Em bé Lê Nhật Minh (tên ở nhà là Tôm, gần 2 tuổi, sống tại Hà Nội) hiện đang sở hữu cho mình loạt video triệu view trên Tiktok nhờ biệt tài ăn uống cực đỉnh. Cậu bé nhỏ nhắn có thể ăn hết các món mẹ chuẩn bị trong vòng một thời gian ngắn. Trong lúc ăn, Tôm lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ, tập trung ăn hết suất và cực kỳ tận hưởng khoảnh khắc được nếm đồ ăn ngon của mình.
Đó cũng là lý do khiến hội mẹ bỉm nhìn thôi đã mê, có thể ngồi cả tiếng chỉ để theo dõi em bé Tôm mukbang. Các món ăn của Tôm khá đa dạng, nhiều màu sắc. Không như nhiều em bé khác thì Tôm rất mê ăn rau, cậu bé luôn bắt đầu bữa ăn với món rau trước.
Em bé ăn ngoan. Nguồn: Tiktok Con là Tôm đây
Em bé sở hữu loạt video triệu view. Nguồn: Tiktok Con là Tôm đây
Bí quyết cho con ăn ngoan. Nguồn: Tiktok Con là Tôm đây
Chia sẻ về phương pháp giúp con ăn ngon, chị Lan Phương, mẹ của Tôm tâm sự thực ra khi bắt đầu ăn dặm, con trai không ăn giỏi như thế, thậm chí cậu bé còn ăn khá ít. Tuy nhiên, thay vì lo lắng thì bà mẹ trẻ tích cực cho con làm quen với các nguồn thức ăn khác nhau. Chị Phương kết hợp phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và BLW với mục đích giúp con khám phá và làm chủ bữa ăn của mình.
Tất nhiên, Tôm cũng có giai đoạn lười ăn như nhiều em bé khác. "Dù con có ăn tốt, ăn giỏi cỡ nào cũng không tránh được các giai đoạn con bỏ ăn, chán ăn, lúc này mình sẽ không ép con ăn và luôn tôn trọng nhu cầu của con. Nếu con bỏ ăn vì mải chơi, đòi xem ti vi, điện thoại thì mình sẵn sàng để con nhịn đói 1-2 bữa để con biết trân trọng bữa ăn của mình. Nhưng nếu con bỏ ăn vì các bệnh lý như ốm, đau lợi, mọc răng, giai đoạn khủng hoảng thì mình sẽ ưu tiên những món con thích như hoa quả, sữa chua để con nạp đủ năng lượng trong ngày hôm đó", chị Phương chia sẻ.
Em bé Tôm đáng yêu.
5 nguyên tắc giúp Tôm trở thành em bé mukbang cả thế giới
1. Ngồi ghế khi ăn
Việc này sẽ giúp con ăn tập trung, giảm thiểu tình trạng hóc nghẹn hoặc sặc thức ăn, để con hiểu rằng muốn ăn thì phải ngồi nghiêm túc.
2. Để con ăn chủ động
Nghĩa là khi ăn không xem ti vi, điện thoại, bế con hay dụ đồ chơi... Khi ăn chủ động, cơ thể của con sẽ nhận biết được đói, no một cách rõ ràng. Con sẽ thực sự ăn khi con đói và dừng bữa khi con no.
Gia đình nhỏ của em bé Tôm.
3. Thời gian ăn không quá 30 phút
Ăn quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến men răng của con do việc nhai lâu và ngậm thức ăn quá nhiều trong miệng. Ngoài ra nó sẽ ảnh hưởng tới bữa ăn khác khiến thời gian ăn quá sát nhau. Như vậy con sẽ không còn nhu cầu và hứng thú khi đến bữa ăn nữa.
4. Không ăn vặt và ăn quá nhiều đồ ngọt
Mẹ nên xây dựng lịch ăn khoa học, giờ nào ăn bữa chính, giờ nào ăn bữa phụ, giờ nào uống sữa... Như vậy con sẽ không rơi vào trạng thái ăn vặt thì các bữa ăn của con sẽ hiệu quả hơn.
5. Kỷ luật bàn ăn
Khi con tỏ rõ thái độ từ chối như dừng bữa, ném, ngậm, nhè thức ăn thì mẹ nên dừng bữa và chờ tới cữ sau. Con sẽ phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Nếu như con kén ăn, chỉ ăn cơm và rau không ăn thịt mẹ cũng cần kỷ luật. Dừng bữa để con ăn đa dạng thực phẩm và không kén chọn.