Là con người, ai cũng muốn được khen ngợi, ca tụng. Đặc biệt với sếp, những lời khen có cánh chắc hẳn sẽ làm anh ta thấy phấn chấn và vui vẻ hơn. Trong một công ty, những người được sếp đặc biệt chú ý đôi khi không phải kẻ có trình độ chuyên môn cao mà là những đồng đội luôn ở bên cạnh cấp trên và biết nói lời đường mật.
Thế nhưng, phải chăng chỉ cần bạn khen một câu, kiểu như "Anh giỏi quá!" là đã lấy được lòng sếp?
Vậy vấn đề đặt ra: Làm thế nào để chúng ta thể hiện những cảm xúc tích cực với sếp mà không bị đánh giá là đang có ý đồ nịnh bợ?
5 năm trung thành với sếp không bằng một đứa nhân viên mới
Hoài An là nhân viên phụ trách kịch bản quảng cáo của một công ty truyền thông đình đám ở Sài Gòn. Trên An là leader toàn team nội dung - anh Mạnh Cường. Chính An và anh Cường là những nhân viên đầu tiên của công ty này. Dù là dự án nào thì hai người cũng làm việc cùng nhau. Cho đến thời điểm hiện tại, anh Cường đã được sếp tổng cất nhắc lên làm phó giám đốc công ty nhưng vị trí leader team nội dung vẫn chẳng được chuyển giao cho An.
An nóng lòng từng ngày, đau đáu về chuyện mình không được người sếp gắn bó 5 năm kia để ý tới. Cô nghĩ năng lực của cô ở dạng bình thường thôi nhưng dù gì cô cũng luôn đứng về phía anh Cường, chẳng nhẽ anh lại không có chút cảm kích cô sao?
Ví dụ, trong các buổi họp trình bày dự án, An thường khen sếp giỏi, chăm chỉ này kia, rồi những lúc vote bình chọn, cô cũng toàn giơ tay để ủng hộ anh. Vậy mà chẳng một phút giây nào anh Mạnh Cường đề cập chuyện cho An lên chức.
Một ngày nọ, công ty mới tuyển thêm nhân sự mới là Minh Hoàng về làm cùng vị trí như Hoài An. Nói qua đôi chút về chàng trai này thì đây là một nhân vật rất sáng giá khi anh ta du học ở nước ngoài về, cũng có kinh nghiệm chinh chiến lâu năm như Hoài An.
Đặc biệt hơn, người này còn tỏ ra quý mến anh Mạnh Cường dù mới chỉ vào làm chưa lâu, điều đó khiến Hoài An cũng khó chịu ít nhiều. Cô nghĩ biết đâu tay Minh Hoàng này lại đang âm mưu để chiếm vị trí leader team nội dung chăng?
Trong các giờ họp, cũng như An thì Hoàng hay khen các ý kiến của sếp Cường đưa ra. Tất nhiên cách biểu lộ của Hoàng chẳng giống đồng nghiệp. Và điều bất ngờ đã xảy ra, sau ba tháng gắn bó với công ty, Hoàng được anh Cường thăng chức lên làm leader team nội dung.
Nhận được tin sét đánh ngang tai, Hoài An tức tối, lên tận phòng anh Cường để hỏi cho ra nhẽ trong nước mắt: "Em trung thành với anh 5 năm nay sao lại vụt mất cơ hội vào thằng Hoàng - một đứa nhân viên mới? Anh có biết trong công ty này em luôn đứng về anh, luôn ủng hộ anh. Vậy đã bao giờ anh ghi nhận tấm lòng của em chưa? Em thực sự thất vọng về anh rất nhiều!"
Anh Mạnh Cường chỉ cười nhếch mép "Em cứ học được cách ăn nói như Hoàng đi rồi hẵng nói. 5 năm có là gì khi em chỉ giỏi nịnh nọt anh?"
Hoài An nghẹn họng, cảm thấy không còn cãi được nữa và về phòng. Tối hôm ấy, vì quá bực tức nên An nộp đơn xin nghỉ việc.
Bài học về nghệ thuật khen sếp: Lời nói nên xuất phát từ tấm lòng và sự quan sát
Trước hết, phải khẳng định: Hoài An đã khen sếp không đúng cách, những lời có cánh như mũi dao phản tác dụng và đâm ngược lại cô. An thường khen kiểu "Anh giỏi thật đấy", trong khi Hoàng lại chỉn chu hơn với câu nói "Em thích cách anh trình bày vấn đề làm 3 luận điểm abc... vì nó khoa học và logic..."
Cụ thể, trong một buổi họp trình bày ý tưởng, sếp sẽ vui khi anh ta đề xuất được một idea hay ho đã dày công suy ngẫm. Chị em thay vì khen sếp giỏi một cách sáo rỗng thì hãy chú ý quan sát và tìm ra điểm đặc biệt trong ý tưởng ấy. Chắc chắn anh ta sẽ thấy cảm kích bởi cấp dưới đã chịu lắng nghe mình. Hơn nữa, sếp còn cho rằng bạn là nhân viên có tầm nhìn nên mới nhận ra được những cái hay trong ý tưởng này.
Người ăn nói giỏi như Hoài An chưa chắc đã lấy được lòng sếp. Bởi nói năng quá khéo léo đôi lúc lại thiếu chân thành, sặc mùi giả tạo. Điều quan trọng nhất là chị em nên cho đối phương thấy sự thật thà của chúng ta, rằng mình luôn muốn sếp và tất cả mọi người được tốt lên, cho anh ấy biết bạn cực kỳ coi trọng sức lực mà anh ta bỏ ra vì công việc.
Vì vậy, lời khuyên cho chị em công sở là trước khi cất lời khen sếp hãy tinh tế quan sát một chút. Bạn cũng cần tránh lạm dụng thái quá các từ như "nhất", "rất"... bởi những từ này làm cho câu cú không thật. Bên cạnh đó, chị em còn không nên dùng những từ với hàm ý qua loa, đại loại như "cũng được", "tạm được"... Thay vì nói "Anh thật giỏi!" thì bạn nên thêm chút lời lẽ như "Anh quả thực đỉnh khi làm việc này chỉ trong một đêm!"
Mặt khác, lời khen không đúng nơi, đúng chỗ còn gây nguy hiểm khôn lường. Ví dụ như lúc sếp đang cáu, gặp thất bại, thì bạn nên xem tình hình để động viên họ chứ đừng khen ở thời điểm ấy nhé!
Hi vọng rằng, với câu chuyện cay đắng của Hoài An sau 5 năm mà không được sếp trọng dụng, chị em công sở có thể rút ra cho mình thật nhiều bài học về nghệ thuật khen sếp. Lời lẽ xuất phát từ tấm lòng sẽ đi thẳng vào trái tim của cấp trên đấy chị em ạ!