Một người đàn ông vô tình cứu sống một em bé rơi từ tầng 13 chung cư. Câu chuyện thần kỳ ấy, không phải đến từ một siêu nhân, cũng không phải từ phim ảnh, mà xảy ra chiều qua, ngay ở Hà Nội. Người ta gọi Nguyễn Ngọc Mạnh là anh hùng, là “siêu nhân đời thực”, nhưng với bố của anh, Mạnh chỉ đơn giản là cậu con trai được chỉnh lại “đường ray” để trở về là một-người-bình-thường-tử-tế.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 1.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 2.

5 giờ sáng, thấy hàng chục phóng viên “xếp lớp” đứng chờ trước cổng nhà, mang theo máy quay, máy ảnh, ngó nghiêng vào cổng dưới cơn mưa mù trời, ông nội Mạnh - ông cụ quắc thước, tuổi 85 nhưng vẫn mẫn tiệp, tinh anh - có vẻ đề phòng. Biết chính xác mọi người đang chờ cháu mình ngủ dậy, ông buột miệng: “Thằng Mạnh nhà tôi gây ra chuyện gì à?” khiến mọi người bật cười.

Từ chiều 28/2, Nguyễn Ngọc Mạnh là cái tên quen thuộc với hàng triệu người, vì câu chuyện “siêu nhân đời thực”, cứu một em bé 3 tuổi thoát chết bằng chính đôi tay của mình. Nhưng cho đến tận sáng hôm sau, ông bà Mạnh, hàng xóm quanh nhà vẫn có những người chưa hay tin, vì Mạnh không hé lời kể với ai ngoài bố mẹ, vợ con.

Hóa ra, “siêu nhân” được Thủ tướng gửi thư khen, được thành phố tặng thưởng, dù đã lập gia đình, làm bố trẻ con, trong mắt gia đình vẫn là một “chú bé” có thể gây lỗi. Ông bà nội Mạnh đã thở phào nhẹ nhõm khi biết cháu mình vừa làm được một việc phúc đức, rồi cười ngượng phân trần: “Thằng này từ bé đã thích leo trèo rồi. Sức khỏe không bằng người ta, nhưng hay bày trò nghịch ngợm.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 3.

Hồi 7 tháng tuổi, mới chập chững biết vịn đã ngã lộn từ trên cao xuống phải khâu, giờ vẫn còn sẹo trên đầu. Hồi 6 tuổi, nó trèo lên cây ổi của ông, cũng cẩn thận buộc ngang người bằng cái dây cao su, nhưng lúc nhảy xuống thì dây ngắn, thít bụng, còn nó lơ lửng trên không. Xong nó khóc ầm lên: ‘Bà nội ơi, cứu con, con chết mất!’, cả nhà vừa tức vừa buồn cười”.

Nhưng đó không phải những “vết ố” duy nhất trên tấm áo người hùng. Bà Nguyễn Thị Nhẫn, mẹ của Mạnh tiết lộ, “thằng bé ốm yếu” của mình từng có những giai đoạn ẩm ương, khiến vợ chồng bà đau đầu. Hồi Mạnh và em trai 13, 14 tuổi, bố hay đi công tác xa, hai anh em trứng gà trứng vịt bước vào tuổi ương bướng, bà không thể xoay nổi một mình. Ông Dũng phải nghỉ việc cơ quan để tìm việc khác gần nhà, dù đang thăng tiến tốt. Tất cả là “để các con không hỏng”.

Đến năm Mạnh học lớp 11, như anh “tự thú”, học hành chểnh mảng, phạm lỗi nghiêm trọng, bố Mạnh đã đánh một trận thật đau, rồi cho Mạnh nghỉ học. Ông giao hẹn với con trai, cho đi làm 1 năm để biết kiếm được đồng tiền vất vả thế nào. Nếu sau đó tu tỉnh, Mạnh sẽ được đi học trở lại, còn không thì đến 18 tuổi, bố sẽ cho “ra riêng”.

Suốt 1 năm đó, Mạnh đi theo bố đi dọn dẹp, hoàn thiện những công đoạn đơn giản, vệ sinh các công trình xây dựng trước khi bàn giao. Tay chai dần đi, sẹo chồng lên sẹo, chứng kiến mồ hôi bố đổ để có thù lao, đó là khi Mạnh hiểu dần những lời dạy của bố. Hết 1 năm thử thách, Mạnh xin bố cho quay lại trường, tính cách đằm dần.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 4.

