Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không có triệu chứng tại nhà giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng. Người bệnh thường có dấu hiệu đột ngột bị mất vị giác hoặc khứu giác, giảm khả năng ăn uống. Do vậy cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt dẫn tới suy dinh dưỡng, tăng nguy cơ bội nhiễm, bệnh trở nặng, kéo dài thời gian thở máy, tăng chi phí điều trị.
Dinh dưỡng hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.
Một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cơ thể F0 khoẻ mạnh hơn, tăng cường sức đề kháng, giúp bản thân vượt qua được bệnh tật.
Các F0 điều trị tại nhà cần lưu ý 4 điểm sau về dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ:
1. Chế độ dinh dưỡng đảm bảo nguyên tắc cân đối và đầy đủ dinh dưỡng
- Để đạt được điều này, bạn phải ăn đủ số lượng, đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo nhu cầu cho từng nhóm tuổi, bao gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ.
- Đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính/ ngày, có thể thêm 1 đến 3 bữa phụ nếu cần thiết.
- Đảm bảo nguyên tắc chế biến hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn.
- Bệnh nhân có tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác, khứu giác có thể chế biến dạng mềm, lỏng, dễ ăn và dễ hấp thụ.
- Thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm.
- Đối với trẻ em và người trưởng thành có bệnh lý nền như: đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn, cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.
2. Đảm bảo đa dạng thực phẩm hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch
- Bữa ăn trong ngày cần phải có chất đạm, cần phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (thịt, cá, gà, bò, trứng, sữa...) hoặc đạm thực vật (các loại đậu, nấm,...).
- Các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như vitamin A có trong gan động vật hoặc các loại rau củ màu vàng, đỏ, xanh sẫm,...
- Vitamin C, D, E, trong các hoa quả như ổi, cam, chanh, đu đủ, bưởi, nhãn, kiwi, ớt chuông, rau ngót,...
- Các nhóm khoáng chất: Bổ sung sắt, kẽm.
- Sử dụng các loại chất béo không no trong cá, quả bơ và dầu oliu cho những người bị bệnh tim mạch.
3. Uống đủ nước
- F0 phải uống đủ nước theo nhu cầu và đúng cách, ít nhất là 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
- Nước đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng.
- Uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát, không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
- Tránh các loại thức uống có ga, nước ngọt, đồ uống có cồn.
4. Hạn chế một số loại thực phẩm
- F0 cần hạn chế thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, mì tôm, bởi vì chúng chứa rất nhiều chất béo, đường và muối không tốt cho sức khoẻ.
- Lượng muối tối đa bạn nên hấp thụ là 5g/ngày kể cả muối trong thực phẩm.
Chế độ dinh dưỡng dành cho F0 điều trị tại nhà (Nguồn: Sở Y tế Hà Nội)
Ngoài ra, theo Sở Y tế Hà Nội:
1. Nhóm thực phẩm F0 điều trị tại nhà nên dùng, gồm:
- Gạo, mì, ngô, khoai, sắn,…
- Các loại hạt: đậu đỗ, vừng, lạc…
- Sữa và các sản phẩm từ sữa: sữa bột, sữa tươi, sữa chua…
- Thịt các loại, cá, tôm…
- Trứng và các sản phẩm từ trứng: trứng gà, trứng vịt, trứng chim cút…
- Dầu thực vật, dầu oliu, dầu cá,…
- Các loại rau: đa dạng các loại rau.
- Quả tươi: ăn đa dạng các loại quả.
2. Thực phẩm hạn chế dùng:
- Mỡ động vật, phủ tạng động vật.
- Các thực phẩm chứa nhiều muối (đồ hộp, dưa muối, cà muối...).
- Các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo ngọt.
- Các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Clip: Bộ Y tế chỉ dẫn dinh dưỡng khi cách ly tại nhà