Sau khi khỏi bệnh, đa phần F0 sẽ phục hồi hoàn toàn, tuy nhiên vẫn có một phần không nhỏ gặp phải các di chứng hậu COVID-19. Trong đó, có nhiều F0 hậu COVID-19 bỗng gặp trục trặc trong đời sống ái ân cụ thể là suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương...
Vậy trong những trường hợp này cần xử lý như thế nào?
COVID-19 có thể ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu sinh lý của nam giới?
Theo bác sĩ Đinh Hữu Việt (Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội), từ khi đại dịch bùng nổ đến nay đã có nhiều trường hợp tới bệnh viện thăm khám sau khi khỏi COVID-19, với những dấu hiệu như "chán" chuyện ái ân, thậm chí là "cậu nhỏ" bé đi...
Điều này có thể được lý giải bằng một số nguyên nhân sau:
- Khi bị nhiễm COVID-19, người bệnh sẽ chịu nhiều áp lực, căng thẳng, mất ngủ, stress về tâm lí kể cả sau khi khỏi bệnh. Trong khi đó, theo nghiên cứu, tâm lý căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng hormone và ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn của cả nam và nữ. Điều này kết hợp với sự suy giảm sức khỏe thể chất sau quá trình dài điều trị COVID-19 khiến nhiều nam giới mất đi hứng thú quan hệ với bạn tình.
- Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi nam giới mắc COVID-19, virus sẽ gắn vào các thụ thể ACE2 (có nhiều ở tinh hoàn, niêm mạc miệng, phổi, tim,...). Khi tinh hoàn bị virus tấn công sẽ gây ra phản ứng viêm, đa số biểu hiện viêm nhẹ, thoáng qua và không gây khó chịu nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên điều này có thể gây tổn thương thứ phát các tế bào Leydig ở tinh hoàn (có tác dụng tổng hợp testosterone), gây suy giảm nồng độ hormone testosterone và chất lượng tinh trùng, từ đó làm suy giảm khả năng tình dục và sinh sản ở nam giới.
Theo các báo cáo trên thế giới, rối loạn cương dương là một biến chứng của COVID-19 thường gặp ở nam giới. Khi xâm nhập cơ thể, ngoài việc tấn công vào đường hô hấp, virus còn gây rối loạn nội mô, gây phản ứng viêm làm hỏng tính toàn vẹn của nội mạc mạch máu, tăng tính thấm, kích hoạt quá trình đông máu và tổn thương vi mạch dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương.
Điều này không chỉ khiến cuộc yêu của các cặp đôi không diễn ra trọn vẹn mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam giới.
COVID-19 có thể khiến "cậu nhỏ" bé đi hay không?
Có nhiều F0 sau khi khỏi COVID-19 bỗng hốt hoảng đi khám vì cho rằng "cậu nhỏ" ngày càng bé. Theo bác sĩ Đinh Hữu Việt: "Các nghiên cứu mới nhất trên thế giới, hiện chưa có bằng chứng hay cơ chế chứng minh COVID-19 gây ảnh hưởng đến kích thước dương vật".
Tình trạng dương vật ngắn đi được ghi nhận chủ yếu là do rối loạn cương dương khiến dương vật không đạt đủ độ cứng và kích thước như bình thường, cộng với việc tâm lý bệnh nhân lo lắng, stress nhiều, từ đó nhầm lẫn giữa việc dương vật không đủ cương cứng và dương vật bị ngắn đi.
COVID-19 có thể ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu sinh lý của phụ nữ?
Theo BS Việt, đối với nữ giới, virus COVID-19 khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào các thụ thể ACE2 nằm trên màng tế bào - có rất nhiều ở niêm mạc miệng, phổi, tim, các cơ quan khác gồm cơ quan sinh dục, buồng trứng, nội mạc tử cung ở nữ và tinh hoàn ở nam.
Tương tự như nam giới, nữ giới cũng sẽ bị mất cân bằng nồng độ hormone sinh dục estrogen gây suy giảm ham muốn. Bên cạnh đó, chức năng của buồng trứng và tử cung cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nang trứng có thể không phát triển, niêm mạc tử cung bị viêm, từ đó tác động xấu đến quá trình thụ tinh và làm tổ.
Vậy cần làm gì để bảo vệ chức năng sinh sản?
BS Việt cho hay: COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới đời sống tình dục và sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Do đó, khi các cặp đôi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về chuyện chăn gối sau khi nhiễm COVID thì nên tới thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Tránh suy nghĩ rằng các di chứng này sẽ tự khỏi để không bị ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.