Rồi Mạnh thích đi xuất khẩu lao động, mẹ thì lo, bố lại đồng ý, “để cho nó biết đó biết đây”. Sau 3 năm đó, Mạnh tĩnh lặng thêm chút nữa. Nhưng tuổi trẻ bốc đồng vẫn thích thể hiện, Mạnh nhuộm tóc “đầu xanh đầu đỏ”, trông rõ ngổ ngáo. Bố lặng thinh không thèm nói gì, chỉ gườm gườm nhìn con trai. Bà Nhẫn hiểu ý, “lạy sống lạy chết van con nhuộm tóc đen lại cho đứng đắn”.

Lập gia đình, rồi trở thành bố của hai bé gái nhỏ, Mạnh lại càng thấm thía những “khắt khe” của bố mình. Cứ thế, cậu con trai được bố âm thầm “nắn” dần và tự trau rèn mình thành một người đàn ông trưởng thành. Người-hùng của-chúng-ta đã từ một “con ngựa hoang” trở thành “ngựa thồ hàng” đầy kiên nhẫn như thế.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 5.

Vào buổi chiều “định mệnh” của Mạnh và em bé xa lạ ấy, Mạnh cũng không kịp toan tính gì khi chỉ mấy mươi giây mở cửa xe, bật tường rồi nhảy lên mái tôn để trở thành “siêu nhân đời thực”. Chỉ đơn giản, bản năng bảo vệ của một người cha thúc đẩy anh hành động.

Đến tối, về đến nhà mình, Mạnh nhào vào ôm hôn con. Đôi bàn tay vừa dang ra cứu em bé ở tầng 12A, đôi bàn tay ôm vô lăng xe tải chở hàng ôm ghì lấy hai đứa nhỏ. Đôi chân đi mỏi nẻo đường mưu sinh “để vợ con không đói” khụy ngã trước thềm nhà. Đôi dòng nước mắt giàn giụa.

Mạnh thuật lại chuyện trong sự kinh ngạc của mẹ. Trái tim người mẹ luôn tin rằng con mình lương thiện, dù có từng nghịch ngợm, trái tính trái nết thế nào run rẩy. Bà bảo, không phải “mẹ hát con khen hay”, chứ từ lúc trưởng thành, bà để ý thấy Mạnh là người có lòng trắc ẩn, quý trẻ con và hiếu thảo với ông bà. Những lỗi lầm cũ của một thời “ngựa hoang”, mẹ bao dung, tha thứ cả. 

Xúc động vì việc tốt của con một, bà Nhẫn thở phào khi thấy con bình yên trở về những hai. Nghe con kể, được hàng xóm cho xem lại clip quay cảnh con cứu người, bà khóc rưng rức, cả đêm không ngủ được vì lo “nhỡ nó sa sẩy gì, hai đứa con bé bỏng thế này thì biết làm sao”.

Ông Dũng, theo lời Mạnh kể, không có phản ứng gì mạnh. Ông (tỏ ra) bình thản khi nghe con thuật lại sự việc. Từ mờ sáng hôm sau, ông đã đi làm, tránh mặt hàng xóm sang chúc mừng, thăm hỏi, vì “người cần cứu đã cứu, người nhà mình yên ổn rồi, có gì cần nói đâu”. Ông cũng tuyệt nhiên không khen con, không ôm chầm lấy con mà khóc như vợ mình, chỉ nhẹ nhàng bảo: “THẾ LÀ ĐƯỢC RỒI!”.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 7.

Nhưng với Mạnh, đó lại là một lời động viên, một lời khen khiến anh cực kỳ xúc động. “Trước giờ, ở trong làng, bố tôi là người hiền lành, học hành giỏi giang, cũng có chút danh tiếng, được người làng trọng vọng; phải nỗi con học dốt mà nghịch (cười), chẳng bằng một góc của bố. Tôi biết ông cũng trăn trở nhiều, thậm chí là tủi thân nữa. 

Năm 2019, tôi có một sự cố lớn trong nghề nghiệp. Bố không mắng mỏ gì, chỉ tìm đủ cách xoay xở để giúp tôi vượt qua. Nhưng tôi biết trong lòng ông không vui. Từ trước đến giờ, bố chưa bao giờ yên tâm hoàn toàn về tôi, chưa bao giờ thấy con mình “được rồi” cả. Nên hôm qua, chỉ cần một câu ấy của bố, tôi đã thấy hạnh phúc như được trao huy chương. Đó như là một sự thừa nhận của bố, rằng tôi đã làm ông yên tâm”. 

Mạnh còn được nhận thêm một “mề đay danh dự” nữa từ cô con gái gần 3 tuổi của mình. Vợ anh thuật lại, khi hai mẹ con cùng ngồi xem lại clip ghi lại vụ việc, Thúy lờ mờ chưa nhìn thấy rõ, còn con gái cứ chỉ vào màn hình reo: “Bố Mạnh, bố Mạnh kìa”, và trong khoảnh khắc thót tim, cô bé reo “Bố bắt được bạn rồi”. Trong mắt 2 đứa trẻ, Mạnh đã trở thành “siêu nhân” như thế. 

