàn với việc ở khách sạn hay nhà nghỉ với bêtông cốt thép và máy lạnh ro ro, ở đây bạn có thể đắm mình vào không gian kiến trúc và sinh hoạt đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái.
Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác ngỡ ngàng, thích thú của mình khi lần đầu bước chân vào ngôi nhà sàn được làm hoàn toàn bằng các vật liệu thiên nhiên ấy.
Nhà sàn của người Thái thường được làm cao ráo hơn so với nhà sàn của các dân tộc khác, sàn nhà thường cách mặt đất khoảng 2m, tạo cảm giác sạch sẽ và thoáng đãng. Nhà sàn thường có từ 3-5 gian rất rộng rãi, phục vụ cho mọi hoạt động sinh hoạt chung của gia đình.
Dưới gầm sàn là nơi để xe cộ, công cụ, dụng cụ lao động, là nơi người phụ nữ Thái ngồi dệt vải, chăn lợn nuôi gà, sinh hoạt lao động; còn trên nhà là nơi tiếp khách, nghỉ ngơi, ăn uống của mọi người.
Nhà sàn của người Thái được làm hoàn hoàn bằng gỗ, mái lợp lá tranh, còn sàn lát toàn bộ bằng thân tre dập nhỏ. Bởi vậy rất thoáng mát khi mùa hè tới và ấm cúng khi đông về.
Để tiện lợi, thời gian gần đây một số gia đình đã dùng mái ngói, mái tôn để thay thế. Nhưng mái tôn, mái ngói chẳng thể mát mẻ và cách nhiệt tốt được như mái tranh.
Ở nhà sàn, thích nhất là mỗi lần bước chân trên sàn nhà dát tre lại tạo ra những tiếng rột roạt rất vui tai theo nhịp bước đi. Cả cái cảm giác nằm trên đệm trải ở góc nhà, ngước mắt lên nhìn ngắm những bó gianh được bó chặt lại, xếp đều tăm tắp trên mái nhà trải qua năm tháng đã mang màu mưa nắng.
3. Sáng sớm homestay ở nhà sàn rất dễ bị tỉnh giấc bởi tiếng gà, tiếng vịt, tiếng gia súc náo động quanh nhà, cả tiếng người đi làm đồng sớm rì rầm trong bóng tối.
"Bị" tỉnh giấc sớm nhưng chẳng mấy ai thấy bực mình, mà chỉ thấy một cảm giác yên bình xâm chiếm lấy tâm trí. Bởi đã lâu lắm rồi mới lại được nghe những âm thanh gần gũi, thân thương gợi nhớ quê nhà…
Đợi trời sáng lên một chút, dậy mở cửa sổ - nhà sàn của người Thái bao giờ cũng rất nhiều cửa sổ, rồi đưa mắt trông ra, thấy làng bản, thấy cánh đồng, thấy núi non phía xa còn chìm trong sương sớm mà nghe lòng tĩnh lặng và nhẹ tênh kỳ lạ.
Câu chuyện về việc dựng nhà sàn, về quy tắc phải là số lẻ trong làm bậc thang, làm cửa sổ, những tục lệ xưa trong ngôi nhà của người Thái… còn kể hoài không hết. Chỉ biết rằng mỗi ngôi nhà sàn dựng lên đều là công sức, là sự giúp đỡ của mọi người trong bản.
Bởi vậy nhà sàn của người Thái không chỉ là nơi để ở, nó còn thể hiện tình cảm gắn bó cộng đồng của con người nơi đây.
4. Sống trong nhà người Thái, ăn cơm của người Thái, đừng quên xem người Thái dệt thổ cẩm. Vừa làm du lịch, vừa làm ruộng cấy lúa, trồng ngô, người Thái ở Mai Châu vẫn chăm chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ nhu cầu trong gia đình, đồng thời bán cho du khách để tăng thêm thu nhập.
Mỗi nhà ở đây hầu như đều có một khung cửi. Chiều chiều sáng sáng, những lúc nông nhàn, lại gặp các chị, các mẹ, các bà ngồi bên khung cửi dệt khăn, dệt váy, tiếng khung cửi đều đều vui tai.
Vào mua, hỏi chuyện mới biết một chiếc khăn quàng cổ nhỏ được dệt trong vòng ba ngày, ấy vậy mà giá chỉ chừng 30.000-40.000 đồng. Vậy mới thấy hết sự nhọc nhằn, tần tảo của những người con gái Thái.
Hôm tôi tới Mai Châu còn được nghe chuyện về một nữ du khách Mỹ trẻ tuổi đến Mai Châu để tìm thuê khung cửi chở về Hà Nội, rồi mời luôn chủ nhân khung cửi - là một nghệ nhân dệt thổ cẩm Mai Châu - về Hà Nội dạy nghề trong một tháng.
