Tháng 12 với mùa hoa dã quỳ vàng rực rỡ, mùa hoa cải trắng mênh mông, nắng ấm nhuộm khắp các bản làng, ánh lên trong mắt những người phụ nữ tần tảo, chịu khó nơi núi rừng.
Nhắc tới những người phụ nữ dân tộc thiểu số, hiện lên trong tâm trí chúng ta là hình ảnh rắn rỏi, lam lũ. Họ là những phụ nữ khéo léo, đảm đang, quán xuyến các công việc từ đồng áng đến nội trợ. Tuy vậy, họ lại thường không may mắn bị bỏ lại phía sau. Những quy chuẩn và định kiến của xã hội khiến cô thiếu nữ vô tư, yêu đời với nhiều ước mơ, hoài bão sớm trở thành một người phụ nữ lặng lẽ thu mình sau gác bếp và trên nương rẫy. Họ sớm gánh lên vai những trọng trách mà xã hội và người xung quanh vô hình đặt lên đôi vai.
Dự án ý nghĩa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
“Tôi đã rất trăn trở khi gặp và nói chuyện với các cô, các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt tay truyền thống Mai Châu. Hy vọng có thể góp sức làm được điều gì đó dù nhỏ bé nhất để giữ lại làng nghề, giúp các chị em có tay nghề, thu nhập ổn định, đặc biệt là niềm tin về tương lai của vải dệt thổ cẩm thủ công trong sự phát triển mới của ngành thời trang bền vững trong nước và quốc tế", chị Rachel Isenschmid, sáng lập Dự án Empower Women Asia chia sẻ.
Cũng từ đó mà Empower Women Asia - dự án trực thuộc tổ chức KIBV ra đời với sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các làng nghề dệt truyền thống Việt Nam ổn định thu.
Dự án Empower Women Asia, ra đời từ năm 2019 được thành lập bởi tổ chức KIBV (Keep It Beautiful Vietnam) với mong muốn hỗ trợ các chị em dân tộc thiểu số, tại các làng nghề dệt truyền thống tại Việt Nam. Với tầm nhìn sứ mệnh, dự án đã chọn Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình làm địa điểm thí điểm. Kể từ khi thành lập, dự án tập trung vào việc giúp chị em nâng cao tay nghề, cơ sở vật chất sản xuất để tạo ra cơ hội cải thiện đời sống thông qua việc sản xuất các sản phẩm thủ công bền vững.
Với sự kỳ công tỉ mẩn ấy, Empower Women Asia nhìn thấy những sản phẩm của các chị em không chỉ đơn thuần là một sản phẩm. Đó còn là một câu chuyện đáng được trân trọng và tôn vinh. Trong khi thế giới đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự lên ngôi của ngành thời trang bền vững, thì các sản phẩm làm từ vải dệt tay truyền thống sẽ càng có nhiều hơn cơ hội cạnh tranh; khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế.
Dự án Empower Women Asia đánh giá cao tầm quan trọng của việc giáo dục và đào tạo, tập trung vào việc cung cấp các chương trình dạy nghề, dạy tiếng Anh, và kỹ năng mềm miễn phí cho phụ nữ trong cộng đồng. Điều này không chỉ giúp họ nắm bắt những kỹ thuật sản xuất mới mà còn mở rộng khả năng giao tiếp và xây dựng nền tảng kỹ năng mềm quan trọng.
Qua các chiến dịch truyền thông trên cả nước, dự án Empower Women Asia đã tạo ra cơ hội cho các chị em để quảng bá sản phẩm của mình cũng như lan tỏa thông điệp về thời trang bền vững. Sự sáng tạo và tay nghề của họ được thể hiện thông qua các chiến dịch quảng cáo, các thiết kế hợp tác với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng và KOLs, nhằm lan tỏa giá trị tích cực về hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số trong làng nghề dệt.
Cùng chung mục tiêu hướng đến việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những phụ nữ khó khăn, người yếu thế, nhưng khác với Empower Women Asia, "Home for life" từ Home Credit lại chọn một cách đồng hành khác. Đây là dự án hỗ trợ phụ nữ khó khăn có thể tiếp cận được nguồn vốn tin cậy và trang bị các kiến thức tài chính hữu ích, tiếp thêm động lực để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Home for life đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ trong nhiều năm kể từ khi thành lập vào năm 2008. Dự án hiện đang gặt hái được rất nhiều thành công trên khắp cả nước.
