Dù chưa qua khóa đào tạo làm bánh và chụp ảnh nào nhưng Hương Thảo vẫn quyết định bỏ việc lương cao, chế độ tốt để theo đuổi tình yêu bánh trái và giờ đây cô đã trở thành một food blogger chuyên nghiệp.
Bỏ việc lương trên chục triệu để theo đuổi niềm đam mê làm
bánh
Đôi khi các cô gái phải yêu nhiều chàng trai rồi đến khi Mr.Right xuất hiện họ mới biết thế nào là "tình yêu đích thực". Tình yêu là thế và công việc cũng gần giống như vậy. Những tưởng sau lần chuyển việc từ thiết kế thời trang sang thiết kế đồ họa, cô nàng Hương Thảo (sinh năm 1986) đã tìm thấy công việc mình thật sự yêu thích, cho đến khi cô phát hiện ra... một trang web làm bánh.
“Khi nhìn thấy những bức ảnh bánh đẹp đẽ, tôi cảm thấy mình được truyền cảm hứng ghê gớm và muốn tự tay mình tạo ra những sản phẩm như thế. Ý nghĩ này cứ thôi thúc tôi mãi. Tối nào đi làm về tôi cũng nghĩ đến việc làm bánh, đi ngủ còn mơ thấy mình đang làm bánh nữa”, Thảo kể.
Clip làm bánh pizza hải sản mà Hương Thảo gửi tặng bạn đọc aFamily.
Từ đó, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, Thảo lên mạng tìm hiểu các trang làm bánh của nước ngoài, dịch công thức rồi tối về thử nghiệm. Từ chiếc bánh đầu tiên Thảo làm thành công là bánh cupcake (với lời khen ngợi nhiệt tình từ mẹ và em gái), Thảo tiếp tục tự học làm đủ các loại bánh khác như bánh gato Hồng Kông, bánh phô mai Nhật Bản, bánh mì các loại (bánh mì giòn Việt Nam, bánh mì Hokkaido, bánh mì hoa cúc Brioche…).
Dòng bánh Thảo yêu thích
là dòng bánh Âu, có đến cả trăm loại bánh. Thảo cũng không ngại bỏ tiền đầu tư mua lò nướng, khuôn làm
bánh, máy đánh trứng, dụng cụ đủ loại để phục vụ sở thích vừa phát hiện của
mình. “Dù sắm nhiều dụng cụ làm bánh nhưng ban đầu tôi chỉ làm bánh vì mình
thích việc này quá đi. Chỉ cần mua một cái khuôn đẹp để làm ra bánh đẹp là tôi
cảm thấy hạnh phúc lắm”, Thảo tâm sự.
Những bức ảnh bánh trái Thảo chụp đăng lên Facebook nhận được nhiều lời khen ngợi của bạn bè, dù cô tự nhận “Những bức ảnh đầu tiên tôi chụp nhìn chả đẹp tí nào”, nhưng sự động viên của mọi người đã tiếp sức cho Thảo tiếp tục theo đuổi niềm đam mê.
Sau 4 tháng làm bánh, Thảo cộng tác với
một vài tờ báo điện tử thực hiện các bài báo hướng dẫn làm bánh. Cô cũng lập
một trang blog để chia sẻ công thức và những bức ảnh của mình. Trang blog này ngay
lập tức thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn gái yêu bếp núc và cũng đem đến
cho Thảo một số cơ hội kiếm tiền từ sở thích làm bánh.
Trong một năm theo đuổi tình yêu bánh trái, dù việc cộng tác với các tờ báo không đem lại cho Thảo nhiều thu nhập nhưng cô nhìn thấy cơ hội và tiềm năng của mình từ niềm đam mê mới mẻ này. Cô quyết định bỏ việc để toàn tâm toàn ý theo đuổi con đường làm bánh.
“Thật ra khi
đã làm nghề thiết kế đồ họa trong 5 năm, tôi không nghĩ mình sẽ đổi việc lần
nữa. Nhưng từ khi biết đến nghề làm bánh, tôi cảm thấy như mình đã gặp “tình
yêu sét đánh” vậy. Công việc này truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng, thứ cảm xúc
mà trước đây tôi chưa hề biết đến. Tôi luôn nghĩ rằng cuộc sống quan trọng nhất
là cảm giác hạnh phúc. Thời gian làm việc chiếm đến 8 giờ đồng hồ trong ngày,
nếu mình không cảm thấy hạnh phúc thì tiền đâu có ý nghĩa gì nữa”, Thảo thật
lòng bày tỏ.
Thảo hướng dẫn làm
bánh trong ngày hội Kitchen Day (Ảnh: NVCC).
Có một khu vườn bên trong căn bếp nhỏ
6 tháng sau khi nghỉ việc là quãng thời gian khá vất vả với Hương Thảo nhưng cũng là thời điểm cô rèn luyện chăm chỉ để nâng cao tay nghề làm bánh và chụp ảnh của mình. Cô nhận một số công việc đồ họa làm thêm tại nhà để có thu nhập ngắn hạn và tập trung viết quyển sách đầu tay.
“Tôi luôn ao ước có một căn bếp màu xanh và khu vườn dâu đỏ, nhỏ thôi, chỉ cần đủ cho những tia nắng len lỏi qua các tán lá trong vườn và đến bên cánh cửa sơn màu cũ. Tôi sẽ trồng bí đỏ cho ngọn lá xanh mướt tròn xinh tha hồ leo trườn trên mảnh đất cuối vườn cạnh luống khoai tây. Mỗi ngày tôi sẽ thăm vườn, bỏ đầy giỏ quả mâm xôi, rồi làm một ít sốt cho món bánh cheese ngon tuyệt”. Đó là ý tưởng của Thảo về “Khu vườn dâu đỏ”, quyển sách hướng dẫn những món bánh sử dụng rau củ quả tốt cho sức khỏe.
