Càng về những ngày cuối năm, không khí Tết càng len lỏi theo từng ngõ ngách. Nhà nhà, người người hân hoan chuẩn bị mọi thứ cho kịp ngày Tết đến, xuân về.
Ở Việt Nam, đến cái thời tiết thôi cũng đã đậm đà "mùi" Tết rồi. Vậy bên trời Tây - nơi nhiều cô dâu Việt theo chồng về sinh sống sẽ có cách đón Tết thế nào nhỉ?
Hôn nhân đến sau cuộc gặp gỡ dài 3 tuần
Người phụ nữ trong câu chuyện tên Trúc, quê ở Vĩnh Long nhưng hiện tại, cô đang sinh sống tại Pháp cùng chồng. Trúc đã sống ở Pháp 4 năm và ăn 2 cái Tết xứ người.
Trúc quen ông xã Marc-Antoine Breard trong một lần anh về Việt Nam du lịch cùng chị họ Trúc - một người đang sinh sống tại Pháp. Ngay lần gặp đầu tiên, họ trúng "tiếng sét ái tình". Ngồi cùng nhau trên bàn ăn, họ muốn bắt chuyện nhưng ngại ngùng, chẳng dám nói.
3 tuần Marc ở Việt Nam, cả hai bắt đầu làm quen, tìm hiểu và cảm thấy thân thiết vô cùng như quen biết lâu năm. Hết thời gian nghỉ ngơi, Marc quay lại Pháp và mang cả trái tim của Trúc đi theo.
"Lúc đó mình nghĩ anh về thì không nói chuyện, không liên lạc hay tiến đến gì nữa, tình cảm chấm dứt. Nhưng mình buồn lắm, cứ khóc hoài. Mình thậm chí còn xóa hết hình chụp chung, tin nhắn của cả hai luôn đó. 1 tháng sau, anh tự nhiên muốn gặp mình, gọi cho chị để xin gặp một chút", Trúc kể.
Ở cuộc gọi lại này, Marc nói thẳng luôn là đã suy nghĩ rất kĩ và muốn cưới Trúc làm vợ. Anh sẽ về Việt Nam để làm đám hỏi. Cuộc điện thoại này như lời cầu hôn của anh dành cho cô.
Trúc tâm sự: "Lúc đó mình choáng, cảm giác bất ngờ lắm. Anh ấy bảo ở bên Pháp phụ nữ được cầu hôn là xúc động, hạnh phúc, sẽ khóc. Mình nói rằng ở Việt Nam đám cưới trọng đại lắm, chỉ sợ cưới nhầm người thôi. Marc đáp luôn: 'Yên tâm, anh sẽ chăm sóc em chu đáo, lo cho em như ba mẹ em vậy. Chỉ cần em biết nấu ăn, nấu cho anh ăn hàng ngày thôi".
Sau đó là hành trình về Việt Nam của Marc, lo thủ tục giấy tờ và sau 2 năm rưỡi, cả hai mới chính thức là vợ chồng. Trúc sang Pháp với chồng luôn sau đó.
Trúc kể: "Ngay sau khi có visa là chồng mua vé máy bay sang Pháp liền, không cho mình có thời gian ăn uống nhiều đồ ngon ở Việt Nam. Mình năn nỉ cho thêm thời gian nhưng anh sốt ruột lắm rồi và mang mình sang Pháp luôn".
Chuỗi ngày ở xứ người của cô bắt đầu bằng nước mắt vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Trúc khóc từ nhà ra taxi, lên Sài Gòn, lên máy bay, sang Pháp vẫn khóc. Thời gian đầu nằm ngủ Trúc khóc vì nhớ nhà. Những lúc đó, Marc đều xoa đầu, ôm ấp vợ rồi xin lỗi vì mình mà Trúc phải bỏ gia đình theo chồng.
"Anh cứ hứa sẽ chăm sóc và chăm lo cho mình như ở Việt Nam. Ba mẹ anh sẽ thương em như con ruột trong nhà", Trúc cho hay.
Cô qua Pháp tháng 7, sau khi quen thuộc hơn với mọi thứ, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà thì Tết lại đến. Tết là dịp cả gia đình đoàn viên, con cái đi làm ăn xa cũng về quây quần với ba mẹ, chuẩn bị đủ thứ cho Tết. Khi đó, Trúc đang mang bầu em bé đầu lòng, không thể về được. Đó là năm mà cái Tết của cô được diễn tả bằng từ "buồn hiu hắt".
Trúc tâm sự: "Khi đó là năm đầu nên mình bỡ ngỡ chẳng biết chuẩn bị gì, mua gì và ăn gì nên chẳng có cái gì cả. Mình chỉ được lên Paris đi chợ Tết vì đông người Việt. Khi ấy mình mua chút bánh mứt gọi là có vậy thôi.
