Sau khi đón con chào đời, cuộc sống của mẹ gần như sẽ hoàn toàn thay đổi. Là niềm hạnh phúc khi gia đình có thêm một thành viên mới và cả những khó khăn, lo lắng với tâm lý, cơ thể sau sinh. Lúc này, điều mẹ cần nhất là sự yêu thương, quan tâm của mọi người trong gia đình. Nếu được chăm sóc đầy đủ, chắc chắn người mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Chị Thanh Huyền (25 tuổi, sống tại Quảng Ninh) đảm nhiệm phần nấu cơm cữ cho chị dâu sau sinh. Do chưa có kinh nghiệm nên các món chị Huyền nấu chủ yếu là tìm hiểu trên mạng và hỏi thêm mọi người. Tiêu chí là ăn đầy đủ chất, không kiêng khem quá nhiều. Nấu cho chị dâu vừa sinh nên chị Huyền bỏ hẳn gia vị cay, nêm nhạt đi một chút.
"Mọi người thường có quan niệm mẹ ở cữ nên kiêng khá nhiều thứ, nhưng mình lại không như vậy. Mình chỉ tránh những đồ ăn quá cay, nóng hoặc có thể gây lâu lành vết thương, còn lại các món ăn mình gắng cân bằng dưỡng chất và nấu đa dạng để đỡ gây nhàm chán.
Thường mình nấu cơm cữ chung với cơm của cả gia đình luôn nên cả nhà đều ăn thực đơn này. Các món mình đều tham khảo qua công thức trên mạng cũng như hỏi thêm kinh nghiệm của các bác, các mẹ nên hầu như đều nấu được thành công. Món chị dâu mình thích nhất chắc là chim hầm thuốc bắc vì thịt chim mềm, thơm và dễ ăn", chị Huyền chia sẻ.
Nhờ có sự quan tâm của cả nhà chồng, chị dâu của chị Huyền về sữa khá nhiều và đều. Các mẹ mới sinh hay lo lắng cho vóc dáng của mình khi ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng nhưng theo chị Huyền, các mẹ bỉm trong giai đoạn ở cữ nên ăn đầy đủ dưỡng chất để mẹ khỏe, con khỏe.
"Để cân bằng dinh dưỡng thì mỗi bữa mình đều chuẩn bị cho chị dâu thêm 1-2 món rau củ và hoa quả. Theo mình nghĩ bây giờ xã hội ngày càng phát triển, quan niệm về thực đơn ăn uống sau sinh cũng thoáng hơn ngày xưa, các món ăn cũng đa dạng hơn rất nhiều. Để chú ý hơn thì em nghĩ các mẹ nên tránh các thực phẩm chế biến sẵn như mì tôm, thịt hộp... và nên ăn các loại đồ tươi sống sẽ tốt cho sức khỏe hơn", chị Huyền nhấn mạnh.
Ai cũng khen những bữa cơm em dâu nấu cho chị chồng ngon mắt, đẹp mắt và đủ chất dinh dưỡng. Bên cạnh chồng thì những người thân như chị chồng, em chồng, gia đình bố mẹ đẻ, người thân, họ hàng... cũng đóng vai trò quan trọng giúp mẹ bỉm lấy lại tinh thần sau sinh. Nếu nhận được đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương từ mọi người thì sẽ luôn hạnh phúc và không bị trầm cảm.
Để luôn cảm thấy vui vẻ sau khi sinh, mẹ nên:
- Tham gia các hội nhóm mẹ bỉm sữa để học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ tình huống khó khăn, nhờ sự hỗ trợ.
- Thường xuyên trò chuyện cùng chồng, người thân, nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ công việc trong gia đình. Sự giúp đỡ của gia đình trong việc hỗ trợ chăm sóc con nhỏ hoặc trò chuyện, quan tâm đến sản phụ sẽ giúp họ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng và giảm căng thẳng.
- Sau sinh nhiều sản phụ phải ăn uống kiêng khem. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mẹ nên ăn uống đa dạng để có được nguồn sữa chất lượng. Nếu đang gặp phải tình trạng stress sau sinh, hãy bổ sung vào thực đơn các thực phẩm giàu vitamin B, C, kẽm, magie, omega-3... vì nó có tác dụng chống lại stress, giúp tinh thần thoải mái hơn.
- Lập thời gian biểu chăm sóc con: Nhiều mẹ căng thẳng, rối loạn khi thời gian chăm sóc con gần như chiếm trọn cả ngày của mẹ. Hơn nữa, giờ giấc sinh hoạt của bé thường xuyên đảo lộn cũng khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, bất lực. Vì thế, lập thời gian biểu chăm sóc con là biện pháp giúp mẹ không còn cảm thấy căng thẳng nữa. Chồng và người thân cũng nên chăm sóc bé để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
- Đừng quá khắt khe với con: Nếu mẹ đang kỳ vọng vào một đứa trẻ sơ sinh ngoan ngoãn, biết ăn no, ngủ kỹ, đúng giờ, không quấy khóc thì khi bé không đạt được những yêu cầu ấy, bạn sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Quá khắt khe với con cũng là mẹ tự tạo nhiều áp lực cho bản thân.
- Chăm sóc bản thân: Mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi cũng như chăm sóc bản thân. Hãy nghe những bản nhạc mẹ yêu thích, xem những bộ phim, đọc sách và thư giãn khi em bé ngủ hoặc nhờ người trông bé giúp để mẹ có nhiều thời gian cho bản thân. Như vậy, mẹ sẽ thấy tâm trạng được cải thiện rất nhiều.