Chia sẻ nhọc nhằn

“Tôi đã sống lại” - Hà Ngọc Tr. 28 tuổi, ở quận 1 dõng dạc. 40 ngày trước, Tr. mắc COVID-19 được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện COVID-19 Củ Chi, TP.HCM với tình trạng ngày càng nặng hơn. Sau đó, anh được chuyển lên Khu Hồi sức cấp cứu và sức khỏe dần được cải thiện.

“Đó là một hành trình dài chống chọi với COVID-19 mà tôi đã vượt qua. Tôi được các y bác sĩ hồi sinh một lần nữa” - Tr. nói

Theo Tr., thời gian ở khu Hồi sức, anh đã chứng kiến những bác sĩ và nhân viên y tế làm việc không ngơi tay. “Họ mặc đồ bảo hộ suốt ngày, bị đói nhưng không thể ăn, khát nước không dám uống. Họ tìm mọi cách để giữ mạng sống cho những bệnh nhân đang khó thở như tôi. Hình ảnh ấy lặp lại từng ngày khiến tôi day dứt” - Tr. nhớ lại.

Khi đã khỏe mạnh, Tr. được chuyển xuống gần khu chạy thận. Nơi ấy là cả trăm bệnh nhân vừa mắc bệnh nền vừa bị COVID-19 hành hạ. Y bác sĩ nơi đây dường như kiệt sức.

Sau gần 30 ngày điều trị với kết quả âm tính 2 lần và đủ điều kiện xuất viện, Tr. sắp được về nhà. Nhưng không, anh làm đơn tình nguyện ở lại bệnh viện để “ghé vai” gánh một phần công việc cho y bác sĩ nơi đây.

Đơn xin ở lại chăm F0 của Tr. được lãnh đạo Bệnh viện COVID-19 Củ Chi đồng ý. Tr. được hướng dẫn cách chăm sóc cơ bản cho người bệnh và bảo vệ mình để tránh các nguy cơ.

“Lúc đầu, tôi còn lúng túng nhưng mấy ngày sau thành thạo đến nỗi bác sĩ và các F0 khác khen mình khéo tay” - Tr. khoe. Hơn 20 ngày khỏi bệnh và được giúp mọi người như thay tã, bón cháo, gội đầu cho các F0... Tr. nói rằng đây là khoảng thời gian đáng nhớ và cảm thấy cuộc sống thật ý nghĩa.

Gần một tháng nay, chị Mỹ Tuyền ở Bình Chánh đã trở nên quen thuộc với lực lượng y bác sĩ và các bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 4 đặt tại huyện này. Đầu tháng 7, chị Tuyền mắc COVID-19 và được đưa vào bệnh viện do bệnh trở nặng.

Sau hành trình chữa trị, sức khỏe chị dần hồi phục. Nhớ lại những ngày còn là bệnh nhân, nước mắt chị Tuyền chảy dài. Chị hiểu nỗi đau mà các F0 phải đối mặt và hứa với lòng mình sẽ ở lại bệnh viện dã chiến để giúp đỡ những người nguy kịch khác.

Nói là làm. Ngày nhận được kết quả âm tính và giấy xuất viện, chị Tuyền gọi điện báo cho chồng xin ở lại làm tình nguyện viên giúp đỡ các F0. Chồng chị đồng ý.

“Tôi cảm ơn chồng vì đã thấu hiểu và dặn chồng không tiết lộ mình tham gia ở lại cùng phụ giúp đội ngũ y bác sĩ vì sợ người thân lo lắng” - chị Tuyền tâm sự.

Khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, chị Tuyền bắt đầu công việc hàng ngày là lau dọn phòng bệnh, giúp bệnh nhân ăn uống, tắm rửa và thay quần áo cho họ. Với những F0 khó thở, bằng kinh nghiệm mà mình trải qua, chị truyền lại cho họ, đồng thời động viên họ lạc quan.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM, với các trường hợp F0 đã được điều trị khỏi bệnh thì nguy cơ tái nhiễm không cao, ít nhất là trong vòng 6 tháng sau khi khỏi bệnh. Do đó, việc họ tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch là điều đáng khuyến khích và cần nhân rộng.

“Khi vào ca trực, điều tôi làm đầu tiên là trò chuyện cùng các F0, hỏi han những bệnh nhân lớn tuổi để họ không còn cảm thấy cô đơn, sợ hãi nữa” - chị Tuyền nói.

Cũng như chị Tuyền, chị Lan Hương, một F0 đã lành bệnh cũng xin tình nguyện vào chăm sóc các cụ già mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch.

Bỏ lại chồng con ở nhà, sau khi xuất viện chị Hương bắt đầu hành trình chăm sóc các bệnh nhân cao tuổi tại đây. Công việc của chị là mỗi sáng dậy sớm nấu nước ấm cho các bệnh nhân cao tuổi, cho họ ăn và uống thuốc đều đặn. Thấy các điều dưỡng và bác sĩ quá vất vả, chị Hương ghé vai gánh một phần công việc thay họ.

“Phòng tôi điều trị có nhiều bệnh nhân cao tuổi, họ như cha mẹ già của mình vậy. Những gì tôi làm không có gì to tát cả. So với những y bác sĩ, điều dưỡng ở đây, công sức của tôi quá nhỏ bé” - chị Hương chia sẻ.

Trân quý những tấm lòng

Bác sĩ Trần Chánh Xuân - Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 Củ Chi cho biết ông rất xúc động và trân quý những tấm lòng của các F0 khỏi bệnh tự nguyện ở lại chăm sóc các F0 chưa lành bệnh. “Họ đang phần nào giúp các y bác sĩ giảm áp lực công việc hằng ngày”, bác sĩ Xuân nói.

Tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 TP. Thủ Đức hiện có 5 F0 đã khỏi bệnh tình nguyện ở lại. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện Điều trị COVID-19 TP. Thủ Đức cho biết, những trường hợp F0 đã khỏi bệnh rất thông thạo các công đoạn chăm sóc người bệnh nên không cần phải chỉ dẫn quá nhiều.

“Ở các phòng bệnh, những người từng là F0 giúp y bác sĩ theo dõi các ca F0 khác rất tốt” - bác sĩ Quân chia sẻ và theo ông, do nhân viên y tế quá tải nên không thể lúc nào cũng cận kề bệnh nhân. Lúc này, các F0 khỏi bệnh ở đây là cánh tay nối dài để phát hiện kịp thời thay đổi bất thường nơi bệnh nhân trong khu vực của mình quản lý và báo ngay cho y bác sĩ xử lý. Từ đó, giảm đáng kể áp lực cho đội ngũ y bác sĩ.

“Nếu không giàu lòng nhân ái, tôi nghĩ ít ai ở lại để chăm sóc F0 như họ. Trong khi đội ngũ y bác sĩ đang quá tải, họ thực sự là cứu cánh. Tôi mong sẽ có nhiều người tình nguyện hơn nữa” - bác sĩ Nguyễn Đức Bằng - Trưởng khoa A5, khu điều trị COVID-19, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam vừa kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ và đóng góp cho Chương trình "ATM F0" chống dịch. Theo ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, các F0 sau khi khỏi bệnh có mong muốn tham gia chương trình sẽ được tập huấn cấp tốc về kiến thức và kỹ năng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 và được phân bổ về các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly để hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ. "Số tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân sẽ được dùng để hỗ trợ các F0 tình nguyện tham gia chương trình" - ông Anh nói và cho biết, dự kiến các F0 tham gia sẽ nhận 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.