Với những đứa trẻ, tiêu chí để đánh giá chúng có thông minh hay không có lẽ là ở sự phát triển nhanh hơn các bạn cùng tuổi. Chẳng hạn, một đứa trẻ 3 tuổi được coi là thông minh khi có thể đọc thuộc lòng thơ, biết chữ, đếm được chẳng hạn, trong khi những đứa trẻ khác cùng tuổi đôi khi chỉ biết khóc nhè và bú mẹ.
Nhiều phụ huynh sẽ hay nhìn để so sánh con mình và con nhà người ta và không khỏi chạnh lòng, mơ ước. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ có thành tích nổi trội nào cũng là điều tốt.
Mới đây, câu chuyện một em bé Trung Quốc chưa đầy 3 tuổi đã đọc thuộc lòng hàng chục bài thơ Đường nhưng bị trả về sau khi học trường mầm non thu hút nhiều sự chú ý. Nguyên nhân bởi cậu bé không thể có kỹ năng tự lo cho bản thân dù những thứ đơn giản nhất.
Bé không chịu ăn nếu không được đút, không ngủ nếu không được dỗ, không nghe được hướng dẫn của giáo viên, không tương tác được với các bạn khác. Đặc biệt, hầu như ngày nào bé cũng "đi nặng" ra quần dù đã được bày cách vào nhà vệ sinh.
Sau khi trao đổi với cô giáo, hiệu trưởng trường mầm non quyết định để phụ huynh đưa trẻ về nhà, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và những bạn học khác. Các phụ huynh khác lúc đó cũng hết sức ngạc nhiên, tại sao huyền thoại "con nhà người ta" lại ra nông nỗi này? Bà của đứa trẻ từ lúc ấy cũng không còn khoe khoang về cháu mình trước mặt người ngoài nữa.
Thì ra vì quá coi trọng sự phát triển trí tuệ nên ngoài việc thai giáo và giáo dục sớm đều đặn, người mẹ sẽ xây dựng cho con một kế hoạch học tập nghiêm túc khi những đứa trẻ khác đang vui đùa trên bãi cỏ.
Để đứa trẻ tập trung vào việc học, mẹ và bà ngoại thường làm thay con những việc như bón cơm, thay quần áo cho con và không cho con tiếp xúc với ai vì sợ "học thói xấu"... Kết quả, mặc dù trở thành "thần đồng nhí" trong mắt người khác nhưng em bé lại không nhận được niềm vui thời thơ ấu, không có những kỹ năng sống cơ bản nhất và thất bại trong việc kết bạn, giao tiếp.
Muốn con thành phượng thành rồng không có gì sai, nhưng...
Hiệu trưởng trường mẫu giáo sau đó đã chia sẻ: "Chúng tôi hiểu cảm giác của các bậc cha mẹ mong con trở thành phượng thành rồng, nhưng đối với trẻ ở độ tuổi này, việc vui chơi và được hướng dẫn các kỹ năng tự lập là rất quan trọng, từ đó trẻ mới dễ tiếp thu kiến thức và có trách nhiệm với chính mình.
Bố mẹ có thể dạy con đọc, nhưng cũng phải dạy cho trẻ một số kỹ năng sống cơ bản. Chẳng hạn như giao tiếp xã hội, ngôn ngữ, tự chăm sóc bản thân và các kỹ năng khác. Nếu không có những khả năng này thì dù là thiên tài cũng mãi mãi không thể thoát khỏi phạm vi gia đình".
Trẻ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng để chuẩn bị tốt nhất việc học và cho cuộc sống hòa nhập sau này. Trẻ cần nhận biết thế giới xung quanh, biết các mối quan hệ xã hội bên ngoài gia đình, biết mơ ước về tương lai, biết các kỹ năng tự bảo vệ - giữ cho mình được an toàn, biết sơ lược về chữ cái, về số học, toán học… hay đơn giản trẻ cần biết tự phục vụ bản thân.
Cha mẹ nên chơi cùng con, mua đồ chơi phù hợp cho trẻ, tạo không gian vui chơi cho con cùng bạn bè như đưa con đi chơi tại công viên, khu vui chơi dành cho trẻ… Thông qua các hoạt động vui chơi đa dạng phong phú, trẻ sẽ học được nhiều điều hay: Gần gũi cha mẹ, hợp tác với bạn bè, luyện khéo léo cơ thể (nhất là đôi bàn tay), khỏe mạnh, vui vẻ…
Ngoài ra, cha mẹ rất cần dạy con tính tự giác, hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng thời hạn, tự thay đồ, tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, tự sắp xếp quần áo, sách vở… Chỉ cần cha mẹ thực sự muốn những điều tốt đẹp cho con sẽ có cách sáng tạo riêng để “dạy” con học mà không ảnh hưởng đến việc phát triển kỹ năng của trẻ.