Câu chuyện làm tôi thật sự thích thú và ngỡ ngàng bởi sự đam mê của du khách Mỹ nọ đối với một nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà chúng ta cần phải chung tay giữ gìn…
5. Homestay ở bản Lác và Poom Coọng cũng đừng quên thuê một chiếc xe đạp để dạo chơi và ngắm cảnh. Hầu như nhà nào làm du lịch ở đây cũng có vài ba chiếc xe đạp để phục vụ du khách.
Giá thuê rất rẻ, vài ba chục một ngày, rồi khách cứ lấy đi thoải mái, từ sáng sớm tới tối mịt mới về mà cũng chẳng tính tiền thêm.
Với trẻ em và phụ nữ sức yếu thì đạp loanh quanh bản Lác và Poom Coọng là đã đủ mệt rồi. Những người dai sức hơn và ưa khám phá có thể đạp xe tới Nà Phòn, Mai Hạ… để thăm các cơ sở dệt thổ cẩm, hay thăm các cơ sở sản xuất rượu Mai Hạ - thứ rượu rất nổi tiếng ở Mai Châu, rồi mua một ít về làm quà.
Còn gì thích thú hơn một buổi sáng mùa xuân, mùa hạ hay mùa thu mát mẻ, đạp xe trong không khí trong trẻo ở vùng sơn cước này. Từng thớ cơ cứ giãn ra theo nhịp quay của bánh xe, và từng giác quan cũng như căng ra để cảm nhận thiên nhiên tươi đẹp bao trùm xung quanh.
6. Những cánh đồng quanh các bản làng ở Mai Châu cũng là một nét đẹp không thể không kể tới trong các chuyến đi của du khách. Lúa ở Mai Châu được trồng một năm hai vụ.
Nếu đến đây vào tầm cuối tháng 4, đầu tháng 5, hoặc cuối tháng 10, tháng 11, du khách sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa vàng ruộm thẳng cánh cò bay. Thấp thoáng đâu đó là những nếp nhà sàn thơm mùi khói chiều rơm mới.
Khung cảnh bình yên ấy sẽ khiến cho du khách không thể không nao lòng.
Đến Mai Châu vào mùa lúa xanh đương thì con gái cũng có một nét đẹp riêng, khi đó du khách sẽ được nhìn ngắm những cánh đồng xanh mướt bất tận. Đâu đó điểm xuyết một vài cánh cò trắng bay vút lên bầu trời. Cảnh sắc thanh bình và đẹp như một câu thơ.
Một thời điểm ngắn ngủi trước các vụ cấy ở Mai Châu cũng được nhiều du khách và dân nhiếp ảnh “săn tìm”. Ấy là mùa nước đổ. Khi ấy các cánh đồng đều được tháo nước về để đổ ải. Những ruộng lúa biến thành những mặt gương loang loáng phản chiếu ánh chiều lấp lánh đẹp vô kể.
Nếu đứng ở đèo Thung Khe nhìn xuống toàn cảnh thung lũng Mai Châu đang mùa đổ ải, khách chỉ còn biết lặng im mà ghi nhớ toàn bộ khung cảnh bao la, hùng vĩ và tươi đẹp ấy vào tâm trí mình.
Mai Châu là một điểm đến không bao giờ nhàm chán, bởi dù đến vào mùa nào, thời điểm nào trong năm Mai Châu cũng luôn có những bất ngờ để du khách khám phá.
Ngoài nhà sàn và những trải nghiệm homestay tuyệt vời, dệt thổ cẩm, những chuyến đạp xe dã ngoại, những cánh đồng lúa mênh mông, Mai Châu còn có cơm lam thịt nướng, rượu cần, có điệu múa xòe mang hơi thở núi rừng của các cô gái Thái…
Hãy đến Mai Châu để tự mình trải nghiệm khám phá theo cách của riêng mình.
Thông tin cho bạn:
Từ Hà Nội bạn có thể đón xe khách đi Mai Châu tại bến xe Mỹ Đình. Xe khách Mỹ Đình - Mai Châu thường chạy vào khoảng 8g-9g sáng, và khoảng 11g-12g trưa là tới bến xe Mai Châu.
Từ bến xe Mai Châu đi bộ chừng 1-2km là tới bản Poom Coọng, bản Lác. Nếu đi theo đoàn đông bạn có thể gọi xe điện từ bản ra đón khách.
Hiện Mai Châu đã có hệ thống xe điện đưa đón khách rất thuận tiện.