Sau khi sinh, chắc hẳn nhiều bà mẹ sẽ thắc mắc các y bác sĩ sẽ xử lý như thế nào với nhau thai và dây rốn. Trên thực tế từ trước đến nay, việc kẹp và cắt dây rốn trẻ sơ sinh thường được các bác sĩ và nữ hộ sinh thực hiện ngay sau khi em bé vừa chào đời. Đây được xem như là một “nghi thức” kết thúc quá trình chuyển dạ và sinh con của sản phụ. Tuy nhiên, với nhiều bằng chứng và các kết quả nghiên cứu khoa học về việc chậm cắt dây rốn cho trẻ sơ sinh thì quan niệm này đang dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Việc trì hoãn cắt dây rốn mang lại những lợi ích cho trẻ sơ sinh đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh (Ảnh minh họa)
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Royal Women và Đại học Monash (Australia) đang bắt tay vào thực hiện một nghiên cứu ngẫu nhiên trong vòng 2 năm với 1.000 trẻ sơ sinh để tìm ra thêm những lợi ích sức khỏe khi trẻ được trì hoãn tới 5 phút mới cắt dây rốn sau khi sinh. Theo đó, các bác sĩ sẽ dựa vào dấu hiệu quan trọng của bé như là nhịp tim, lượng khí carbon dioxide để quyết định khi nào thì có thể cắt dây rốn cho bé thay vì đưa ra một khoảng thời gian nhất định nào đó. Tiến sĩ, bác sĩ Shiraz Badurdeen, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chính các bé sẽ cho chúng tôi biết khi nào mới là thời điểm cần cắt bỏ dây rốn. Đây thực sự là một bước tiến lớn trong lĩnh vực này”.
Bé Darcy đã không thở khi chào đời nhưng em bé vẫn ổn nhờ được trì hoãn cắt dây rốn.
Một video ghi lại ca sinh mổ của chị Lauren Tucker, một nữ y tá bệnh viện. Chị đã thực hiện sinh mổ thành công một bé trai tại bệnh viện Royal Women (Úc) và đặt tên con là Darcy Tucker. Điều đáng nói là sau khi lọt lòng, bé Darcy vẫn không thở, nhưng các bác sĩ không hề lo lắng hay vội vàng đưa bé đi hồi sức mà bé được đặt nằm trên bụng mẹ và không cắt dây rốn ngay. Các bác sĩ nhẹ nhàng làm vệ sinh cho bé và liên tục theo dõi nhịp tim bằng một chiếc máy siêu âm đầu dò loại nhỏ. Phản ứng của cậu bé là liên tục nhăn mặt và nắm các ngón tay bé xíu của mình lại. Nếu như những ca sinh khác thì có lẽ cậu bé Darcy đã nhanh chóng được kẹp và cắt dây rốn, sau đó các nữ hộ sinh sẽ đưa bé ra một khu vực khác để bắt đầu hồi sức. Nhưng với ca sinh mổ này, các bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu đang thử nghiệm một giả thuyết rằng trẻ sơ sinh sẽ có sức khỏe ổn định hơn nếu bé không thở ngay sau khi lọt lòng mẹ và được trì hoãn kẹp, cắt dây rốn và tách nhau thai bởi bé vẫn giữ nguồn cung cấp máu và oxy tự nhiên từ dây rốn.
Bé Darcy được trì hoãn cắt dây rốn sau khi sinh, nay đã tròn 15 tháng tuổi.
Sau đúng 1 phút 40 giây, bé Darcy mới hít hơi thở đầu tiên của mình và tiếp theo là cất tiếng khóc thật to vang cả phòng sinh. Trong suốt gần 2 phút không thở đó, các chỉ số nhịp tim và mức oxy của bé đều khá ổn định. Tiến sĩ Badurdeen giải thích: “Do em bé vẫn còn dây rốn và nối với nhau thai sau khi chào đời, nên cho dù không thở ngay nhưng bé vẫn được cung cấp oxy và máu, góp phần tạo nên sự sống ổn định cho bé trong vài phút đầu tiên sau khi chào đời”.
Một em bé đang được da tiếp da với mẹ và chậm cắt dây rốn sau khi sinh (Ảnh minh họa).
Bằng chứng về những lợi ích của việc kẹp chậm và trì hoãn cắt dây rốn đã tăng lên trong những năm gần đây. Cụ thể như sau:
- Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney đã phát hiện ra rằng chỉ cần trì hoãn cắt dây rốn ít nhất 1 phút cũng có thể giúp cứu sống thêm 100 trẻ sơ sinh trên 1000 ca trẻ sinh non.
- Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo rằng chậm kẹp dây rốn ít nhất 1 phút sau khi sinh có thể làm tăng hàm lượng chất sắt trong cơ thể bé do máu vẫn truyền qua dây rốn. Chính vì thế giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh trong giai đoạn 6 tháng đầu tiên.
- Tiến sĩ Doug Blank, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết việc trì hoãn cắt dây rốn có thể giúp thay đổi đáng kể cách thức trẻ được sinh ra theo hướng có lợi hơn trên khắp thế giới, giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở các nước nghèo.
Tăng tỉ lệ sống của trẻ sinh non nhờ trì hoãn cắt dây rốn là một phát hiện của các nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney (Ảnh minh họa).
Ngoài những lợi ích cho bé thì mẹ bé, chị Tucker, chia sẻ cảm giác yên tâm và phần nào giảm bớt sự căng thẳng khi con trai vẫn được tiếp tục nhận oxy và máu theo cách tự nhiên như khi bé còn trong bụng mẹ thay vì ngay lập tức bị cắt đứt mối liên hệ đó. Như vậy, ngoài những lợi ích đã được khoa học chứng minh thì kĩ thuật này cũng có thể mang lại thêm những tác động tích cực khác mà các nhà nghiên chưa xem xét đến và sẽ được tiếp tục nghiên cứu thêm trong tương lai.
Nguồn: Theage, SMH