Việc một gia đình giữ được gia phả là một truyền thống quan trọng ở nhiều nền văn hóa, nhất là trong xã hội phương Đông, nơi mà việc ghi chép lại nguồn gốc, lịch sử của dòng họ được coi trọng. Gia phả không chỉ đơn thuần là một danh sách tên của các thế hệ, mà còn chứa đựng những câu chuyện, sự kiện và giá trị sống của dòng họ đó.
Gia phả có vai trò to lớn trong việc duy trì và phát triển dòng họ vì đó là cơ sở để xác định nguồn gốc và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia tộc, từ đó tăng cường sự kết nối giữa các thế hệ; giúp mỗi thành viên hiểu rõ nguồn gốc và truyền thống của dòng họ, qua đó gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức đã được lưu truyền; thể hiện lòng kính trọng và nhớ ơn tổ tiên, tạo ra tinh thần tự hào và bản lĩnh cho thế hệ sau.
Ngoài ra, điều này còn đóng vai trò như một liên kết giáo dục, thông qua việc kể lại các câu chuyện về tổ tiên, giáo dục nhân cách và bài học đạo đức cho thế hệ trẻ. Do đó, việc duy trì và cập nhật gia phả là một nhiệm vụ trọng đại, giúp lưu giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa, lịch sử của dòng họ đó, tuy nhiên giữa cuộc sống nhiều đổi thay, không phải dòng họ nào cũng làm được điều đó. Chính vì vai trò của gia phả quan trọng như vậy, nên việc dòng tộc giữ lại được gia phả đầy đủ là niềm tự hào lớn của con cháu.
Mới đây, trên MXH một tài khoản N.T.N đã chia sẻ sơ đồ gia phả dòng họ của nhà mình. Thực sự tự hào vì đây là một tài liệu cũng như tài sản cực kỳ quý giá, không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn là sự trân trọng nguồn cội của một gia đình. Sơ đồ gia phả được chia sẻ là dòng họ Trần ở Bình Định.
Theo các hình ảnh từ sơ đồ phả hệ chia sẻ lại, có thể thấy rằng từ đời ông tổ, đến đời thứ 1, thứ 2,... và các chi đều được ghi chép cẩn thận.
Có thể thấy, từ bảng tông đồ dòng họ Trần ở Bình Định được sắp xếp và liệt kê rõ ràng từ thời thủy tổ, kế tổ, đời thứ 1 đến đời thứ 7, bên cạnh đó các phái trưởng, thứ phái trưởng, chi trưởng, chi thứ cũng lần lượt được ghi lại đầy đủ.
Từ gia phả cho thấy, dòng họ Trần Đình khởi nguồn bắt đầu từ triều Lê Cảnh Trị (đời vua Lê Huyền Tông 1654 - 1671). Trong dòng họ cũng có nhiều người thi đỗ Tú tài, đến thời vua Thành Thái cũng có người trong dòng họ thi đỗ Tú tài.
Gia phả của dòng họ chi tiết đến mức con gái, cháu gái theo họ tộc vẫn được ghi vào trong phả hệ - điều mà không phải gia đình nào cũng có.
Bất cứ người con, người cháu nào khi nhìn sơ đồ phả hệ của dòng tộc nhiều đời đầy đủ như này cũng đều cảm thấy tự hào. Ấn tượng và cảm động nhất có lẽ là lời dặn của tổ tiên được đề trong gia phả như sau:
"Nội, ngoại gần xa gốc Tộc Trần
Hết lòng Hiếu, Nghĩa - sống tương thân
Khó khăn - cố giữ đời trong sạch
No ấm - đừng quên kẻ khổ, bần
Giữ nết hiền lương vun cội Đức
Bền tâm chí lực tạo nguồn Nhân
Tre già - Măng mọc, thêm bền gốc
"Trần Tộc Nghĩa Môn" thế, thế tân".
Giống như đã nói về ý nghĩa của gia phả, lời dặn dò cực kỳ ý nghĩa của ông cha dòng họ Trần ở Tuy Phước, Bình Định không kể nội, ngoại hay xa gần, đều phải yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau, đặt chữ Hiếu, chữ Nghĩa, chữ Nhân lên đầu để tạo được Đức. Khi khó khăn cũng như lúc no ấm không được quên giữ lòng trong sạch.
Ngay dưới bài chia sẻ của thành viên con cháu họ Trần, rất nhiều người để lại bình luận ngưỡng mộ, nể phục sự chi tiết và đầy đủ của gia phả. Đây có lẽ là một trong những "cuốn sách" ý nghĩa và có vai trò đậm sâu, rõ nét nhất trong việc giáo dục con cháu hướng về cội nguồn.