Ai sẽ là người trả tiền hóa đơn cho những cuộc hẹn hò? Phụ nữ vẫn cho rằng đàn ông nên là kẻ rút ví? Cuộc tranh luận nảy lửa của cặp đôi trong show Bạn muốn hẹn hò về việc "ai trả tiền 3 bát phở" khiến cư dân mạng cũng bùng lên với các luồng ý kiến khác nhau.

Ai đúng ai sai, khi nàng thì nói buổi hẹn đầu tiên chàng trả tiền là chuyện đương nhiên rồi. Còn chàng thì khăng khăng "Vì sao anh lại phải trả cho em? Đúng ra anh chỉ trả 1 bát rưỡi, anh trả 2 bát là anh ga lăng rồi!", bởi vì: "Anh với em mới quen, đã có gì chưa. Nếu không có tình cảm em đi ăn phở với anh làm gì? Đó là em hơi duy tâm, còn anh duy vật... Bây giờ phải cho anh lý do để anh ga lăng với em, để anh trả toàn bộ chi phí"... Anh chàng quá keo kiệt hay cô gái quá thực dụng?

Câu chuyện nói qua nói lại, tranh cãi, ai cũng có phần đúng, phần sai và đến cư dân mạng cũng tiếp tục cãi nhau. Cho đến khi food blogger nổi tiếng Phan Anh Esheep đã viết 1 bài rất dài giải đáp mọi vấn đề xung quanh bằng câu chuyện của chính mình.

Food blogger nổi tiếng bất ngờ hỏi: Anh có trả tiền 3 bát phở cho em không? khi câu chuyện tình phí đang tranh cãi gay gắt - Ảnh 1.

Phan Anh Esheep

Phan Anh Esheep viết:

"Sáng nay mình bận phát điên, trong lúc ngồi chờ khách hàng thì tình cờ xem một clip rất thú vị, từ chương trình #banmuonhenho, đúng một case mà theo mình là cực kì điển hình trong tình yêu. Mình xem xong mà cõi lòng trào dâng, không biết nên khóc hay cười, vì case này chính xác là case của mình, cách đây rất là lâu, với crush đầu đời của mình, anh người yêu cũ.

Ngày ấy, thời sinh viên sôi nổi, năm nhất bỡ ngỡ bước vào cánh cổng đại học, sau một vài sóng gió vườn trường thì mình chơi thân một nhóm bạn 4 người: 2 trai 2 gái. Đứa con gái là bạn thân mình từ hồi bé tý, còn 2 anh kia là bạn thân của nhau.

Hai anh kia rất hay rủ bọn mình đi cà phê. Khi ấy là quán cà phê Trầm Tư nhỏ, xinh đẹp, mỗi tối thường có chị Bê là sinh viên nhạc viện đến chơi piano rất hay, cà phê rất ngon, mình và con kia lúc nào cũng bảo "bọn em là dân nghiện cà phê", nhưng thực chất, đến nơi, một con gọi sinh tố đu đủ, một con gọi sinh tố xoài.

Ngồi được nửa buổi, con gọi sinh tố đu đủ thì gọi thêm một sinh tố xoài, con gọi sinh tố xoài thì gọi thêm một sinh tố đu đủ.

Bọn mình thật sự nghiện cái cảm giác ngồi ở một quán cà phê nhỏ, có thể ăn uống thỏa thích thứ đồ mà bọn mình thích đó mà!

Và dĩ nhiên, lúc đứng lên, lần nào cũng là hai anh kia trả tiền. Trả bằng hết.

Mình và đứa bạn kia luôn coi đó là việc dĩ nhiên, việc tất lẽ dĩ ngẫu, trong lòng không có một chút băn khoăn suy tư gì. Lúc ấy, bọn mình rất trẻ. Mình, một thời gian sau, crush một trong hai anh này.

Food blogger nổi tiếng bất ngờ hỏi: Anh có trả tiền 3 bát phở cho em không? khi câu chuyện tình phí đang tranh cãi gay gắt - Ảnh 2.

Mình, khi ấy, coi việc con trai trả tiền cho con gái khi đi chơi chung là chuyện bình thường. Và việc này lặp đi lặp lại rất rất nhiều lần.

