Số ca mắc COVID-19 mới cả nước trong ngày 27/2 tăng lên gần 87.000 ca. Hà Nội tiếp tục nhiều nhất với hơn 11.517 F0. Suốt hơn 1 tháng qua, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19. Tuy nhiên theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, chỉ 1,5% trong số này phải nhập viện. Trong đó chỉ có chưa đến 900 ca nặng, nguy kịch; 3.500 ca diễn biến mức độ trung bình.

Tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch của thành phố Hà Nội ngày 27/2, các chuyên gia nhận định, số bệnh nhân tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo. Điều này đang gây áp lực cho hệ thống y tế cơ sở khi phải làm việc hết công suất, cả ngoài giờ để khám, tư vấn và cả chứng nhận bệnh cho người dân.

Vậy ngành y tế nói chung và Hà Nội nói riêng đang đưa ra các phương án nào để giảm áp lực cho hệ thống các tuyến y tế cơ sở? Về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà - cho biết: ''Thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phối hợp với ngành y tế huy động nhân lực hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở từ các lực lượng như đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các lực lượng y tế công lập, các bác sĩ nghỉ hưu. 

Chúng tôi còn huy động cả học sinh - sinh viên từ các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành y dược tham gia hỗ trợ. Chúng tôi đã có tập huấn, phổ biến cho tất cả quận, huyện trong việc triển khai áp dụng công nghệ thông tin để xác nhận và tiếp qua Zalo hoặc bất kỳ hình thức điện tử nào có thể sử dụng được. 

Người dân được xác nhận đã dương tính, khỏi bệnh, hoàn thành cách ly sau đó được gửi bản cứng, giấy tờ qua tổ dân phố, Tổ COVID cộng đồng hay Ban quản lý các tòa nhà chung cư''.

 - Ảnh 1.

Ảnh: TTXVN

Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: ''Điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện sớm các ca bệnh nặng và chuyển tuyến kịp thời. Quan tâm tới các đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch để giảm thiểu thấp nhất tỷ lệ tử vong. 

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch quản lý và bảo vệ người có nguy cơ cao mắc COVID-19, với nhóm người dễ tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19... 

Chúng tôi đã rà soát, thống kê, lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao, những hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao và cần phải thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện sớm những ca dương tính trong cộng đồng''.