El Nino trở lại
Mới đây, Trung tâm dự báo khí hậu thuộc Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận, El Nino đã chính thức quay lại và nhiều khả năng sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm nay.
El Nino là một hiện tượng khí hậu được đánh dấu bằng tình trạng nhiệt độ mặt nước biển ấm hơn mức trung bình ở khu vực trung tâm và phía đông Thái Bình Dương gần xích đạo.
Sau ba năm liên tiếp tồn tại La Nina - hình thái khí hậu thường khiến nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, thì El Nino đã xuất hiện trở lại, khi nhiệt độ mặt nước biển trung bình khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương trong tuần đầu tháng 5/2023 đã tăng và hiện tại đang cao hơn mức TBNN là 0,4 độ.
Các nhà khoa học dự báo El Nino có thể sẽ kéo dài cho đến mùa xuân và mạnh dần trong năm sau và biến năm 2024 thành năm nóng nhất trong lịch sử. Sau đó tác động của El Nino sẽ giảm dần.
Với tần suất xảy ra trung bình 2 - 7 năm một lần, hiệu ứng nóng lên của El Nino xảy ra lần cuối từ năm 2018 đến năm 2019 và sau đó là giai đoạn làm mát, được gọi là La Nina từ năm 2020 cho đến khi quay trở lại vào năm nay. Trong thời kỳ El Nino cũng có thể dẫn đến những kỷ lục mới về nhiệt độ ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng của hiện tượng thời tiết này.
Điển hình nhất là năm 2016 được coi là năm nóng nhất trên toàn cầu từng được ghi nhận. Các nhà khoa học ước tính, El Nino ở Thái Bình Dương “đóng góp” vào mức nhiệt nóng lên của toàn cầu trong năm 2016 khoảng 0,12 độ C.
Tuy nhiên, do hiện tượng thời tiết thường ảnh hưởng đến nhiệt độ khu vực, nên không phải mọi khu vực trên trái đất đều nóng lên giống nhau. Nhưng hầu hết những năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong thời kỳ El Nino.
Việc xuất hiện El Nino (nắng nóng và khô hạn) sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế xã hội đặc biệt là sản xuất nông nghiệp toàn cầu.
Những tác động của El Nino đến thời tiết Việt Nam
Như đã nói, trong điều kiện xuất hiện El Nino, sự thay đổi dễ dàng nhận thấy nhất chính là nhiệt độ. Trước đó, trong tháng 4-5/2023, cả nước đã đón nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nhiều mức nhiệt vượt giá trị lịch sử được ghi nhận.
Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn. Trong đó, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn phía Bắc.
Cũng trong điều kiện có ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh có thể gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi.
Đặc biệt, như đã nói ở trên, El Nino có thể kéo dài đến mùa xuân chính vì vậy số đợt không khí lạnh trong năm 2023 - 2024 dự báo sẽ ảnh hưởng đến nước ta ít hơn bình thường. Thời gian kết thúc hoạt động của không khí lạnh ở Việt Nam sớm hơn bình thường.
Ngoài ra, El Nino cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bão/ATNĐ, có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Theo thống kê trung bình mỗi năm có 5-7 xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến nước ta, trung bình mỗi tháng có 0,58 cơn.
Trong những năm El Nino trung bình mỗi tháng có 0,42 cơn, ít hơn TBNN khoảng 28% và thường tập trung vào giữa mùa bão (tháng 7, 8, 9).
Nắng nóng, ít mưa, El Nino còn gây ra tình trạng thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ). Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng trong thời gian diễn ra hiện tượng này.
Đặc biệt những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.
Ví dụ dễ hình dung nhất về tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015/2016 và 2019/2020.
Tuy nhiên, một số đợt El Nino diễn ra cũng có thể gây ra nhiều biến động cho thời tiết như lượng mưa, bão/ATNĐ, điển hình như:
Năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7.
Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực, cụ thể: lũ lớn trên báo động (BĐ) 3 vào tháng 7 đầu tháng 8 trên sông Hồng ở Thái Bình. Hay đợt lũ lớn Trung Bộ vào cuối tháng 9 trong đó có xuất hiện lũ lịch sử trên thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh). Nam Bộ cũng đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hay là năm 2009, xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9.
Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.