Nhiều năm gần đây, người Nhật Bản đã phải sống cùng một cơn ác mộng: Chồng hoặc vợ đã chung sống vài chục năm bỗng biến mất không để lại bất kỳ dấu tích nào cả.
Một cụ bà hơn 80 tuổi sống ở thành phố Kanagawa dự định đến một cửa hàng tiện lợi cách nhà 200 mét. Bà ra khỏi nhà từ mùa xuân năm nay, đến hiện tại vẫn chưa có tin tức gì. Trước đó, bà được chẩn đoán mắc bệnh "Suy giảm nhận thức nhẹ" (mild cognitive impairment) và cần được chú ý chăm sóc hàng ngày. Bình thường, mỗi khi bà ra ngoài đều mang theo danh thiếp của chồng trong túi cùng một chiếc điện thoại di động định vị GPS. Vào ngày hôm đó, vì nghĩ là chỉ đi gần nhà, bà đã không mang theo gì cả. Kết quả là bặt vô âm tín nhiều tháng.
Theo các báo cáo của Nhật Bản, những sự việc tương tự liên tục xảy ra trong vài năm gần đây. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản đã thống kê, trong năm 2018, số người mất tích liên quan đến các bệnh về nhận thức được ghi nhận là 16.927 người, nhiều hơn 1.064 người so với năm trước đó, và gấp 1,7 lần so với năm 2012. Số người mất tích tăng liên tục trong 6 năm qua. Thống kê theo nhóm tuổi, số người mất tích trên 80 tuổi là 8.857 người, chiếm 52% tổng số. Có 6.577 người mất tích ở độ tuổi 70 và 1353 người mất tích ở độ tuổi 60.
Theo dự đoán, bước sang năm 2025, khoảng 7 triệu người dân Nhật Bản sẽ mắc các vấn đề liên quan suy giảm nhận thức, và cứ 5 người trên 65 tuổi sẽ có một người mắc phải các vấn đề này.
Năm 2000, một người đàn ông sống tại thành phố Ōbu, tỉnh Aichi được chẩn đoán mắc bệnh suy giảm nhận thức. Tháng 3/2002, gia đình ông đã họp lại và đưa ra một kế hoạch đặc biệt. Ông sẽ dọn đến sống cùng gia đình vợ chồng con trai lớn ở Yokohama, tỉnh Kanagawa để tiện bề chăm sóc.
Vì lý do an toàn, gia đình đã lắp đặt các thiết bị giám sát bên ngoài ngôi nhà đang ở. Tháng 12/2007, một trong những thiết bị giám sát ngừng hoạt động và người đàn ông nhanh chóng lẻn ra ngoài. Sau đó, ông bị một đoàn tàu đâm chết tại một nhà ga địa phương.
Một năm sau vụ tai nạn, Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản đã yêu cầu gia đình nạn nhân bồi thường tổn thất cho tập đoàn là 7,2 triệu yên (hơn 1,5 tỷ VND) vì nguyên nhân tai nạn là do sự giám sát yếu kém của gia đình. Không đạt được thỏa thuận, tháng 2/2010, Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản đã nộp đơn kiện gia đình người đàn ông kia. Tháng 8/2013, tòa án quận Nagoya đã xử Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản thắng kiện, nhận được 7,2 triệu yên tiền bồi thường. Không đồng ý với kết quả này, gia đình nạn nhân kháng cáo. Tháng 3/2016, toàn án tối cao Nhật Bản đưa ra phán quyết cuối cùng, gia đình nạn nhân không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Phán quyết này được đại đa số người dân Nhật Bản ủng hộ, được xem là một bản án mang tính thời đại, Bởi vì ngay cả một nhân viên điều dưỡng toàn thời gian chuyên nghiệp cũng không thể đảm bảo kiểm soát được tất cả những bệnh nhân suy kém nhận thức.
Nhưng trong tương lai, xã hội Nhật Bản nên đối mặt với những vụ việc tương tự như thế nào mới là vấn đề cấp bách. Các trường hợp tương tự được lặp đi lặp lại ở Nhật Bản hầu như là mỗi ngày. Hiện tại, mỗi năm ở Nhật Bản có hơn 16.000 trường hợp mất tích do suy giảm nhận thức, chỉ một số ít được tìm thấy kịp thời. Khi ấy, tất cả những người liên quan đều sẽ vô thức mà hỏi tại sao họ lại đến được nơi nào đó.