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 8.

Trong sự cố nghề nghiệp của Mạnh năm 2019, anh cũng gặp được những người tốt giúp mình vượt qua. Mạnh gọi đó là một may mắn, và anh muốn chia sẻ may mắn của mình cho những người khác. Mạnh bảo, ngay khoảnh khắc mấy mươi giây ấy, anh thật sự không nghĩ gì nhiều, hay nói đúng hơn là không kịp nghĩ đến sự an nguy của bản thân mình. Anh chỉ đơn giản làm đúng theo phận sự của tiếng nói từ bi trong mình: Thấy người nguy cấp thì ứng cứu. 

Xong việc thì đi. Mạnh hồn nhiên kể, đỡ được em bé, trấn tĩnh một chút, anh lại vội quay về xe tải của mình, còn chẳng kịp đợi gia đình em bé xuống gặp mặt. “Lúc đó công việc của tôi, khách hàng của tôi đang đợi, tôi chỉ để lại số điện thoại rồi phải đi luôn. Chậm mất nửa tiếng! May mà khách biết lý do, không quở trách gì, còn bảo em rất tự hào về anh”.

Sau khi câu chuyện được lan tỏa, “người hùng” của chúng ta đã xóa hết mọi lời kết bạn của người lạ trên Facebook, dù tương tác tăng gấp vài chục nghìn lần trước kia. Mạnh cũng không muốn tiết lộ số điện thoại, tài khoản ngân hàng cá nhân. Mạnh từ chối cả những tin nhắn ủng hộ việc làm, hứa hẹn trả thù lao tốt hơn, vì “tôi đang làm chung với một người khác, rồi còn bao nhiêu khách quen nữa, đuổi hình bắt bóng không nên”. Mạnh chỉ đơn giản muốn sống một cuộc sống bình thường, giản dị và bình yên như anh vốn đang sống.

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 9.

Rồi cũng có bao nhiêu người gửi quà, cho tiền, từ chối chẳng được vì người ta “bắn” qua số điện thoại. Mạnh bối rối, vì “chỉ muốn kiếm sống bằng đôi tay, nhận đồng tiền xứng đáng với công sức của mình bỏ ra. Ai cũng vất vả, cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có tiền, ai cũng có gia đình để nuôi. Tự dưng người ta đem tiền cho mà mình không thực sự làm gì cho họ, tôi thấy không thoải mái!”. Bài học bố trao cho trong 1 năm chững lại của cuộc đời mình, bây giờ Mạnh vẫn thấm thía.

Mạnh cứ khăng khăng, anh chẳng giúp được gì cho ai trong chuyện này, ngoài sinh linh bé bỏng kia. Nhưng anh có lẽ chưa kể, mình đã cứu cả một gia đình, vì nếu không có đôi tay ấy, bố mẹ em bé có thể sẽ ám ảnh, ân hận cả đời. Có lẽ anh không nhận ra, anh đã tặng chúng ta một hình ảnh đẹp về lòng trắc ẩn, lòng tốt không toan tính, về phép nhiệm màu của lòng hiếu sinh.

Mạnh quả quyết, nếu như không phải anh đứng đó, mà là bất cứ ai, người ta cũng sẽ hành động như vậy: “Ai cũng có thể là anh hùng, là “siêu nhân”, đâu chỉ riêng tôi. Điều làm nên một siêu nhân không phải là áo choàng, mà là sự tử tế và một chút liều lĩnh, quyết đoán nữa”. “Siêu nhân đời thực” của chúng ta hôm nay là một ông bố hai con, không có áo choàng, mà chỉ có áo phông đẫm mùi mồ hôi, và cả những “vết ố” của thời gian cùng những vết sẹo trên tay. 

Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 10.

Tay phải của “siêu nhân” vẫn hơi sưng, tím hơn so với tay trái và còn rất đau. Bao nhiêu người giục đi khám, kiểm tra phần tay bị va đập, kỹ hơn thì kiểm tra cả người đi. Mạnh thì bướng bỉnh cứ bảo: “Em không sao”, vì hôm qua đã được một bác sĩ ở gần hiện trường nắn bóp giúp, và vì anh phải đi làm theo đúng lịch đặt trước với khách hàng. “Chắc mấy hôm nữa nó khỏi thôi. Làm gì thì làm, vẫn phải đảm bảo công việc. Sai hẹn, mất uy tín lắm!” - vừa nổ máy xe, Mạnh vừa khẳng định chắc nịch thế.


Em bé được cứu, bố chỉ nói 4 chữ “Thế là được rồi”, nhưng đó là lời khen tuyệt vời nhất tôi từng nhận được  - Ảnh 11.

 

Theo Trí Thức Trẻ