Ròng rã trong 6 tháng, Thảo tìm kiếm ý tưởng, lên công thức, làm bánh rồi chụp ảnh. 40 món bánh và quyển sách dày hơn 220 trang là nỗ lực không biết mệt mỏi của cô gái 8X. Có nhiều món bánh khó như bánh genoise, bánh hambuger Thảo phải làm lại ít nhất 2 lần mới thành công. Món bánh sừng bò (croissant) thì “làm khó” Hương Thảo đến tận 10 lần. “Bánh sừng bò Pháp là một loại bánh nổi tiếng khó làm với lớp vỏ bột ngàn lớp với các lớp bơ, bột xen kẽ nhau. Hôm tôi làm croissant trời Sài Gòn đang nóng, cán bột nhiều lần, bơ chảy nhoe nhoét mà mãi vẫn làm không đạt. Ngày hôm đó là lần thứ 9 thì tôi phát cáu, ôm nguyên cục bột ném vào thùng rác, nghỉ làm luôn. Đến ngày hôm sau khi tâm trạng thoải mái hơn, tôi mới làm lại”, Thảo kể.
Đó là về khoản làm bánh, còn về chụp ảnh thì ít ai biết rằng chủ nhân của những bức ảnh đẹp lung linh này từng không biết rằng ánh sáng quan trọng thế nào trong nhiếp ảnh. “Nói ra thật ngại, hồi đầu tôi toàn chụp ảnh bánh vào buổi tối, nên màu ảnh rất xỉn và tối. Sau này nhờ chị biên tập viên ở báo góp ý tôi mới đem bánh ra ngoài trời chụp để có ảnh đẹp hơn”, Thảo bẽn lẽn tâm sự.
Không có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, lại không rành kỹ thuật dùng đèn flash, nhưng do chụp nhiều lại có sẵn khiếu mỹ thuật, những bức ảnh của Hương Thảo càng về sau càng đẹp và thu hút hơn. “Trong một bức ảnh về ẩm thực, trước tiên món ăn trông phải ngon mắt. Khi nhìn vào bức ảnh họ phải có cảm giác muốn ăn chiếc bánh này quá đi, rồi mới tính đến các yếu tố bố cục, màu sắc. Những chi tiết phụ đặt vào bức ảnh phải không được nổi hơn cái bánh là chủ thể chính, và phải hài hòa hoặc liên quan đến màu sắc sử dụng trong chiếc bánh, và đặc biệt là cảm xúc trong bức ảnh”, Thảo chia sẻ.
Để chọn được bức ảnh đẹp, thời gian đầu Thảo phải chụp hơn... 2000 tấm ảnh cho một món ăn.
Điều khiến những bức ảnh Thảo chụp thu hút người xem là dường như mỗi bức ảnh đều ẩn chứa đằng sau đó một câu chuyện. Đó là những tia nắng hắt vào lát bánh mì pesto khiến ta liên tưởng đến một buổi sáng cuối tuần dậy muộn và ngoài sân đang có bữa điểm tâm ngon lành đang đợi. Đó là bàn tay đang cột một chiếc nơ bên cạnh những chiếc bánh quy điều caramel màu nâu mật sẵn sàng cho một món quà sắp được trao đi. Khung cảnh một cô gái đang cầm khay bánh táo nướng ca cao ngồi bệt dưới nắng khiến ta có cảm giác mùa Thu đang đến rất gần. Điều dễ nhận thấy trong ảnh của Hương Thảo còn là những chi tiết vỡ vụn xuất hiện ở một vị trí nào đó, ngẫu nhiên nhưng không tình cờ.
Thảo cho
biết cô cực thích những bức ảnh có khiếm khuyết: “Nếu một bức ảnh quá hoàn hảo
thì không còn gì để nói nữa, nhưng nếu chiếc bánh bể góc này, vụn vỡ chỗ kia,
có chỗ cháy xém, hay một món đang ăn dở thì nhìn bức ảnh sẽ sinh động hơn
nhiều. Sự khiếm khuyết làm cho bức ảnh trông thật và có hồn hơn”.
Cuốn sách sau khi xuất bản đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của mọi người. Mỗi ngày Thảo nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ độc giả, rằng họ cũng đã làm bánh thành công từ những hướng dẫn chi tiết và tận tình của quyển sách, những hình ảnh đẹp trong sách đã truyền cảm hứng cho họ thêm yêu việc làm bánh. Sau 2 năm theo đuổi niềm đam mê, dù thu nhập hiện tại chưa bằng công việc cũ nhưng Hương Thảo chưa một lần hối hận với quyết định của mình.
“Ngày trước tôi có công việc ổn định, lương khá cao, chế độ tốt nhưng bản thân tôi luôn cảm thấy tù túng và bản thân mình cứ như dậm chân tại chỗ, không học hỏi và phát triển lên được. Giờ đây mỗi ngày tôi luôn phải suy nghĩ về những ý tưởng mới, nguyên liệu mới để cho ra những sản phẩm khác nhau, quả là những thử thách đầy thú vị. Làm việc trong môi trường này cũng gặp gỡ nhiều người cùng sở thích, có thêm nhiều mối quan hệ, tôi cảm thấy mình năng động hơn rất nhiều”, Thảo bày tỏ.
Trong cuộc sống này, không điều gì là không thể, chỉ cần bạn can đảm bước ra khỏi “vùng an toàn” và dám dấn thân vì những điều mình yêu.