Sự tình cờ của số phận khiến Thùy Dung, sau vài thất bại trong cuộc chính phục đại gia để kiếm nơi "nương tựa", đã tìm ra một đường hướng "lập nghiệp" mới: thay vì tìm cách để các đại gia chú ý đến mình, cô chuyển sang "tấn công" những cậu ấm con nhà khá giả nhưng lại chưa lõi đời, vì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Càng ngày, Dung càng thấy cái ưu việt của "con đường" mà mình mới ngộ ra.
Thứ nhất, đại gia không có nhiều, vì thế luôn có cả đống chân dài tìm cách chinh phục, dù có trầy vi tróc vảy thì khả năng thành công vẫn thấp. Thứ hai, đại gia để có gia tài kếch xù như vậy thì đầu đã có sỏi, rất khó qua mặt, chài được đã khó, lừa gạt hay điều khiển họ để moi tiền theo ý mình lại càng khó hơn. Mà đừng nói đại gia, ngay cả các thiếu gia quen tiêu tiền tỷ của bố mẹ, tuy rằng trẻ tuổi và xốc nổi nhưng cũng khó "nắm đầu" lắm, vì các chàng ấy trải qua chán vạn cuộc chơi cũng đã lõi đời lắm rồi.
Còn một điều quan trọng nữa, các đại gia hay thiếu gia cao xa vời vợi ấy, "gái" lọt vào mắt họ cũng phải "đẳng cấp" một tí, trong khi Dung biết mình tuy mặt cũng đẹp, "hàng họ" cũng ngon nhưng còn lâu mới so được với các cô người mẫu, diễn viên (dù là tự phong) được. Thế nhưng, với các cậu ấm thiếu kinh nghiệm, có cha mẹ tuy giàu nhưng chưa phải đại phú, nhan sắc ấy lại đã quá đủ. Những anh chàng này khi đã bị "đốn hạ" rồi thì rất si tình.
Bản thân Dung trước đây cũng cố gắng lân la những chốn ăn chơi sang trọng, hoặc tìm cách bắt quen với những nhân vật "có máu mặt" hòng chài đại - thiếu gia, nhưng cùng lắm là qua đêm vài lần với họ và nhận vài món quà vặt vãnh. Đang thất vọng vì đầu tư lỗ vào những bộ đầm đẹp, giày túi, nước hoa đắt tiền, số phận run rủi khiến một cậu trai tình cờ gặp cô một lần mà say như điếu đổ.
Cậu này bằng tuổi Dung, lúc đầu cô chẳng mặn mà vì về độ giàu, bố mẹ cậu chỉ đáng xách dép cho những vị đại gia cô biết, mà họ lại không thuộc dạng chiều con vô lối, vì thế cậu ấm cũng chẳng vung tiền bạt mạng như mấy người bạn mà cậu đi cùng. Thế nhưng đang hẩm hiu chưa có chỗ dựa, Dung vẫn cứ nhận lời yêu cậu ta với ý nghĩ méo mó có hơn không, và khi "bập" vào rồi, cô mới biết đó là mỏ vàng, tuy sản lượng không quá cao nhưng ổn định và dễ khai thác, và cái chính là phù hợp với khả năng có hạn của cô.
Nếu như những người đàn ông lọc lõi từng quan hệ với Dung trước đó luôn biết rõ Dung đến với họ chỉ vì tiền thì cậu ấm này lại tin rằng Dung cũng yêu mình say đắm. Cậu mê mệt, cậu tôn thờ cô, cậu xót xa cho một cành hồng không được sinh ra trong cảnh giàu có. Dung nói gì cậu cũng nghe, kể cả việc lừa bố mẹ hết lần này đến lần khác để lấy tiền chu cấp cho cô. Dung "thu hoạch" nhiều hơn cô tưởng. Thậm chí, khi bố mẹ đã phát hiện và cấm cản, cậu ấm kia, vốn ngoan ngoãn và nghe lời, vẫn khăng khăng bảo vệ tình yêu của mình.
Cho đến khi cậu ấm bị tống đi nước ngoài du học, Dung đã kiếm được số vốn không nhỏ. Không buồn rầu, luyến tiếc khi phải chia tay "người yêu", Dung tự tin đi tìm "con mồi" mới, từ giờ cô chỉ hướng đến các cậu ấm con nhà lành.
"Cứ nắm thóp thằng con, bố mẹ ghê mấy cũng thua"
Đó là kinh nghiệm được Ngọc Hằng, 21 tuổi, đúc kết sau vài cuộc tình với các chàng trai mà cô dắt mũi. Đó đều là những cậu học hành làng nhàng, bố mẹ tuy nghiêm khắc nhưng không đủ sát sao nên chỉ cần biết nói dối, đóng kịch là các cậu có thể qua mặt.
"Con mồi" gần đây nhất của Hằng là Khoa, sinh viên năm cuối một trường đại học dân lập ở Hà Nội. Để làm đẹp lòng Hằng bằng những món quà đắt giá và số tiền chu cấp "coi được", Khoa không những vòi thêm bố mẹ mà còn dùng địa vị cháu cưng để xin ông bà nội ngoại, vốn cũng rất giàu. Để sắm xe máy xịn, nhẫn kim cương, dây chuyền cho bạn gái, Khoa bán cả xe cộ cũng như các món đồ mình có, rồi báo mất để cha mẹ cho tiền mua cái khác.
