img

Tôi từng ngây thơ tin rằng dòng máu chảy trong huyết quản là sợi dây bền chặt nhất trên đời. Nhưng một ngày nọ, chính người thân ruột thịt đã dạy tôi bài học đắt giá rằng đôi khi, tình thân chỉ là chiếc mặt nạ mỏng manh che giấu sự tính toán lạnh lùng.

Dì Chi là em gái út của mẹ, nói cho đúng thì dì luôn là niềm tự hào của cả dòng họ. Ở tuổi 45, dì sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp, biệt thự sang trọng và chiếc xe hơi đời mới nhất. Mỗi dịp lễ tết, khi dì về quê, cả họ hàng đều xúm xít quanh, ánh mắt nào cũng đầy ngưỡng mộ. Tôi nhớ có lần dì vỗ vai tôi cười nói: "Trong nhà này dì thương mày nhất" . Câu nói ấy khiến tôi ấm lòng suốt nhiều năm.

Mọi chuyện đảo chiều vào một chiều mưa tháng bảy. Em trai tôi đang là 1 cậu sinh viên năm nhất đầy ước mơ bất ngờ bị tai nạn giao thông trên đường đi làm thêm. Bác sĩ thông báo phải mổ cấp cứu ngay, tổng chi phí lên tới 200 triệu đồng. Cả gia đình tôi như rơi vào cơn ác mộng.

Mẹ tôi là người phụ nữ suốt đời làm giáo viên tiểu học, lần đầu tiên tôi thấy bà run rẩy. Bà lật từng cuốn sổ tiết kiệm, gom góp được 130 triệu. Tôi bán chiếc xe máy duy nhất được 30 triệu. Vẫn còn thiếu 40 triệu nữa.

Đêm đó, mẹ tôi ngồi thẫn thờ bên điện thoại. Tôi biết bà đang đấu tranh tư tưởng khủng khiếp. Cuối cùng, bà nhấc máy gọi cho dì. Cuộc trò chuyện ngắn ngủi qua loa ngoài khiến tim tôi nhảy lên vì vui sướng.

- Dì út ơi, thằng Hải bị tai nạn, giờ chẳng biết sống chết thế nào đây nữa. - Mẹ tôi vừa khóc vừa nói với dì.

- Chị cứ lo cho cháu đi, tiền nong không quan trọng. Cần thì em cho vay.

Em trai tôi gặp tai nạn nguy kịch, mẹ đến vay dì 70 triệu nhưng lại bị dì bắt ngồi chờ mấy tiếng để đi làm đẹp rồi buông ra những lời nói cay độc- Ảnh 1.

Tôi thấy mẹ tôi khóc nức nở, những giọt nước mắt của sự nhẹ nhõm. Chúng tôi ngủ thiếp đi trong hy vọng.

Thế nhưng sau đó thì em tôi qua cơn nguy kịch, thằng bé có bảo hiểm y tế nên chi phí cũng đỡ hơn nhiều so với dự tính ban đầu. Cứ vậy mẹ tôi cố gắng cầm cự, mẹ nói là chưa bước đường cùng thì bà không muốn phiền đến ai.

Hơn 4 tháng sau, quá trình điều trị cho em tôi khá tốn kém. Thằng Hải vào quá trình hồi phục lúc là lúc kinh tế nhà tôi không gánh vác nổi nữa.

Lúc này thì mẹ tôi đành phải nhờ đến dì Chi. Mẹ con tôi chở nhau sang nhà dì. Căn biệt thự sang trọng ở khu nhà giàu có mà khiến tôi choáng ngợp, mang tiếng là người nhà nhưng mẹ tôi ngại chuyện thấy sang bắt quàng làm họ nên chẳng bao giờ đến nhà dì. Người giúp việc dẫn chúng tôi vào phòng khách rộng thênh thang, rót nước rồi nói mẹ con tôi đợi.

Lúc ấy dì Chi gọi điện về bảo đang massage dở nên mẹ con tôi ngồi đợi. Mặc dù trước đó mẹ con tôi đã hẹn giờ rồi nhưng dì vẫn đi làm đẹp khiến tôi thấy hơi lấn cấn nhưng đang nhờ vả người ta nên tôi không nghĩ nhiều gì thêm nữa.

