Được khởi công từ năm 2016, nhà ga Bến Thành (quận 1, TP. HCM) giống như một khu phố ngầm, trải dài đến ga Nhà hát Thành phố theo trục đường Lê Lợi xuống mặt đất.
Đây là công trình phức tạp nhất vì ngoài phục vụ hành khách tuyến Metro số 1, Ga ngầm Bến Thành còn là điểm trung chuyển, kết nối các tuyến Metro khác như tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), tuyến Metro số 3A (Bến Thành – Tân Kiên) và tuyến Metro số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước).
Ga ngầm Bến Thành thuộc gói thầu CP1a - Đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố (bao gồm nhà ga ngầm Bến Thành và đoạn hầm đào hở bên dưới đường Lê Lợi dài 515m) do Liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco 4 (SMC4) thực hiện.
Nhà ga ngầm Bến Thành nhìn từ trên cao.
Mới đây vào đầu tháng 6/2020, đội ngũ công nhân kỹ sư Nhà thầu đã làm việc xuyên đêm để thi công đổ bê tông sàn B1A thuộc Tầng hầm B1F Ga ngầm Bến Thành với tổng khối lượng bê tông 882m3.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành việc đổ bê tông sàn của tất cả 4 tầng trong năm 2020. Hiện nay ga ngầm Bến Thành đã hoàn thiện 100% việc đổ bê tông sàn tầng B3F và B4F, thực hiện 91% việc đổ bê tông sàn tầng B2, và 93% việc đổ bê tông sàn tầng B1. Tổng diện tích sàn nhà ga Bến Thành đã thực hiện đến nay đạt 94,9%.
Ga ngầm Bến Thành còn được gọi là Nhà ga trung tâm Bến Thành vì nằm tại khu vực trung tâm thành phố và có vị trí quan trọng, kết nối Chợ Bến Thành. Nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế phù hợp với cảnh quan kiến trúc xung quanh và được kỳ vọng là 1 trong những biểu tượng mới của TP. HCM. Qua đó cũng là nơi sẽ tạo ra diện mạo mới cho khu vực trung tâm TP sau này.
Tầng 1 là khu phố ngầm dẫn đến ga Nhà hát Thành phố và được chia làm 4 khu vực: khu thương mại, khu bán hàng, khu bộ phận kỹ thuật, khu cổng ra vào và cổng kiểm soát.
Tầng 2 là khu đón tàu Metro 1, được chia ra 2 khu vực: khu đón tàu và khu bộ phận kỹ thuật. Hiện tại nơi này vẫn đang trong quá trình thi công, bên trong là một khối lượng sắt thép đồ sộ.
Lối cầu thang bộ đi lại giữa các tầng hầm của ga Bến Thành.
Công trường dưới lòng rất rộng, ngổn ngang sắt thép rất dễ nhầm lẫn nên biển báo chú ý cũng được lắp đặt cho công nhân biết để cẩn thận trong lúc đi lại.
Tầng 3 của ga ngầm Bến Thành là khu vực chuyển tàu gồm: khu vực chuyển tàu từ Metro 1 xuống Metro 2 với khu bộ phận kỹ thuật.
Còn tầng 4 là khu đón tàu Metro 2.
Hàng nghìn giàn giáo bằng sắt thép đã lắp đặt để thi công. Đây là công trình phức tạp nhất nên thời gian hoàn thành lâu hơn các nhà ga ngầm khác.
Công nhân móc dây bảo hộ vào giàn giáo để đảm bảo an toàn trong lúc lao động tại công trình.
Đảm bảo an toàn lao động luôn đặt lên hàng đầu nên mỗi lần xuống công trình, các công nhân đều trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, giày, dây bảo hộ,,...
Tổng diện tích sàn nhà ga Bến Thành đã thực hiện đến nay đạt 94,9%.
Phần tường vây giữa hầm và bề mặt đất đã hoàn thành.
Khu vực tiếp giáp giữa mặt đất và tầng 1 của nhà ga Bến Thành.
Để đảm bảo đúng tiến độ, có những ngày công nhân và các kỹ sư phải làm việc xuyên đêm. Đây là hình ảnh đổ bê tông tại sàn tầng.
Công trình thi công khá nhộn nhịp vào ban đêm.
Cận cảnh công nhân làm việc tại thời điểm đổ bê tông xuyên đêm.
Được biết, bê tông sử dụng là loại MAC bê tông C24 đáp ứng nghiêm tiêu chuẩn Nhật Bản về nguồn gốc và chất lượng cốt liệu thô, nhiệt độ bê tông trước khi đổ phải luôn đảm bảo nhỏ hơn hoặc bằng 28 độ.
Toàn cảnh nhà ga trung tâm Bến Thành, kết nối với 4 tuyến metro ở Sài Gòn. Nhà ga trung tâm Bến Thành được kỳ vọng là được kỳ vọng là 1 trong những biểu tượng mới của TP. HCM trong tương lai.
Phối cảnh nhà ga trung tâm Bến Thành.