Thấy con trai mất đồ thường xuyên, từ xe máy, đồng hồ, điện thoại đến ipad, laptop..., bố mẹ Khoa sinh nghi. Họ điều tra và biết cậu quý tử đang bao một cô bồ chuyên sống dựa đàn ông. Dĩ nhiên, họ tìm mọi cách để ngăn cản, từ khuyên nhủ, mắng mỏ cậu ấm đến đe dọa, sỉ nhục, van xin Hằng, nhưng chẳng ăn thua. Hằng cúi đầu bảo, con biết con không xứng đáng với anh ấy, nhưng con yêu quá không có cách nào rời bỏ anh ấy được.
Cách đây mấy tháng, bố Khoa lên cơn cao huyết áp phải đi cấp cứu khi phát hiện, hóa ra thằng con mình đã là trai có vợ. Hai cô cậu đã đi đăng ký kết hôn. Căn hộ chung cư mà bà nội Khoa chia cho thằng cháu, hiện cô vợ cậu đã dọn đến ở. Và điều quan trọng là Khoa đã cho vợ đứng chung tên sở hữu căn nhà. Hằng rất yên chí vì kể cả mai mốt Khoa có nghe lời bố mẹ mà rời bỏ côthì cô cũng đã có nửa căn hộ được chia và số vốn moi được từ Khoa, và con số sẽ vẫn tiếp tục tăng lên.
Mỗi khi được bạn bè, chị em an ủi vì phải chịu đựng sự khinh rẻ, thù ghét của nhà chồng, Hằng vênh mặt vẻ bất cần: "Em chẳng quan tâm. Họ ghét hay yêu em thì quan trọng quái gì. Chỉ những đứa con gái ngu mới run rẩy sợ hãi trước bố mẹ chồng, ra sức làm lụng, nhẫn nhục, nịnh bợ để mong họ thương yêu mình mà không bao giờ có kết quả được, vì nhà giàu bao giờ cũng khinh con dâu nghèo hết. Em á, chỉ cần làm cho chồng chết mê chết mệt, cứ nắm thóp được thằng con thì bố mẹ có ghê gớm đến mấy cũng phải chịu thua hết".
Gặp trường hợp bố mẹ "người yêu" rắn quá, chiêu mà các gái hư đào mỏ thường áp dụng là... có bầu, như trường hợp của Giang, cựu nhân viên gội đầu ở tiệm làm tóc. Cô quyến rũ được Vinh, một chàng trai con nhà giàu. Chàng này ngoan hiền, chưa yêu bao giờ, thực ra thì cũng có yêu vài lần rồi nhưng không được đáp lại.
Vì thế khi được một cô gái vừa có nhan sắc vừa sắc sảo như Giang để mắt đến, anh thấy mình như trúng số độc đắc. Nhất là khi Giang bảo muốn "hiến dâng đời con gái cho anh", rồi đưa Vinh vào thế giới khoái lạc mà anh chưa một làn được mon men đến thì anh hoàn toàn mất khả năng kháng cự. Vì thế, cho dù bố mẹ có ngăn cản thế nào, Vinh cũng kiên quyết bảo vệ tình yêu bằng được.
Bố mẹ Vinh bảo, Giang đừng có mơ mà bước chân về nhà họ, ông bà không bao giờ chấp nhận đứa con dâu như cô. Kể cả đến khi Vinh thông báo người yêu có bầu, hai vị phụ huynh vẫn thản nhiên bảo ừ, gái trong độ tuổi sinh đẻ, có bầu là thường, cô cậu thích đẻ thì cứ đẻ rồi tự nuôi, đây không liên quan. Tỏ ra rắn mặt như vậy, bố mẹ Vinh hy vọng Giang thấy "khoai" quá mà đi phá thai, nhưng hóa ra cô còn rắn hơn họ. Giang cứ thản nhiên mua đồ ăn dưỡng thai, cứ ít ngày lại bảo Vinh chở đi khám.
Đến khi thấy cái thai đã gần 4 tháng mà cô nàng vẫn tỉnh như không, bố mẹ Vinh đành phải chịu thua. Ông bà nghĩ rằng, nếu đứa trẻ đằng nào cũng ra đời thì nó là cháu mình, thà mình chấp nhận đứa con dâu ấy còn hơn để cháu cù bơ cù bất, chịu sự giáo dục của người mẹ không ra gì, mà đằng nào con mình cũng không dứt ra được rồi.
Nghĩ về chuyện hôn nhân của con trai mình, mẹ Vinh đau buồn tâm sự, bà hy vọng khi đã làm vợ, làm mẹ rồi, Giang sẽ dần dần yêu con bà chân thành và thực bụng vun vén gia đình để cùng nuôi dạy con. Em gái bà bảo: "Nếu con bé ấy không thay đổi thì nó sẽ phải trả giá thôi chị ạ, trời phạt nó". Nhưng bà mẹ không vì thế mà được an ủi, bởi bà biết rằng, dù cô gái ấy phải trả giá hay không thì con trai và cháu nội vẫn là người phải trả giá đầu tiên bởi không được sống trong gia đình hạnh phúc, yêu thương thực sự, chỉ vì sự dại dột, nông nổi của một chàng trai không biết nhận ra đâu là tình yêu chân thành.
Sự đời bất ngờ, nhiều nàng gái hư, thiên hạ coi là hạng "xúc đất đổ đi" mà vẫn lấy được chồng đâu ra đấy. Phải chăng vì họ số đỏ?