Một cụ ông hơn 80 tuổi ở Ōta, Tokyo đã khiến những nhân viên trong trung tâm dịch vụ người cao tuổi hoang mang trong một thời gian dài. Trong lúc các nhân viên không để ý, ông đã lẻn ra ngoài. Vì ông không mang theo tiền mặt nên họ không nghĩ ông đi xa được, chỉ tập trung tìm kiếm ở các khu vực gần đó. Sau hàng chục giờ tìm kiếm liên tục, cụ ông được tìm thấy tại công viên Futi Futō Chūō Kaihin, cách xa hơn 10km. Cụ ông đã đi bộ đến đó trong tiết trời lạnh lẽo và có gió lớn. Khi được hỏi làm sao có thể đi xa đến vậy, cụ ông đã không đưa ra câu trả lời.
Trong một trường hợp khác, người mất tích là một cụ bà 70 tuổi, cuộc sống bình thường như những người xung quanh cho đến một ngày bà biến mất. Do cụ bà không đi xe đạp, gia đình cũng báo với cảnh sát là người mất tích không đi xe đạp. Tuy nhiên, khi được tìm thấy, cụ bà đang đẩy theo một chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc. Gia đình và hàng xóm đều thấy đây là một sự việc kỳ lạ.
Người mất tích do mắc bệnh nhận thức thường được tìm thấy trong vòng vài ngày sau khi mất tích. Theo thống kê năm 2018, số trường hợp mất tích đã chết là 508 người, năm 2017 là 470 người và năm 2016 là 471 người. Với những người mất tích được xác nhận đã chết này, nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông hoặc ngã xuống sông rồi đuối nước. Bởi vì hầu như những người mất tích này đã lớn tuổi, thể chất và khả năng phán đoán của họ thấp, sau khi mất tích họ đã đi rất xa gây khó khăn cho việc phát hiện kịp thời. Quan trọng hơn là, nhiều người mất tích không hề thích nghi được với cuộc sống thời bình, dẫn đến việc tìm kiếm gặp khó khăn.
Để sớm tìm được những người mất tích do bệnh lý nhận thức, mỗi bệnh nhân nên được trang bị các thiết bị hoặc điện thoại di động có GPS. Kết quả khảo sát do Khoa Lão học, trường Đại học J. F. Oberlin, Nhật Bản cho thấy tỷ lệ sống sót của những người mất tích liên quan bệnh nhận thức sẽ giảm đến 0% khi họ mất tích quá 5 ngày.
Theo nghiên cứu, "quá trình" mất tích của những người mắc bệnh suy giảm nhận thức hoàn toàn giống với người bình thường: lạc đường, muốn về nhà, quên mất nguyên nhân tại sao lại xuất hiện tại đây, những thói quen trong quá khứ được tái hiện lại, tìm nơi trú chân để chờ đợi.
Một số chuyên gia cho biết số bệnh nhân suy giảm nhận thức sẽ tăng cao trong tương lai, nên cần phải xây dựng ý thức sống chung với họ và phát triển một số biện pháp an toàn. Ngay từ nhiều năm trước, các công ty bảo hiểm Nhật Bản đã chuẩn bị các gói bảo hiểm "cuộc sống 100 năm" cho bệnh nhân suy giảm nhận thức.
Để những người suy giảm nhận thức có thể trở về nhà, cơ quan chức năng tỉnh Kanagawa đã giới thiệu một hệ thống mới. Họ cung cấp cho các bệnh nhân suy giảm nhận thức ở địa phương những bộ quần áo với các mã vạch. Nếu sử dụng các phần mềm chuyên dụng quét mã vạch có thể đọc được các thông tin cá nhân như giới tính, đặc điểm thể chất, lịch sử y tế trong quá khứ,... Và người xung quanh có thể giúp họ nhanh chóng liên lạc với gia đình.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng phát triển hệ thống bảo hiểm Kobe vào năm tới dành cho nạn nhân và người gây tai nạn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc hỏa hoạn do bệnh nhân suy giảm nhận thức gây ra, nạn nhân sẽ được bồi thường 30 triệu yên. Bên cạnh đó, chi phí tìm kiếm cũng được gói bảo hiểm chi trả, tối đa là 300 nghìn yên cho mỗi lần tìm kiếm.
Có thể thấy, đối với các bệnh nhân rối loạn nhận thức, xã hội Nhật Bản luôn có những động thái tích cực, giúp những người cao tuổi có thể thoải mái tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc.
Nguồn: Sohu