Tết ở Việt Nam người ta nghỉ cả. Bên này nó như ngày thường, đi làm vẫn đi làm, đi học vẫn đi học. Đêm Giao Thừa, mình video call về cho gia đình xem người ở nhà đón thế nào, chỉ có ngồi nhìn với nỗi buồn thôi".
Làm dâu trong nhà chồng tâm lý, chồng thật lòng yêu thương và săn sóc vợ nên năm thứ 2 sang Pháp, cô được về Việt Nam ăn Tết. Ông xã Trúc hiểu văn hóa Việt Nam cùng nhiều truyền thống vì tìm hiểu từ trước đó nên tỏ ra vô cùng thích thú và đồng hành với vợ.
Mang cả Tết Việt sang xứ người
Đến năm thứ 3 ở Pháp, Trúc chuẩn bị cho cả gia đình chồng cùng đón Tết Việt Nam. Khi đó, đã ở nước ngoài vài năm nên Trúc biết cần chuẩn bị những gì cho mâm cỗ, nhà cửa có không khí nhất.
May mắn cho Trúc là ông xã rất tâm lý. Anh hiểu nỗi niềm của vợ nên cứ Tết, vợ thích gì, mua gì anh chiều hết.
Trúc tâm sự: "Chồng chu đáo lắm, anh lựa giúp mình cây hoa để coi cây nào đẹp, tươi. Anh rất hào hứng, miễn khiến vợ vui là thích làm. Trước Tết nhiều ngày, anh là người chủ động hỏi mình muốn ăn gì, nấu gì khi Tết đến. Nhà cửa mình bên đó dọn dẹp suốt ngày nên Tết chỉ trang trí thêm thôi".
Trúc ăn Tết ở Pháp chẳng khác Việt Nam là bao, cô cũng mua mâm ngũ quả, mua hoa Tết và cúng ông Công, ông Táo. Trúc đi chợ Việt mua cành đào, bánh mứt, nấu đồ ăn và mời cả gia đình chồng đến để đón Tết chung.
"Mình làm heo quay, bánh hỏi, nem nướng, thịt nướng và có cả bánh tét nữa. Ông xã mình phụ vợ nướng heo, làm đủ thứ. Anh ấy cũng nói về phong tục Tết Việt cho gia đình chồng nghe, họ đều thích thú lắm", Trúc hào hứng kể.
Gia đình chồng cô rất thích món ăn Việt Nam. Họ tôn trọng con dâu nên cũng tìm hiểu về Tết và thích thú khi được con dâu mời đến nhà ăn cỗ Tết, thực hiện các phong tục chỉ Việt Nam mới có.
Hình ảnh mâm cỗ Tết của nhà Trúc.
Trúc kể: "Mình giải thích cho họ hiểu rằng phải cúng trước khi ăn. Họ cũng thắp nhang giống mình, rồi đợi một chút cho ông bà về ăn rồi mọi người mới dọn đồ xuống dùng bữa. Ngoại của chồng mình rất thích. Bà bảo rằng điều này khiến bà hạnh phúc vì mời ông ngoại về ăn cùng. Ông mới mất hai năm nay thôi, hành động thắp hương khiến bà thấy ấm lòng".
Năm 2019 ăn Tết ở Pháp, Trúc đã chuẩn bị được tươm tất và cùng cả gia đình thứ hai dự tiệc vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc bên nhau. Năm 2020 này, cô và gia đình đã lên kế hoạch để chuẩn bị ăn Tết. Cô tâm sự rằng sẽ nấu cỗ chu đáo hơn, trang trí Tết đẹp hơn và bánh trái cũng mua đầy đủ hơn nữa.
"Mình sẽ đề nghị gia đình chồng lì xì cho con của mình để nó hiểu ngày Tết Việt Nam như thế nào. Mình cũng mặc áo dài cho con trai rồi dạy nó lì xì cho ông bà nội. Những điều này, chồng sẽ lãnh trách nhiệm giải thích để cho bố mẹ bên này được hiểu hơn", Trúc tâm sự.
Tết luôn đến trong tim mỗi con người Việt Nam. Dù ở đâu, họ luôn mong ngóng ngày Tết Nguyên Đán để gia đình được quây quần, hạnh phúc, chúc tụng và hi vọng một năm mới may mắn.
Với những con người xa quê hương, họ cũng sẽ có cách hưởng Tết đầy đủ, văn minh và nhiều cảm xúc nhất. Như Trúc và nhà chồng của mình cũng là một ví dụ điển hình như thế.