12 giờ. 1 giờ. 1 giờ 30. Chiếc đồng hồ cổ kêu tích tắc như đang giễu cợt sự chờ đợi của chúng tôi. Mẹ tôi ngồi im, đôi bàn tay gầy guộc siết chặt chiếc phong bì đựng giấy tờ. Tôi thấy rõ những vết chân chim quanh mắt bà in hằn thêm.

Khi kim đồng hồ chỉ 1 giờ 45, dì tôi xuất hiện trong bộ váy lụa màu ngọc bích, mùi nước hoa đắt tiền tỏa ra ngào ngạt. Dì nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lạnh lùng:

- Ôi chị đến từ bao giờ thế? Em tưởng chị hẹn chiều?

Giọng điệu đầy ngạc nhiên giả tạo khiến tôi nghẹn ứ trong cổ họng.

Khi mẹ tôi trình bày về khoản vay 70 triệu, dì nhếch mép cười. Cái nhếch môi ấy khiến tôi nhớ mãi, cả đời này sẽ không bao giờ quên.

- Chị tính trả thế nào? Lương giáo viên của chị thì đến bao giờ mới đủ? Hay định vay được cứ vay rồi không trả nổi thì xin em xóa nợ cho?

Từng câu từ của dì như những mũi dao đâm thẳng vào lòng tự trọng. Tôi thấy mẹ tôi lưng thẳng đứng nhưng giọng nói lại như sắp khóc nhưng nước mắt chỉ hoen hoen chứ kiên quyết không rơi xuống.

Dì lấy ra tờ giấy vay nợ đã soạn sẵn, điều khoản chi tiết đến từng đồng. Trong khi mẹ tôi run run cầm bút, tôi đọc được dòng chữ "lãi suất 1.5%/tháng".

Trước khi mẹ kịp ký, tôi giật phăng tờ giấy, xé tan trước mặt dì. Hành động này khiến cả căn phòng như nín thở.

- Không cần đâu dì ạ! Gia đình cháu tự thu xếp được, những gì ngày hôm nay dì làm với mẹ cháu, cả đời nhà cháu sẽ không quên.

Tôi kéo tay mẹ bước đi, để lại sau lưng cái nhìn sửng sốt của người phụ nữ giàu có. Bước chân ra khỏi cổng biệt thự, tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng dù túi tiền vẫn trống rỗng.

Tối hôm đó, khi đang gọi điện cho từng người bạn để vay tiền, tin nhắn của chị Hà - đồng nghiệp cùng phòng khiến tôi sững sờ:

- Mày cần bao nhiêu? Chị có 70 triệu để dành, chỉ chuyển luôn cho, đưa mã QR của mày đây!

Chị Hà - người tôi chỉ đi ăn trưa cùng vài lần, chúng tôi không phải quá thân thiết. Chỉ có vài lần chị nhờ tôi mấy việc nhỏ nhặt, thi thoảng tôi sẽ nhận làm việc hộ chị vì chị đang con mọn, thằng bé lại hay ốm.

Tôi rối rít cảm ơn chị nhưng chị nói như thể chẳng có gì đáng phải bận tâm.

- Cứu người là quan trọng, trả chị khi nào có cũng được.

Ba tháng sau, khi em trai tôi đã bắt đầu ổn định, chúng tôi cũng thu xếp được để trả đủ số tiền cho chị Hà. Nhưng có những món nợ khác không bao giờ trả được đó là lòng biết ơn với người dưng tốt bụng, những người chẳng có quan hệ huyết thống nhưng lại dang tay ra kéo mình lên từ đáy vực.

Và cũng từ chuyện này tôi có 1 bài học về giá trị đích thực của tình người và sự thức tỉnh về mối quan hệ gia đình.

Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy dì tôi trong những bữa tiệc gia đình xa hoa, tôi chỉ biết mỉm cười lặng lẽ. Bởi tôi đã hiểu rằng giàu sang có thể mua được biệt thự, nhưng không mua được tấm lòng. Họ hàng có thể chung dòng máu, nhưng không nhất thiết phải chung trái tim.