Vẫn biết mỗi người phụ nữ sau khi đi lấy chồng đều sẽ vào cảnh làm dâu nhà người. Có người tốt số thì cuộc sống làm dâu không khác so với thời độc thân là bao, cũng có người kém may mắn phải hứng chịu trăm bề khổ nhục.
Nhưng dù thế nào thì người đời cũng đồng tình rằng chỉ cần nàng dâu ngoan ngoãn, hiền lành và biết cách cư xử khéo léo thì phận làm dâu cũng sẽ nhẹ gánh đi phần nào. Chỉ tiếc là thực tế đã xảy ra không ít những trường hợp nàng dâu ngoan thì có ngoan nhưng thiếu phần khéo léo, xử lý tình huống không được tinh tế nên lại chỉ rước về những chuyện đau lòng không đâu.
Bài đăng mới đây nhất của một nàng dâu có tên T.C trên nhóm kín dành cho chị em chính là một trong những ví dụ điển hình kể trên:
Nàng dâu ấm ức đăng tải đoạn tin nhắn giữa mình với anh chồng nhằm kêu gọi sự đồng cảm từ chị em.
Trong bài đăng này, nàng dâu T.C giãi bày ngắn gọn đôi dòng tâm sự như sau: "Buồn hết nổi. Đến lúc gia đình tan nát lại tại đứa làm dâu như em." Nhưng khi đọc qua những dòng tin nhắn, người ta có thể hình dung được câu chuyện buồn của nàng dâu kể trên xuất phát từ một việc rất trẻ con. Ấy là khi anh chị chồng đi Hà Nội, lúc về có mua quà cho con gái một đôi dép nhưng không mua quà cho con gái của chị T.C.
Trong khi T.C phân trần lần nào mua tấm quà tấm bánh nào cũng mua đều cho hai chị em vì biết trẻ con rất hay tị nạnh, nên khi thấy anh chị chồng "quên" mua quà cho con mình, để con bé phải khóc lóc đòi bằng được đôi dép giống chị Quỳnh (tên con gái của anh chị) thì nàng dâu đã rất giận.
Hành động giận quá mất khôn của T.C chính là đã nhắn tin bày tỏ cảm xúc thẳng thừng với anh chồng. Và chính những tin nhắn này đã gây mất hòa khí anh em, theo như T.C nói thì "gia đình tan nát" lại đổ lên đầu người làm dâu như T.C.
Những tin nhắn của anh chồng chị T.C bộc lộc cảm xúc không hài lòng ra mặt.
Ngay sau khi bài tâm sự tréo ngeo này được đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo chị em. Nhưng khác xa so với tưởng tượng của T.C bởi chị em không những chẳng bênh vực mà còn ném đá cách hành xử thiếu tinh tế của nàng dâu này.
Theo đó, đa số mọi người đều cho rằng việc nhắn tin trách móc thẳng thừng với anh chồng như thế sẽ chỉ khiến mối quan hệ giữa hai nhà trở nên căng thẳng thêm. Chưa kể người ta lại là đàn ông, không ai để ý đến chuyện đôi dép tấm quà cho một đứa trẻ. Có chăng là chị T.C nên dạy lại con mình không được phép vòi vĩnh thứ không thuộc về mình chứ không phải là trút cảm xúc tức giận lên gia đình anh chị. Còn việc đã mua cho cháu trong quá khứ tốt nhất không nên kể ra sẽ mang tiếng là kể công và mất hết lòng tốt.
Nhiều người cho chị T.C lời khuyên có những chuyện chỉ nên giữ trong lòng thì tốt hơn.
Ngoài ra, cũng có cao kiến mách chị T.C cách xử lý tình huống khéo léo hơn như sau: "Lần sau mẹ nó chỉ cần nói câu này trước mặt anh chị, nếu anh chị biết ý thì sẽ cư xử khác ngay này: Đôi dép đẹp thế, con bé con nhà em cũng thích đi giống chị Quỳnh lắm. Nếu lần sau các bác đi Hà Nội mua quà cho chị Quỳnh thì mua hộ cho con nhà em với nhé, hết bao nhiêu em gửi tiền hai bác."
Theo người này thì đôi khi anh chị chồng không nghĩ tới trường hợp trẻ con đòi nhau đôi dép nên sơ tâm quên mất, nhưng có câu nói đó lần sau họ sẽ chú ý hơn. Và nữa là mình gửi mua theo phép lịch sự, chứ chẳng ai xòe tay cầm tiền của cháu mình cả.
Hiện tại, bài đăng của chị T.C đã được xóa đi do nhận quá nhiều "gạch đá" từ cư dân mạng. Tuy nhiên có thể thấy qua đây, chị T.C cũng như các nàng dâu trẻ khác sẽ học được một bài học đắt giá về cách cư xử với gia đình chồng sao cho đẹp lòng của đôi bên, tránh gây ra những sứt mẻ hòa khí không đáng có.