Đây cũng là một kỹ thuật hoàn toàn mới và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên của cả nước thực hiện thành công kỹ thuật này.

Sản phụ bị hội chứng truyền máu song thai hiếm gặp và nguy hiểm

Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sau hơn 9 tuần theo dõi các bác sĩ đã mổ lấy con thành công cho sản phụ Lộc Thị Hường (22 tuổi, Hà Tĩnh) bị hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau hiếm gặp và nguy hiểm.

Sản phụ Lộc Thị Hường được phát hiện bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi song thai được 23 tuần. Đây là lần sinh thứ 2 của sản phụ. Trước đó, năm 2015, sản phụ sinh bé gái đầu tiên hoàn toàn khỏe mạnh.

BS CK1 Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hội chứng song thai không tim là một tình trạng biến chứng hiếm gặp ở song thai chung một bánh rau và rất nguy hiểm. Trong hai thai đó, có 1 thai bình thường và 1 thai không tim, bị dị tật.

Em bé đầu tiên được can thiệp chữa bệnh trong bào thai ra đời thành công trong niềm vui gia đình - Ảnh 1.

Em bé trong ca sinh đôi chào đời nặng 1,2kg.

Trường hợp này, các bác sĩ thường chẩn đoán thai dị tật là thai lưu nên sẽ không phát triển nữa và teo dần, không ảnh hưởng tới thai bình thường. Tuy nhiên, trường hợp sản phụ Lộc lại ngược lại, thai bị dị tật ngày càng lớn lên, phù nề thậm chí lớn gấp 2 lần thai bình thường do dinh dưỡng và máu từ thai bình thường truyền sang, trong khi thai bình thường lại thiếu dinh dưỡng và máu trầm trọng. Nếu thiếu máu nhiều, thai bình thường sẽ bị tổn thương não, dị dạng các chi, kém phát triển.

Sau khi thăm khám, hội chẩn và tư vấn cho sản phụ và gia đình, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chữa bệnh cho thai nhi ngay trong bụng mẹ. Đến ngày 14/12, sau hơn 9 tuần được theo dõi và chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai nhi được 33 tuần, sản phụ có dấu hiệu vỡ ối, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy con.

Trong quá trình mổ lấy con cho sản phụ, khối thai không tim bị phù, tròn, rất khó lấy, có nguy cơ cao sản phụ vỡ tử cung. Dây rốn của thai nhi lại to, phồng, gắp bị trơn trượt, khó khăn vô cùng, tất cả ê kíp khi đó phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện. Cuối cùng, sản phụ sinh con trai nặng 1,2kg. Hiện tại, sức khỏe của trẻ tiến triển tốt, trẻ đã được bỏ máy thở, tự bú. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa bé sẽ được ra viện.

Điều trị dị tật từ trong bào thai giúp trẻ phát triển toàn diện

Theo BS CK1 Nguyễn Thị Sim trước đây, với những trường hợp như này, bào thai phụ thuộc rất nhiều vào may rủi, khi sinh ra, nhiều trẻ bị dị tật hoặc thai chết lưu. Để cứu chữa cho trẻ, bắt buộc phải đợi sinh xong mới có thể can thiệp, nhiều trẻ không thể cứu chữa vì quá muộn.

Em bé đầu tiên được can thiệp chữa bệnh trong bào thai ra đời thành công trong niềm vui gia đình - Ảnh 3.

Sản phụ Lộc Thị Hường sau ca mổ.

Vì vậy, các sản phụ khi được chẩn đoán mang song thai dù chưa cần biết có chung bánh rau hay không cũng đã có nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, vỡ ối, sinh non... gấp 5 lần so với sản phụ bình thường. Đối với sản phụ mang song thai chung 1 bánh rau thì càng nguy hiểm hơn, vì vậy sản phụ càng đi khám thường xuyên tại các chuyên khoa.

Nếu có dấu hiệu ban đầu như bụng to lên nhanh, khó thở nhiều... thì nên nghĩ đến hội chứng song thai 1 bánh rau. Song thai 1 hay 2 bánh rau đều có thể phát hiện khi thai 12 tuần, nhưng nếu để thai lớn hơn thì rất khó nhìn qua siêu âm, cần phải sử dụng thiết bị có độ phân giải cao thì mới phát hiện được.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, để thực hiện được kỹ thuật này, bệnh viện đã phải chuẩn bị rất kỹ, từ đầu tư máy móc, phòng mổ, phòng vô trùng hiện đại nhất đến việc cử bác sĩ đi học, tiếp cận những kiến thức mới, nhằm cứu sống những thai nhi không may mắc dị tật hoặc bất thường khi còn trong bụng mẹ, vì nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật hoặc tử vong.