Khi nằm trong bụng mẹ, thai nhi nằm gọn trong tử cung ở tư thế gập tay, chân sát vào người. Trong tư thế này các cơ, khớp và các cơ quan cảm thụ được nghỉ ngơi. Nhưng khi chào đời, chân tay bé có thể cử động ngọ nguậy thoải mái, và đây là cách con hoạt động bình thường.

Bé cựa quậy nhiều có thể dẫn đến bị giật mình, tỉnh giấc đặc biệt vào ban đêm nên nhiều mẹ quyết định sử dụng kén, nhộng... để quấn bé. Tuy nhiên, nếu quấn con không đúng cách có thể gây ra những rủi ro không đáng có. 

Mới đây, một người mẹ chia sẻ đoạn clip để con quấn kén qua đêm. Giữa đêm, bé bất chợt bị nôn trớ, tuy nhiên con không thể cựa quậy hay di chuyển người vì bị kén quấn quá chặt. Các mẹ rất băn khoăn không biết quấn như vậy là tốt hay không, liệu có gây ra nguy hiểm cho bé. 

Em bé sơ sinh nôn trớ trong trạng thái quấn chặt trong kén, bác sĩ khẳng định "rất nguy hiểm" - Ảnh 1.

Em bé bị quấn quá chặt dẫn đến nguy hiểm khi bé bị nôn trớ.

PGS.TS.BS chuyên khoa Nhi, Nguyên trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: "Trẻ con phải được nằm thoải mái, khi trẻ ngọ nguậy chân tay được gọi là những hoạt động bình thường. Những em bé bị mẹ cuốn chặt trong kén hoặc nhộng không thể biết con có hoạt động bình thường không, có thể có bệnh nhưng không phát hiện ra. 

Nhiều gia đình hay sử dụng gối chèn 2 bên với mục đích để con không thể cựa quậy. Hãy để con được tự nhiên. Hiện nay đã có tã giấy nên mẹ hoàn toàn yên tâm khi con đi vệ sinh.

Đừng quấn chặt con như vậy, rất nguy hiểm. Đặc biệt nếu ban đêm con bị nôn trớ, đầu không thể nghiêng được khiến các chất dịch đi vào trong. Có thể gây ra trường hợp "tử vong đột ngột" ở trẻ nhỏ". 

Thường xuyên dùng khăn quấn bé có tốt không?

Bên cạnh những lợi ích của việc dùng khăn quấn bé sơ sinh, các mẹ cần lưu ý quấn khăn đúng cách để tránh những tác hại không đáng có như sau:

- Không quấn khăn quá chặt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng có khả năng gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Quấn chặt khiến trẻ thở khó khăn hơn, lâu dần dễ bị mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.

- Không quấn khăn thường xuyên khiến bé bức bối, khó chịu và còn có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, tiết nhiều mồ hôi và nếu không lau kịp thì bé dễ bị cảm lạnh.

- Khăn quấn bé cần thay đổi và giặt giũ thường xuyên để tránh vi khuẩn phát triển, ấp ủ bên trong, dễ gây bệnh cho cơ thể non nớt, sức đề kháng kém ở bé.

Em bé sơ sinh nôn trớ trong trạng thái quấn chặt trong kén, bác sĩ khẳng định "rất nguy hiểm" - Ảnh 2.

Những lưu ý khi quấn khăn cho bé sơ sinh đúng cách

- Không ép trẻ quấn khăn: Dùng khăn quấn bé rất tốt nhưng không phải bé nào cũng thích được quấn khăn. Do đó, nếu bé không thích dùng khăn quấn khi ngủ hay khi ra ngoài thì mẹ cũng không bắt ép. Đối với bé trên hai tháng tuổi thì việc quấn khăn nhiều là không cần thiết.

- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát: Thay vì dùng khăn quấn bé, mẹ hãy cho con mặc những bộ quần áo thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Khi quấn khăn cho bé, mẹ cần lưu ý đến đôi chân của bé để cho bé thoải mái cử động, thay vì kéo thẳng chân hay ép lại để quấn. Không quấn quá lỏng hay quá chật khiến bé cảm thấy khó chịu hoặc bung khăn.

- Sử dụng camera quan sát phòng tình huống xấu xảy ra như con bị nôn trớ bất chợt.

- Luôn quan sát con, đặc biệt là trong thời gian ngủ ban đêm của bé.