Mình, phải rất lâu sau, rất rất lâu sau, khi đã thực sự trưởng thành, khi cuối cùng thì, cái anh mình crush kia, trở thành người yêu của mình, rồi trở thành chồng mình, thì mình mới biết được một sự thật sau câu chuyện này.

Hoá ra, để nó có kết cục vui, thì chưa hẳn, đã vui.

Mình và con kia, từ bé đã chưa bao giờ phải trả tiền một thứ gì, lúc nào cũng được bố mẹ bao bọc. Và đến lúc ấy thì chưa bao giờ phải nghĩ đến tiền.

Hai anh kia, anh mình crush thì ở Hà Nội, nhưng anh còn lại ở xa về Hà Nội học. Cả 2 anh tự lập từ rất sớm, tuy anh mình crush sống cùng bố mẹ nhưng đều tự đi làm thêm từ rất sớm và luôn có học bổng để tự trang trải cuộc sống và việc đi học.

Đối với bọn mình khi ấy, 2 cốc sinh tố mỗi buổi, 2-3 buổi một tuần là chuyện rất nhỏ. Mà không hề biết rằng, tiền 4 cốc sinh tố x 3 buổi mỗi tuần khi ấy, là tiền ăn và tiền sinh hoạt của 2 anh kia. Nghe thì rất là nhỏ, nói lên thì thấy rằng "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành".

Ơ nhưng mà, bạn có biết không? Mỗi cốc sinh tố ở quán cà phê sang chảnh ấy giá trị bằng 2 bữa ăn 1 sáng 1 trưa của một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, cũng giá trị bằng việc hai anh kia ngày ngày vui vẻ ăn mì tôm trường kì buổi sáng, "ăn chịu" bún chả đầu cổng trường trường kì buổi trưa (vì chỉ hàng bún chả đồng ý cho ăn chịu) đến mức đến tận giờ, sau bao nhiêu năm bị ám ảnh không thể ngửi lại mùi bún chả nữa.

Nếu không biết "sự thật" này, bạn có thấy, hai anh ấy thật galant, thật phong độ, gia đình anh ấy thật có điều kiện, anh ấy thật đáng để tin tưởng và gắn bó không? Bạn có đánh giá rằng "con trai là phải thế" không?

Và nếu sau khi biết "sự thật" này, bạn có thấy hai anh kia thật ngu ngốc, thật dại gái, thật điên rồ, bố hai thằng dở người không?

Sự thật là cả 2 anh này (mãi về sau này bọn mình mới biết), gia đình đều có điều kiện cả. Nếu muốn, đều chẳng cần phải nhịn ăn để rủ gái đi uống cà phê làm gì.

Nhưng tại sao lại chọn nhịn ăn hoặc chịu khổ làm thêm nhiều hơn, để vẫn là người trả tiền cho 2 con bạn thân không phải là người yêu?

Tại sao lại không chọn việc nói thẳng vào mặt hai con đó là 2 đứa tự mà trả tiền của chúng mày đi?

Tại sao không chọn việc đừng chơi với hai con dở người này nữa?

Tại sao lại không có kết cục khác?

Tại sao lại không cho rằng phụ nữ cũng nên gánh vác việc chia sẻ kinh tế tài chính với đàn ông?

---

Mình biết sự thật trên tình cờ khi anh kia vui miệng kể cho Mĩm Cừu, về việc ngày xưa bố mẹ đã cưa nhau thế nào. Mình nghe xong, cười ngặt nghẽo ngượng nghịu, xong rồi quay đi, rơi nước mắt.

Mình ngượng quá, tại sao hồi ấy mình lại trẻ con và vô tư thế. Mình cũng có tiền cơ mà. Mình có rất nhiều tiền so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng trong đầu mình, mình cứ nghĩ là, con trai sẽ là người trả tiền, là người bao bọc cho con gái. Và mình luôn nghĩ vậy.

Nếu khi ấy mình biết được điều này, chắc chắn một điều, mình luôn cùng chia sẻ.

Nhưng mãi sau này, yêu nhau rồi, mình lớn hơn rồi, trưởng thành hơn, dần từ một sự vô thức nào đó, mình mới biết mở mồm ra là: "Anh ơi, hôm nay em trả nhé", hoặc "anh ơi, việc này bọn mình cùng trả chung nhé". Chiếc xe đầu tiên hồi ấy, ET8 sang chảnh hơn trăm củ, cũng là tiền bọn mình gom góp mua chung để mình đi. Anh ý vẫn đi xe riêng.

