Gần Tết, chợ truyền thống vẫn ế ẩm - Ảnh 1.

Sức mua ở các chợ truyền thống rất ảm đạm. Ảnh: M.Hoa.

Ghi nhận tại chợ Bình Tây (quận 6), ngôi chợ có tuổi đời gần 100 năm ở TPHCM cũng là nơi mua bán bánh kẹo lớn nhất phía Nam những ngày cuối năm, các tiểu thương đang như “ngồi trên lửa”. Theo bà Trịnh Thị Sáu, một tiểu thương buôn bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây, năm nay sạp của bà không trữ hàng nhiều như mọi khi. “Ở đây chủ yếu bán sỉ cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Mấy năm trước đợt này mối hàng dưới Trà Vinh, Bến Tre hay Gò Công đều đã đặt rồi nhưng năm nay họ mua ít lắm. Tôi cũng có chuẩn bị hơn 90 loại bánh kẹo tất cả, chủ yếu là hàng nội trong nước thôi. Từ nay tới Tết còn khoảng 3 tuần nữa, hy vọng mấy ngày tới sẽ khởi sắc hơn” - bà Sáu cho biết.

Tương tự, một tiểu thương khác là chị Trần Thu Thuỷ, người có khoảng 30 năm kinh doanh bánh kẹo ở chợ Bình Tây cho biết năm nay sức mua kém hơn thời gian trước dịch Covid-19. “Trước kia mấy tháng Tết tôi bán được vài trăm triệu đồng tiền bánh kẹo, thuê mấy người bốc vác, chạy hàng liên tục. Vì chợ bán sỉ nên khách hàng thường mua sớm để cận Tết bán cho người tiêu dùng. Nhưng năm nay đối tác lấy hàng cầm chừng lắm. Nhiều mối hàng của tôi ở Sóc Trăng cho biết, họ cũng không dám nhập về nhiều, chờ mấy ngày nữa xem tình hình ra sao đã…” - chị Thuỷ chia sẻ.

Chợ Bình Tây hiện có hàng trăm sạp kinh doanh bánh kẹo. Ngoài bán mối sỉ cho các tiểu thương ở tỉnh thành phía Nam, chợ còn là địa điểm du lịch nổi tiếng của TPHCM, đặc biệt là khách nước ngoài. Theo đó, chợ Bình Tây có lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, nằm ở vị trí trung tâm của khu Chợ Lớn xưa nên nhiều người hay gọi đây là Chợ Lớn. Nhiều tiểu thương cho biết, so với vài năm trước, sức mua hiện chỉ còn từ 50% tới 80% dịp Tết. Nguyên nhân chủ yếu là tình hình kinh tế khó khăn chung và mô hình bán hàng online đang được ưa chuộng, chiếm ưu thế nhất định với nhóm khách hàng trẻ tuổi.

Nhưng không chỉ có chợ Bình Tây, nhiều chợ truyền thống từng thu hút đông đảo khách dịp cuối năm ở TPHCM hiện cũng rơi vào tình cảnh đìu hiu. Trong đó đáng kể nhất là chợ Tân Bình (quận Tân Bình), nơi bán sỉ quần áo, vải lớn nhất phía Nam.

Theo bà Phạm Thị Cúc, một tiểu thương có gần 30 năm kinh doanh quần áo ở chợ Tân Bình cho biết, năm nay tình hình rất khó khăn. So với các shop bán quần áo trên mạng (online) thì kinh doanh ở chợ truyền thống rõ ràng thất thế, kém hấp dẫn hơn rất nhiều. Bởi những shop online có người mẫu, có người quay phim chụp hình chuyên nghiệp quảng bá nên sản phẩm dễ thu hút khách trẻ hơn. Theo bà Cúc, những thời gian trước tết chừng 1 tháng là thời điểm nhộn nhịp nhất của chợ trước kia nhưng hiện nay nhiều người phải bỏ sạp, sang nhượng vì không đủ kinh phí duy trì kinh doanh. Một số chủ sạp buộc phải đóng cửa do tiền thuê sạp ở đây khá mắc.

Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống tự phát, chủ yếu ở vùng ngoại ô TPHCM dịp Tết hiện nay cũng rất đìu hiu, sức mua không như kỳ vọng. So với vài năm trước (lúc chưa có dịch Covid-19), những khu chợ ở Tân Tạo (huyện Bình Chánh), Bình Chiểu (TP Thủ Đức)… thường có hàng trăm các sạp hàng quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử cá nhân… nhưng hiện nay khá ít. Đặc điểm chung là các chợ này thường bán buổi chiều, tối và giá rẻ dành cho công nhân, người thu nhập thấp. Tuy nhiên thời gian cuối năm nay, các chợ này cũng không thu hút đông đảo khách hàng như trước.

"Thực tế, tình trạng ế ẩm ở các chợ truyền thống lớn tại TPHCM đã diễn ra vài tháng qua. Như chợ Bến Thành (quận 1), một trong những chợ nổi tiếng nhất ở TPHCM cũng rơi vào tình cảnh đó. Hiện nhiều tiểu thương ở Bến Thành đã chuyển sang bán online, tự quay clip giới thiệu hàng hoá để kinh doanh trên mạng xã hội, song song với hình thức truyền thống nhằm đáp ứng xu thế mạng xã hội hiện nay.