Thời trang "chậm" bền vững và những nghệ nhân thổi hồn vào khung cửi
Từ công việc tưởng chừng như bình thường, chỉ đủ cơm ăn áo mặc hàng ngày thì giờ đây, rất nhiều nghệ nhân dệt đến từ các bản làng. Họ không những khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ mà thổi hồn vào từng chiếc áo xinh xắn, kì công. Rồi họ tương trợ, tiếp cho nhau niềm yêu nghề, động lực để tạo ra những sản phẩm giá trị mang nét đẹp, bản sắc quê hương.
Đó là câu chuyện của nghệ nhân Vì Thị Thuận (Bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Chị đã hết lòng dạy nghề, hỗ trợ, tạo nên một mái nhà thực sự cho những mảnh đời không may mắn, giúp họ có thêm nghị lực sống và cống hiến cho xã hội.
Ít ai nghĩ rằng những sản phẩm tinh xảo, độc đáo tại Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa, xưởng Hoa Ban Cộng, được tạo ra từ bàn tay, khối óc của những người khuyết tật được chị Thuận đưa về dạy nghề và gắn bó đã mấy năm nay. Vừa làm nghề, có thu nhập ổn định, lại có thêm những người bạn đồng cảnh ngộ chia sẻ niềm vui nỗi buồn, từ lâu, ngôi nhà chị Thuận xây nên đã thực sự trở thành mái ấm của chị em. Biết bao khó khăn, nhưng tình thương và quyết tâm tạo sinh kế cho những thân phận kém may mắn đã tăng thêm nghị lực cho người phụ nữ này.
Cho tới nay, xưởng dệt Hoa Ban Cộng đã gặt hái những thành tựu nhất định. Tuy nhiên để thực hiện mong muốn mang những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng, chị Thuận và những nghệ nhân khác vẫn đang tiếp tục trau dồi, nỗ lực để đem sản phẩm tốt nhất đến với khách hàng.
Hay một câu chuyện khác của chị Xuyến – nghệ nhân đan có tay nghề cao mang trong mình lý tưởng đem sản phẩm đan lát thủ công đến gần hơn với mọi người.
Vào năm 2018, chị đã gặp được nghệ nhân Doãn Hùng - founder của Comay Craft và dần trở thành người đồng hành cùng nhau phát triển nghề đan truyền thống. Bên cạnh việc kinh doanh chị Xuyến cũng không ngần ngại mở các lớp dạy nghề để có thể lưu trữ những nét văn hóa của dân tộc cũng như giúp đỡ những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.
Trong suốt 30 năm theo nghề, chị vẫn luôn đam mê và không ngừng sáng tạo để có thể đem đến cho khách hàng một trải nghiệm tốt nhất. Mỗi một chiếc túi xinh xắn đưa đến tay khách hàng sử dụng đều là một phần của giấc mơ to lớn mà chị Xuyến muốn gửi gắm đến mọi người.
Tiếng thoi dệt vẫn đều đặn vang lên mỗi ngày ở xưởng sản xuất của chị Thuận, chị Xuyến cùng nhiều phụ nữ khác. Nó như niềm hy vọng không bao giờ tắt về sức sống nghề dệt truyền thống của người dân tộc nơi đây. Cùng với đó là thanh âm của tình yêu thương, sẻ chia với những thân phận kém may mắn, để ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng có việc làm và sống có ý nghĩa hơn.
Empower Women Asia không chỉ tạo ra những cơ hội mới cho phụ nữ trong lĩnh vực dệt truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng. Dự án là một bước quan trọng trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững cho phụ nữ, đặc biệt là những người thuộc dân tộc thiểu số, thông qua việc kết nối giá trị truyền thống với thị trường trong nước và quốc tế.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ Giải thưởng năm đầu tiên, vào ngày 11/12/2023 vừa qua, đêm Gala trao giải đầy cảm xúc và trang trọng đã diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm - Hà Nội, với 28 dự án được vinh danh, trong đó có 5 dự án được chọn là Dấu Ấn Tiên Phong 2023.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org