Và rồi, yêu nhau lâu hơn, anh kia tự nhiên đưa hết tiền cho mình, bảo là, anh hay đi lại, rồi cũng không biết giữ tiền, em cầm hộ anh nhé, sau này, lo giúp anh việc chung.

Lúc ấy, mình xúc động lắm, mình ngầm hiểu rằng, có khi sau này anh ý cưới mình cũng nên, vì nếu không cưới thì mình sẽ ôm tiền bùng cho biết tay.

Nên ra trường rồi, mãi không thấy anh ý cầu hôn, mình cũng chả sợ.

Lớn hơn nữa, mình mới hiểu rằng, 1 người như anh ý không đời nào có chuyện không biết giữ tiền hay không biết quản lý tiền. Hóa ra, đó chỉ là cách anh ấy khiến mình cảm thấy "yên tâm" thôi. Mình luôn "yên tâm".

Nhưng rồi đến khi về cùng một nhà, mình lại hiểu thêm rằng, để có sự "yên tâm" ấy, anh ý đã phải nhiều áp lực thế nào. Đó là áp lực của một người đàn ông. Vì suy nghĩ của người Việt mình là đàn ông là trụ cột gia đình, là người kiếm tiền chính mà.

Chính vì vậy, mình không bao giờ muốn người đàn ông của mình phải chịu áp lực ấy. Mình luôn tự chủ và làm việc chăm chỉ hết mức để kiếm tiền, dù mỗi lúc mình vất vả, anh ấy và gia đình hai bên đều bảo, làm ít thôi, cứ lo việc cho con cái đi là được rồi, tiền để chồng lo.

Nhưng mình nghĩ rằng, áp lực trong gia đình, trên vai người phụ nữ chính là "vẹn toàn tổ ấm", trên vai người đàn ông là "chèo chống che chở tổ ấm". Thế nên, đừng ai há mồm ra kêu hay so bì. Đơn giản chỉ là cùng chia sẻ, vì khi bạn đứng ở vị trí của ngừoi kia, mới hiểu và thông cảm được cho nhau.

Và cái-vị-trí-trong-lòng-nhau ấy, đâu phải một sớm một chiều mà có được?

Quay lại câu chuyện 3 bát phở của chương trình Bạn Muốn Hẹn Hò.

Mình thấy thú vị kinh khủng.

Mình thích cô gái. Hẳn rồi.

Nhưng mình thích cả chàng trai nữa.

Nói trước là mình cực ghét con trai ki bo. Nhưng mình không hề muốn chửi chàng trai này. Bởi ở tuổi này rồi, và câu chuyện cá nhân mình đã trả qua, mình thấy không có gì phải chửi cả.

Hãy xem nhé. Chàng trai đang nói ra thật lòng những gì cậu ấy muốn, đang lựa chọn những gì cậu ấy chọn. Sự chân thật ấy, đáng quý hơn sự giả tạo đấy. Cậu ấy cũng đề xuất rằng, nếu muốn có được 3 bát phở, thì em phải tạo được ấn tượng gì cho anh chứ.

Câu này rất hay.

Tất cả mọi thứ đều là đánh đổi ngang giá, nhận lại ngang bằng.

Mình thích vậy.

Nếu cô gái kia đủ khiến cậu ấy phải lòng, cậu ấy sẵn sàng trả. Còn đừng hỏi làm thế nào để cậu phải lòng. Cái này là câu chuyện của trái tim.

Mình, cũng sẽ thích 1 chàng trai trả đủ 3 bát phở hoặc 2 cốc sinh tố cho MÌNH. Nhưng nếu chàng trai ấy luôn trả tiền 3 bát phở cho mọi đứa con gái thì xin lỗi nhé, mình lại ghét ngay.

Thế nên, trong tình yêu ấy mà, MỌI LÝ LẼ, để sau nhé. Sự gay gấn của chương trình chính là 2 bạn trẻ ấy, muốn hẹn hò nhưng lại quá nhiều lý lẽ. Họ đang tranh luận nảy lửa đấy chứ họ có muốn tìm hiểu nhau đâu. Nếu có chút bối rối của sự phải lòng nhau ấy mà, họ sẽ quên đi mọi lý lẽ, họ sẵng sàng (vô thức) làm vài điều ngớ ngẩn dại dột quên đi nguyên tắc của bản thân chỉ để muốn người kia vui hơn, muốn người kia thiện cảm với mình hơn mà thôi.

