Mạng xã hội phát triển cùng với sự vận động không ngừng của thông tin, mỗi ngày chúng ta có thể tiếp nhận được vô số bài đăng, bức ảnh một cách rất dễ dàng khi hàng tỷ người đang cùng đóng góp chia sẻ những thông tin ấy lên mạng xã hội. Tuy vậy, việc kiểm chứng tính đúng sai của thông tin trên mạng xã hội là không dễ chút nào và cũng đã có nhiều hậu quả tai hại xảy ra vì "fake news" từ mạng xã hội.
Câu chuyện của một nhà hàng ở Malaysia dưới đây là một ví dụ như thế. Cụ thể, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh của một người phụ nữ đã nhập viện Raja Permaisuri Bainun và được xét nghiệm dương tính với Covid-19. Bức ảnh được cho là chụp vào ngày 06/06 khi cô này cùng cả gia đình ghé thăm nhà hàng nói trên để ăn sáng trong chuyến đi từ Ipoh đến Selangor.
Bức ảnh truyền tải thông tin sai lệch dẫn tới hậu quả vô cùng lớn.
Và điều không may mắn đã xảy đến khi bức ảnh của người phụ nữ lại đưa cư dân mạng đến nhầm địa chỉ của một nhà hàng khác có tên là Pokok Belacan. Chuyện đó đã kéo theo tình trạng sụt giảm khách hàng liên tục do lo ngại dịch bệnh. Dù cho trong thực tế, người phụ nữ kia không hề dùng bữa tại đây.
Dù chỉ là một tin đồn chưa được kiểm chứng nhưng cũng đủ khiến cho việc kinh doanh của nhà hàng gặp vô vàn vấn đề: lượt khách giảm, nhà hàng vắng tanh, đồ ăn thì bị ế... Thậm chí, bức ảnh mà người chủ đăng tải còn cho thấy nhiều món ăn bị lãng phí do chẳng hề có ai đụng vào.
"Hôm nay có lẽ không phải là thời của tôi. Cửa hàng sẽ đóng cửa sớm, có lẽ chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa vào ngày mai." - người chủ nhà hàng Pokok Belacan chia sẻ.
Người dùng mạng tung tin sai sau đó cũng đã có lời xin lỗi công khai gửi tới cho nhà hàng. Sự việc này chính là một bài học cho tất cả những người trong chúng ta về ý thức sử dụng mạng xã hội, mỗi khi đăng tải thông tin hãy chắc chắn rằng đó là sự thật, vì bạn không biết nó có thể đem tới tác động lớn như thế nào đâu.
"Tôi đã chia sẻ bức hình người phụ nữ ăn tối với cái vòng cách ly đeo ở trên tay cho bạn bè của mình. Điều đó là không đúng sự thật, tôi xin lỗi vì đã đăng tải nó mà không kiểm chứng."
(Theo WOB)