Vậy nên, chẳng ai sai hay đúng trong case này cả, chỉ là họ chưa hợp nhau mà thôi. Chưa hợp nhau, chưa muốn tìm hiểu nhau, thì làm sao mong muốn thông cảm, muốn đặt vị trí người này vào người kia? Họ đã kì vọng quá rồi.

Khi cô gái nói "anh có trả cho em cả 3 bát phở không" có lẽ, trong sâu thẳm, cô đã kì vọng mong rằng "anh có phải là người bên em suốt đời không".

Food blogger nổi tiếng bất ngờ hỏi: Anh có trả tiền 3 bát phở cho em không? khi câu chuyện tình phí đang tranh cãi gay gắt - Ảnh 4.

Chàng trai khi nói "anh trả 2 bát nhé", có lẽ, trong sâu thẳm, đã kì vọng cô gái trước mặt kia sẽ là người phụ nữ mà anh muốn đi trọn đời, chia sẻ với anh về tài chính.

Nhưng rồi, chắc là họ khó đến với nhau, vì trái tim chưa lên tiếng mà lý lẽ đã ngập tràn.

Trái tim rung rinh rồi, đến lúc trấn tĩnh lại, tự khắc cái đầu sẽ biết cách sắp xếp lại, theo đúng tính cách, hoàn cảnh, kinh nghiệm để trái tim tiếp tục bản năng. Lúc ấy, đầu tim phối hợp nhịp nhàng và xong.

Còn, đến được với nhau thế nào, còn là duyên nữa. Y như chàng trai nói đầu chương trình.

--

Còn về case của mình, hóa ra là, mình cũng đã từng kì vọng quá, mình kì vọng con trai phải trả tiền, bởi vì biết sao không, thì ra trong bản năng phụ nữ của mình, mình luôn tìm đến người có thể bao bọc, che chở mình, là vậy. Chỉ là mình có chút may mắn thôi.

Bản năng ấy, nó bộc lộ trong những lúc không ai biết được, chứ không thể giả tạo mà có.

Giống như khoảnh khắc trong ảnh này, bản năng của một người đàn ông thích che chở, sẽ là đi ra mỏm đá có vẻ dễ nguy hiểm nhất mà vợ con đang ngụp lặn, ngồi sẵn đấy, trông dáng ngồi như một ông già đau khổ, và mắt thì không thể rời 1 con vợ với 2 con con, đứa thì dỗi đứa thì nhăn nhó ì oạp vớt rong biển. Cái túi không có khóa của vợ thì luôn buộc chặt lại và để sát bên người vì thể nào xểnh ra là con vợ cũng sẽ làm rơi hay quên ở đâu đó".

Bài viết của Phan Anh Esheep nhanh chóng khiến khá nhiều người thích thú vì qua câu chuyện với những ví dụ sống đã cho ai cũng nhìn thấy cái đúng, cái sai của cặp đôi này. Chuyện tình phí không phải là 1 phép tính cộng lại rồi chia đôi khi có yếu tố tình cảm nam nữ đan xen trong đó. Nhưng "cho đi rồi nhận lại" cũng là thật, sự hào phóng của đàn ông là thể hiện tình yêu của anh với cô ấy. Nhưng không vì thế mà phụ nữ vô tư cho rằng hiển nhiên anh có "trách nhiệm" mà vô tâm kệ anh loay hoay với chiếc ví, rỗng hay không bạn cũng vô can.

Khi đến độ tuổi trưởng thành hơn người ta sẽ hiểu rằng, một mối quan hệ tuyệt vời là sự sẻ chia không chỉ trong suy nghĩ, lời nói, hành động, việc nhà... mà cả là những lần rút ví như thế. Là phụ nữ ai cũng thích được chở che, nhưng đừng coi nghiễm nhiên đàn ông là người rút ví, còn bạn có quyền "móc" bao nhiêu tùy thích. Một mối quan hệ lâu dài phải có một nền tảng của sự hài lòng. Bạn hãy đặt câu hỏi đi, đàn ông có thể "cố" mỗi ngày để rút vì làm đẹp lòng phụ nữ, nhưng nếu "cố" mãi anh ấy có hài lòng không?